Loạt dòng sông 'chết' ở Hà Nội sẽ sớm được 'hồi sinh' nhờ 'cỗ máy' xử lý nước thải hơn 16.200 tỷ đồng?
Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có tổng mức đầu tư hơn 16.293 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ trở thành 'cỗ máy' làm 'hồi sinh' một loạt dòng sông chết trên Thủ đô.
"Cỗ máy" xử lý nước thải hơn 16.200 tỷ đồng
Được khởi công từ năm 2019, Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có tổng mức đầu tư hơn 16.293 tỷ đồng trong đó có 84,14% là vốn vay ODA (Chính phủ Nhật Bản); bao gồm xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 270.000m3/ngày đêm; xây dựng hệ thống cống thu gom, cống bao và hệ thống đấu nối (dọc hai bên sông Lừ và sông Tô Lịch), khu vực đô thị mới Hà Đông với tổng chiều dài khoảng 52,62km (đường kính 315-2.200mm).
Dự án được xây dựng trên địa bàn xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì với diện tích khoảng 13,8ha.
Mặc dù được khởi công từ năm 2019 và triển khai đồng loạt cả 4 gói thầu nhưng đến năm 2022, lượng công việc hoàn thành rất ít và vẫn còn nhiều tồn tại vướng mắc chưa được giải quyết. Sau khi TP. Hà Nội tiến hành sáp nhập các ban quản lý dự án đến nay, những vướng mắc cũng như tồn tại đã cơ bản được giải quyết, tiến độ và khối lượng công việc của dự án cũng đã được đẩy nhanh hơn.
Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có tổng công suất xử lý rất lớn (270.000m3/ngày đêm), được áp dụng công nghệ thi công lắp đặt ống cống bằng phương pháp khoan kích ngầm. "Cỗ máy" này không sử dụng hóa chất xử lý bùn mà xử lý bằng vi sinh, công nghệ này được xem khá phổ biến và đã áp dụng tại nhà máy xử lý nước thải Hòa Lạc.
Liên quan đến quy trình xử lý nước thải, chia sẻ trên Đài phát thanh và Truyền hình Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hảo - Phó Trưởng đoàn tư vấn dự án cho biết, sau khi thu gom nước thải từ các tuyến ống, nhà máy sẽ xử lý tại bể phản ứng bùn hoạt tính; sau đó nước thải sẽ được xử lý tại bể lắng làm trong nước và xử lý hóa chất, khử trùng ở khâu cuối cùng trước khi đưa về sông Tô Lịch.
Toàn bộ chu trình từ lúc tiếp nhận nước thải đến khi trả lại nước sạch cho thành phố cần thời gian trung bình khoảng 16 tiếng.
Niềm hy vọng của những dòng sông "chết"
Câu chuyện "hồi sinh" những dòng sông "chết" trên địa bàn Thủ đô bao năm qua vẫn là "chuyện muôn thuở" khi vẫn "ì ạch" tìm hướng khắc phục.
Đã có thời gian thông tin dòng sông Tô Lịch sẽ được "hồi sinh" trở thành "sông Seine" giữa lòng Thủ đô nhờ công nghệ xử lý nước thải Nano - Bioreactor của Nhật Bản khiến không ít người khấp khởi.
Nhưng hiện tại, sông Tô Lịch vẫn là dòng sông "chết". Mặc dù công nghệ xử lý Nano - Bioreactor của Nhật Bản được đánh giá cao, từng được áp dụng thí điểm tại sông Tô Lịch và cho thấy hiệu quả nhưng biện pháp này theo các chuyên gia lại khó khả thi và không thể nhân rộng mô hình.
Nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra là do nguồn nước thải của sông Tô Lịch khá phức tạp khi lượng nước lớn khiến hệ thống bị quá tải, cộng thêm chi phí xây dựng cao, thường xuyên phải bảo trì khi sử dụng; việc vận hành hệ thống này cũng cần chuyên gia có kinh nghiệm và được đào tạo chuyên sâu, do đó ứng dụng về công nghệ này không giải quyết được triệt để vấn đề của sông Tô Lịch.
Dưới góc nhìn các chuyên gia, để "hồi sinh" sông Tô Lịch, TP. Hà Nội cần tiến hành tổng thể nhiều giải pháp, một trong số đó là việc tách nước thải khỏi sông Tô Lịch.
Hiện giải pháp này đang được Thủ đô tập trung thực hiện nhờ vào việc xây dựng hệ thống cống ngầm và Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá.
Theo kỳ vọng, sau khi đi vào hoạt động, "cỗ máy" xử lý nước thải này sẽ góp phần xử lý một phần nước thải sinh hoạt cho các quận như Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hà Đông và huyện Thanh Trì.
Trong buổi kiểm tra tiến độ thi công Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá vào đầu tháng 2/2024, đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh dự án này không chỉ có ý nghĩa về việc đạt chỉ tiêu xử lý nước thải của thành phố, mà còn góp phần rất quan trọng trong việc làm sạch sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét nhằm phục vụ cho gần gần 1 triệu dân trong phạm vi 6 quận nội thành và huyện Thanh Trì, theo báo Nhân Dân.
Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Á gồm 35 gói thầu lớn nhỏ nhưng công tác triển khai thi công, xây dựng sẽ tập trung vào 4 gói thầu, đấu thầu quốc tế 1, 2, 3, 4 và gói thầu dịch vụ tư vấn.
Thời điểm hiện tại, gói thầu số 1 xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đã hoàn thành 97% khối lượng và dự kiến sẽ vận hành thử trong quý II/2024 và đi hoạt động chính thức trong năm 2025.
Trong khi đó 2 gói thầu còn lại hiện đang được chủ đầu tư và nhà thầu tập trung nguồn lực, gấp rút thi công để đưa toàn bộ dự án "cán đích" trong năm 2025.