Loạt ngân hàng chi chục nghìn tỷ mua lại trái phiếu trước hạn
Nhiều ngân hàng đã chi ra hàng chục nghìn tỷ mua lại trái phiếu trước hạn. Đây là động thái được quan tâm khi TPDN do ngân hàng phát hành luôn được đánh giá có độ an toàn cao hơn các DN khác.
Trong báo cáo mới đây, Bộ Tài chính nhận định, “sau vụ việc sai phạm của Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát, thị trường TPDN đang gặp khó khăn khi khối lượng phát hành mới sụt giảm, nhà đầu tư bán lại trước hạn nhiều, khối lượng mua trái phiếu trước hạn lớn”. Trong đó, nhiều ngân hàng đã chi ra hàng chục nghìn tỷ mua lại trái phiếu trước hạn. Đây là động thái được quan tâm khi TPDN do ngân hàng phát hành luôn được đánh giá có độ an toàn cao hơn và thường được các chuyên gia nhận định là “không đáng lo”.
Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trong 9 tháng năm 2022 là hơn 142.000 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, riêng khối TCTD có một số ngân hàng thương mại như BIDV mua lại lượng trái phiếu trước hạn với giá trị 12.672 tỷ đồng; VIB là 8.800 tỷ đồng; LienVietPostBank là 8.000 tỷ đồng; SHB là 5.450 tỷ đồng, TPBank là 4.900 tỷ đồng; OCB là 4.700 tỷ đồng...
Trong thông báo mới nhất, LienVietPostBank cho biết, ngày 24/11 sẽ tiếp tục mua lại 1.814 tỷ đồng trái phiếu sau 2 năm kể từ ngày phát hành theo quyền mua lại của tổ chức phát hành, với mức giá mua lại là mệnh giá (10 triệu đồng/trái phiếu). LienVietPostBank đã chốt danh sách người sở hữu trái phiếu vào ngày 15/11.
Theo dữ liệu thống kê, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản là những nhóm tổ chức dẫn đầu về phát hành trái phiếu trong thời gian qua. Trong đó, theo giới chuyên môn, các ngân hàng được đánh giá là có độ uy tín và tình hình kinh doanh ổn định hơn so với các doanh nghiệp khác trên thị trường. TPDN do ngân hàng phát hành được đánh giá có độ an toàn cao hơn.
Để mua lại trái phiếu trước hạn các DN phải có lượng tiền mặt lớn và tự tin về kết quả kinh doan trong tương lai của mình. Với các NH thì điều này dường như thuận lợi hơn khi qua 3 quý năm 2022, các NH đều có lợi nhuận tốt. Trong các ngân hàng thực hiện mua lại TPDN trên đây đều có lợi nhuận hàng nghìn tỷ, thậm chí vượt 10 nghìn tỷ như BIDV và xấp xỉ mức mức 10 nghìn tỷ như: SHB, VIB; lợi nhuận tăng vọt và về đích lợi nhuận sớm như: LienVietPostBank
Sau 9 tháng, LienVietPostBank đạt lợi nhuận 4.800 tỷ đồng trước thuế, tăng 72% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch cả năm, lãi sau thuế đạt hơn 3.800 tỷ đồng. Tại ngày 30/9, tổng tài sản của LienVietPostBank đạt hơn 313 nghìn tỷ đồng và ngân hàng này được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 15.036 tỷ đồng lên 20.091 tỷ đồng.
TPDN là một loại sản phẩm chứng khoán xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư. Nhà đầu tư trái phiếu sẽ được hưởng lãi suất và được doanh nghiệp trả gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn.
Không “lên xuống” phập phù như giá cổ phiếu, tuy nhiên, nếu so với các sản phẩm tiết kiệm ngân hàng thì trái phiếu lại có độ rủi ro cao hơn nhưng đổi lại, nhà đầu tư trái phiếu sẽ được hưởng mức lãi suất cao hơn so với gửi tiết kiệm ngân hàng.
Chính vì thế, trong khuyến cáo mới đây, cơ quan quản lý đã một lần nhắc lại, nhà đầu tư có trách nhiệm tự đánh giá mức độ rủi ro trong việc đầu tư trái phiếu và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình. Vì thế, chọn đầu tư vào trái phiếu của doanh nghiệp đồng nghĩa với việc nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ doanh nghiệp đó kinh doanh ra sao, sức khoẻ tài chính thế nào. Bởi, chất lượng trái phiếu phụ thuộc vào tình hình tài chính, kết quả kinh doanh riêng của từng đơn vị phát hành trái phiếu.
Theo quy định, việc mua lại trước hạn trái phiếu thông thường được thực hiện trong các trường hợp: Mua lại trước hạn theo quyền mua lại của tổ chức phát hành; mua lại trước hạn theo quyền bán lại của người sở hữu trái phiếu; mua lại theo thỏa thuận; Mua lại trái phiếu bắt buộc. Tất cả trường hợp đều được công bố minh bạch, rõ ràng trong Bản công bố thông tin tại ngày phát hành.
Việc các doanh nghiệp và ngân hàng mua lại trái phiếu còn có mục đích ổn định và củng cố lòng tin về năng lực tài chính bên phát hành trong bối cảnh về phía nhà đầu tư cũng có một bộ phận muốn bán trái phiếu trước hạn
Hiện nay, TPDN đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Dư nợ toàn thị trường TPDN chỉ khoảng 15% GDP; trong đó, riêng TPDN riêng lẻ là 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương 12,8% GDP. So với Chiến lược phát triển tài chính đến năm 2030, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2025, dư nợ thị trường TPDN tối thiểu đạt 20% GDP và đến năm 2030 tối thiểu đạt 25% GDP.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, những sai phạm của một số cá nhân, tổ chức trên thị trường TPDN riêng lẻ vừa qua không đại diện cho toàn thị trường. Việc phát triển thị trường TPDN lành mạnh, minh bạch và bền vững là rất cần thiết, góp phần tạo ra một nền tài chính đa dạng, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn trung và dài hạn, giảm sự phụ thuộc lớn vào kênh tín dụng ngân hàng.