Loạt công trình trọng điểm TP. HCM tái khởi động sau thời gian ‘đóng băng’
Đây là các dự án đã bị đình trệ từ rất lâu, làm ảnh hưởng tới ngân sách địa phương.
Sau thời gian dài đình trệ, nhiều dự án trọng điểm tại TP. HCM đang chuẩn bị được tái khởi động.
Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh), nằm trên bán đảo cách trung tâm thành phố khoảng 6,5km, được phê duyệt lần đầu vào năm 1992. Tuy nhiên, do khó khăn về vốn đầu tư và vấn đề giải phóng mặt bằng, dự án đến nay vẫn chưa thể triển khai. Hiện có khoảng 5.000 hộ dân với hơn 16.600 người sinh sống tại đây, phải đối mặt với nhiều bất tiện do tình trạng "treo" dự án kéo dài.
TP. HCM đã đưa dự án này vào danh sách các công trình tiêu biểu, thi đua chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) với mục tiêu hoàn thành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư vào tháng 4/2025.
Đồng thời, thành phố cũng tổ chức cuộc thi tuyển quốc tế về ý tưởng quy hoạch và kiến trúc cho bán đảo Bình Quới - Thanh Đa, yêu cầu dành ít nhất 200ha cho công viên cây xanh, tạo không gian công cộng hài hòa với cảnh quan sông Sài Gòn, phục vụ đời sống người dân trong tương lai.
Tình trạng tương tự xảy ra với dự án Khu Liên hợp Thể dục Thể thao Rạch Chiếc tại TP. Thủ Đức. Dự án này đã "treo" từ năm 1994.
Ban đầu, khu liên hợp được quy hoạch với diện tích 466ha, kỳ vọng trở thành trung tâm thể thao đạt chuẩn Olympic. Tuy nhiên, sau nhiều lần điều chỉnh, diện tích giảm còn 212ha và hiện vẫn là những lô đất trống xen lẫn đầm lầy.
Năm 2017, TP. HCM từng tái khởi động dự án để chuẩn bị đăng cai SEA Games 31, nhưng sau khi thành phố rút lui khỏi vai trò đăng cai, dự án lại rơi vào tình trạng đình trệ. Đến tháng 12/2023, TP. HCM đưa dự án này vào danh sách các dự án văn hóa - thể thao đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), theo Nghị quyết 98, tạo cơ hội hồi sinh cho khu liên hợp.
Trong số 23 dự án kêu gọi đầu tư, có 16 dự án nằm trong khu liên hợp này, bao gồm các công trình lớn như sân vận động có sức chứa 50.000 chỗ ngồi với đường chạy điền kinh (dự kiến 7.000 tỷ đồng) và nhà đua xe đạp lòng chảo tích hợp sân bóng đá ngoài trời (4.000 tỷ đồng).
Một dự án khác là ga Bình Triệu (TP. Thủ Đức) cũng "treo" suốt 22 năm kể từ khi được quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 vào năm 2002 với diện tích hơn 41ha.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 2013, ga Bình Triệu được xác định là ga khách kỹ thuật phía Bắc TP. HCM. Đến năm 2021, dự án này được quy hoạch là ga đầu mối hành khách đường sắt quốc gia tại khu vực thành phố. Tuy nhiên, do chưa được triển khai, cuộc sống của hơn 3.000 hộ dân với hơn 15.000 nhân khẩu tại đây gặp nhiều khó khăn.
Hiện TP. HCM đang lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn 2060, trong đó bổ sung ga Bình Triệu làm ga hành khách cho các tuyến Metro số 3, 6 và 8, đồng thời quy hoạch khu vực này theo mô hình phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng (TOD).
Sau khi Đồ án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP. HCM sẽ tiếp tục lập đồ án chuyên ngành giao thông và nghiên cứu kế hoạch đầu tư cho ga Bình Triệu, tạo tiền đề để dự án khởi động lại sau nhiều năm "ngủ yên".