Loạt doanh nghiệp bất động sản “chạy đua” mua lại trái phiếu trước hạn

Những ngày cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp gấp rút mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn với tổng giá trị ước tính hàng trăm nghìn tỷ đồng. Động thái này nhằm củng cố niềm tin nơi khách hàng trong bối cảnh thị trường đầy “nỗi sợ”.

 

Loạt doanh nghiệp bất động sản “chạy đua” mua lại trái phiếu trước hạn - Ảnh 1

Hàng trăm nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được mua trước hạn

Theo thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (mã chứng khoán NVL) đã công bố thông tin về kết quả mua lại trái phiếu doanh nghiệp NVLH2122015 trước hạn, với tổng mệnh giá phát hành 1.000 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu có kỳ hạn 12 tháng, ngày phát hành 24/12/2021, ngày đáo hạn 24/12/2022, ngày thực hiện việc mua lại trước hạn là 2/12/2022. Trước đó, Novaland đã có nhiều đợt mua lại trái phiếu trước hạn, với tổng giá trị hơn 1.150 tỷ đồng.

Từ ngày 24/11, Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Land (mã chứng khoán HTL) đã bắt đầu mua lại trước hạn toàn bộ 4 triệu trái phiếu đã phát hành vào ngày 28/12/2021 (đáo hạn ngày 28/12/2023). Dự kiến trong 30 ngày, Hưng Thịnh Land sẽ hoàn thành mua lại các lô trái phiếu có giá trị 400 tỷ đồng này.

Một doanh nghiệp bất động sản khác là Công ty Phát Đạt (mã chứng khoán PDR) chỉ trong vòng hơn một tháng, tính từ cuối tháng 10 đến nay đã mua trước hạn 338,7 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Hiện số dư nợ trái phiếu của Phát Đạt đã giảm xuống còn 2.500 tỷ đồng.

Công ty An Gia (mã chứng khoán AGG) mới đây cũng thông qua phương án mua lại 300 tỷ đồng trái phiếu trước hạn sau khi đã mua lại 680 tỷ đồng trái phiếu trước hạn từ đầu năm. Hồi giữa tháng 10, Sunshine Homes (mã chứng khoán SSH) đã mua lại 500 tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Công ty Cổ phần Gotec Land cũng cam kết mua lại trước hạn toàn bộ 6 triệu trái phiếu được phát hành vào ngày 15/10/2021 (đáo hạn ngày 15/10/2025), giá trị 600 tỷ đồng. Thời gian dự kiến mua lại không muộn hơn ngày 30/6/2023. Công ty Cổ phần TNHH Nam Land lên kế hoạch mua lại trước hạn toàn bộ 4 triệu trái phiếu được phát hành ngày 13/7/2021 (đáo hạn ngày 13/7/2024), tổng giá trị phát hành 900 tỷ đồng. Thời gian dự kiến mua lại không muộn hơn ngày 30/6/2023.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thống kê trong 10 tháng đầu năm 2022 đã có khoảng 147.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được mua trước hạn. Tổng giá trị trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn sau ngày 15/11/2022 đến ngày 31/12/2022 chỉ còn ở mức 21.850 tỷ đồng. Điều này không đáng lo ngại đối với các công ty bất động sản. Tuy nhiên, áp lực vẫn đáng kể từ năm 2023 (119.050 tỷ đồng) và năm 2024 (111.810 tỷ đồng).

Loạt doanh nghiệp gấp rút chi hàng chục tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn.  
Loạt doanh nghiệp gấp rút chi hàng chục tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn.  

Chất lượng vẫn phụ thuộc vào sức khỏe doanh nghiệp

Theo nhận định của Bộ Tài chính, sau nhiều vụ bê bối từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp của Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát, thị trường dần bộc lộ nhiều nỗi lo sợ và gặp vô vàn khó khăn. Từ việc khối lượng phát hành mới sụt giảm đến khối lượng mua trái phiếu trước hạn lớn.

Cụ thể, 10 tháng đầu năm khối lượng phát hành TPDN đạt 328,9 nghìn tỉ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý. Trong khi đó, khối lượng TPDN mua lại trước hạn 152,2 nghìn tỉ đồng tăng 49,6%.

“Cổ phiếu lên xuống thất thường rủi ro hơn rất nhiều so với trái phiếu. Tuy nhiên, nếu so với các sản phẩm tiết kiệm ngân hàng thì TPDN lại có độ rủi ro cao hơn. Nhưng đổi lại nhà đầu tư trái phiếu sẽ được hưởng mức lãi suất cao hơn so với khi gửi tiết kiệm ngân hàng thông thường”, một chuyên gia đánh giá.

Với đặc điểm trên, nhà đầu tư có trách nhiệm tự đánh giá mức độ rủi ro trong việc đầu tư trái phiếu, hạn chế về giao dịch trái phiếu được đầu tư và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.

Cụ thể, lựa chọn đầu tư vào TPDN đồng nghĩa với việc nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ doanh nghiệp đó kinh doanh ra sao, sức khoẻ tài chính thế nào. Bởi, chất lượng trái phiếu phụ thuộc vào tình hình tài chính, kết quả kinh doanh riêng của từng đơn vị phát hành trái phiếu.

Các ngân hàng hiện đang được đánh giá là có độ uy tín và tình hình kinh doanh ổn định hơn so với các doanh nghiệp khác trên thị trường. Vì thế, TPDN do ngân hàng phát hành luôn có độ an toàn cao hơn. Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI cho biết: “Trái phiếu ngân hàng phát hành là an toàn tuyệt đối, ngang tiền gửi ngân hàng được bảo đảm. Thời gian vừa qua, Thống đốc và Thủ tướng cam kết bảo đảm quyền lợi và khả năng chi trả cho người dân bao gồm trái phiếu ngân hàng. Vì thế, đây tương tự như một loại tiền gửi”.

Kim Yến

Theo Kinh doanh và Phát triển