Lợi nhuận công ty chứng khoán: Người báo lãi lớn, kẻ giảm mạnh doanh thu

Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các công ty chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2022. Bên cạnh những công ty lãi hàng nghìn tỷ đồng vẫn không ít công ty ngậm ngùi báo lãi giảm mạnh.

Ngay đầu mùa công bố báo cáo tài chính quý 1/2022, nhiều "ông lớn" ngành chứng khoán đã ngậm ngùi với kết quả kinh doanh kém khả quan, trong bối cảnh thị trường chứng khoán diễn biến khá ảm đạm.

Lợi nhuận công ty chứng khoán: Người báo lãi lớn, kẻ giảm mạnh doanh thu - Ảnh 1
Lợi nhuận Công ty chứng khoán phân hoá mạnh trong Quý I/2022

Kết thúc quý 1/2022, Chứng khoán TP.HCM (HSC, mã: HCM) đạt 854 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 16% so với cùng kỳ 2021.

Hoạt động cho vay ký quỹ tiếp tục đóng góp lớn nhất trong tổng doanh thu (chiếm 43%), đạt 373 tỷ đồng. Ngược lại, doanh thu từ nghiệp vụ môi giới đạt 283 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% và chiếm 33% tổng doanh thu của HCM. Đồng thời, doanh thu thuần từ hoạt động tự doanh đạt 187 tỷ đồng, cũng giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Mảng tư vấn tài chính doanh nghiệp chỉ ghi nhận 4,5 tỷ đồng, lao dốc 72% so với cùng kỳ.

Do đó, lợi nhuận trước và sau thuế đạt 354 tỷ đồng và 283 tỷ đồng, cùng giảm 12% so với quý 1 năm 2021.

Cùng cảnh ngộ, Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2022 với doanh thu hoạt động giảm hơn 9% so với cùng kỳ xuống 281 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động môi giới và cho vay ký quỹ (margin) vẫn khởi sắc trong khi tự doanh lại kém hiệu quả.

Chi phí tài chính trong kỳ tăng vọt 124% lên 70,4 tỷ đồng chủ yếu do chi phí lãi vay. Chi phí quản lý công ty chứng khoán cũng tăng 23% so với cùng kỳ lên mức 28,6 tỷ đồng. Kết quả, VCBS lãi trước và sau thuế lần lượt 96,2 tỷ đồng và 77 tỷ đồng, đều giảm 52% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng ngậm ngùi báo lãi giảm mạnh là trường hợp của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC, mã: BVS) ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt gần 49 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ do các loại chi phí tăng mạnh như chi phí hoạt động tăng 30% lên hơn 114 tỷ đồng; chi phí tài chính gần 43 tỷ đồng, gấp 3,3 lần cùng kỳ.

Tương tự, Chứng khoán VIX ghi nhận doanh thu hoạt động giảm 13% so với cùng kỳ xuống mức 446,2 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm mạnh 40% so với cùng kỳ xuống 257,2 tỷ đồng.

Trong kỳ, chi phí tài chính và chi phí quản lý công ty chứng khoán đều tăng mạnh khiến lợi nhuận trước thuế của VIX giảm 16% trong quý đầu năm. Lãi ròng thu về 268 tỷ đồng, cũng giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận công ty chứng khoán: Người báo lãi lớn, kẻ giảm mạnh doanh thu - Ảnh 2

Ở chiều ngược lại, lợi nhuận công ty chứng khoán khác ghi nhận tăng trưởng mạnh.

Đơn cử như Chứng khoán MB (MBS) ghi nhận doanh thu hoạt động đạt gần 610 tỷ đồng tăng 52% so với cùng kỳ năm trước; tổng lợi nhuận sau thuế trong quý đạt hơn 200 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm 202. Đây là con số lợi nhuận kỷ lục của MBS đạt được tính theo quý.

Chứng khoán APG cũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2022 với doanh thu tăng gấp gần 9 lần so với cùng kỳ năm trước lên mức gần 117 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh trong kỳ, tổng lợi nhuận sau thuế trong quý 1/2022 của APG đạt 78 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 8,8 tỷ đồng. Đây cũng là con số lợi nhuận kỷ lục của doanh nghiệp đạt được tính theo quý.

"Ông lớn" Chứng khoán SSI (SSI) ghi nhận doanh thu đạt 2.068 tỷ, tăng 36% và lợi nhuận trước thuế 883 tỷ đồng – tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó dịch vụ chứng khoán, kinh doanh nguồn vốn và hoạt động đầu tư tiếp tục là các lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu.

Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) công bố kết quả kinh doanh quý 1/2022 với doanh thu đạt 1.693 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 1.176 tỷ đồng, tăng tương ứng 65% và 40% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận trước thuế đạt 69%. Doanh thu ở 2 mảng chính gồm sản phẩm đầu tư và tư vấn doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng đều đặn, đạt 969 tỷ đồng và 724 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 60% và 73%.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2022 với doanh thu hoạt động tăng 24% so với cùng kỳ lên 332,6 tỷ đồng; lãi trước và sau thuế lần lượt 95,7 tỷ đồng và 83,3 tỷ đồng, đều tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) kết thúc quý 1/2022 có tổng doanh thu đạt 855,4 tỷ đồng, tăng 33,1% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận trước thuế đạt 160,3 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, chứng khoán Châu Á-Thái Bình Dương ghi nhận 46,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 36,07% so với cùng kỳ năm ngoái; Chứng khoán FPT (FPTS) lãi trước thuế quý 1 đạt 253,5 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ và hoàn thành 37% mục tiêu cả năm đề ra; Chứng khoán Dầu khí (PSI) báo lãi tăng gấp 3,7 lần đạt hơn 15,6 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, CTCK này đã thực hiện được hơn 69% mục tiêu lợi nhuận đề ra năm 2022;...

Lợi nhuận công ty chứng khoán: Người báo lãi lớn, kẻ giảm mạnh doanh thu - Ảnh 3

Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) chỉ ra những động lực phát triển của thị trường chứng khoán thời gian tới, đó là chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023 có quy mô khoảng 4% GDP, tập trung vào chi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giảm 2 điểm phần trăm thuế giá trị gia tăng, giảm 2 điểm phần trăm lãi suất cho vay cho quy mô dư nợ dự kiến khoảng 1 triệu tỷ đồng mỗi năm; tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ từ mức nền thấp; xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thị trường còn có những rủi ro trọng yếu như áp lực tăng lạm phát trong nước do đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng và việc thực hiện các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế, cũng như áp lực nhập khẩu lạm phát do giá cả các loại hàng hóa trên thế giới tăng cao, có thể khiến Việt Nam tăng lãi suất sớm hơn kỳ vọng.

Trước rủi ro lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhanh sẽ tạo áp lực tăng lãi suất lên các ngân hàng trung ương châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Hoàng Long

Theo Sở hữu trí tuệ