TS Nguyễn Đình Cung: Nhà nước không nên quá bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam xung quanh việc xử lý những vụ việc vi phạm trên thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, TS Nguyễn Đình Cung khuyến nghị Nhà nước không nên can thiệp quá mức bảo vệ nhà đầu tư, bởi đầu tư dù chân chính vẫn phải chịu rủi ro.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cách ứng phó với tin đồn trong thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp là phải tạo minh bạch thị trường. Nếu cứ mập mờ và không có cam kết mạnh mẽ, công khai của thị trường thì không thể dẹp được tin đồn.
Trong thời gian vừa qua, động cơ của thị trường chứng khoán và trái phiếu là rất lớn, cần khống chế lại động cơ này để các thị trường phát triển lành mạnh, tránh đầu tư bầy đàn, lấy lợi nhuận trước mắt.
“Không nên cứ nghĩ nhà đầu tư là phải bảo vệ, dù đầu tư chân chính hay không chân chính thì vẫn có rủi ro. Rủi ro thì phải mất mát, phải chịu. Theo tôi, Nhà nước không nên dùng biện pháp hành chính ngay lập tức để can thiệp quá mức bảo vệ nhà đầu tư, làm thiệt thị trường và những tổ chức phát hành cổ phiếu, trái phiếu, đặc biệt là những tổ chức kinh doanh chân chính, có trách nhiệm”, ông Cung nhấn mạnh.
Theo nguyên Viện trưởng CIEM, muốn minh bạch hóa thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu, cần phải nghiên cứu, đánh giá xem vấn đề là gì, nguyên nhân nằm ở đâu, từ đó sửa, chứ không phải vì một tuyên bố của một ông bộ trưởng nào đó mà phải nhanh chóng sửa đổi nghị định này, nghị định kia. Đó là phản ứng chưa thật hợp lý, quá mức cần thiết, cản trở phát triển thị trường và cản trở sự phát triển của nền kinh tế.
Điều đáng suy nghĩ là, Việt Nam đã có đề án về tái cơ cấu thị trường tài chính từ 10 năm trước, qua đó đề cập đến rất nhiều giải pháp như tái cơ cấu nhà đầu tư, tăng số lượng nhà đầu tư tổ chức, phải đa dạng hóa và nâng cao chất lượng của các sản phẩm tài chính, minh bạch hóa thị trường.
“10 năm trước chúng ta đã đề cập đến những giải pháp quan trọng cho thị trường tài chính. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, thời gian vừa rồi, thị trường lại đẩy nhà đầu tư tư nhân lên quá mức, trong đó, nhà đầu tư tổ chức thì chúng ta không phát triển. Chúng ta đã làm khác đi đề án. Chúng ta đa dạng hóa sản phẩm nhưng lại không để ý đến chất lượng sản phẩm”, ông Cung khẳng định.
Ông Cung phân tích thêm: Những giải pháp cần thiết Việt Nam đã đặt ra 10 năm trước nhưng khi thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu phát triển quá “nóng” thời gian vừa qua cho thấy sự khác biệt giữa nền kinh tế và hệ thống tài chính.
Đây là hiện tượng phát triển thị trường tài chính không lành mạnh - chúng ta muốn đẩy nó lên hơn là kìm xuống. Đã đến lúc phải nhìn lại để thực hiện cho đúng đề án tái cơ cấu thị trường tài chính 10 năm trước.
Trong làm chính sách, hiện rất thiếu những cơ quan nghiên cứu độc lập, thiếu những báo cáo nghiên cứu độc lập. Nghiên cứu thì cứ nghiên cứu, điều hành thì cứ điều hành, hai yếu tố này không gắn kết được với nhau. Chúng ta phải thực sự sử dụng nghiên cứu để làm chính sách chứ không phải chỉ để phát hiện.
Đánh giá về triển vọng kinh tế năm 2022, theo TS Nguyễn Đình Cung, cho dù Chính phủ đang nỗ lực rất đáng ghi nhận nhưng có thể chưa đủ để khiến cho đầu tư công trở thành động lực thực sự của năm 2022, từ đó, thúc đẩy đầu tư tư nhân để đạt mục tiêu tăng trưởng.
“Tổng cầu của nền kinh tế vẫn còn thấp. Đáng tiếc rằng chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội để thúc đẩy tăng tổng cầu của nền kinh tế từ quý IV/2021. Chúng ta đã hơi dè dặt trong việc tăng trưởng tổng cầu để bù đắp lại, tạo cú hích cho đà mạnh hơn của phục hồi kinh tế.
Bởi vậy, khu vực bán buôn bán lẻ đang tăng ở mức thấp, dịch vụ nhà hàng khách sạn tuy tăng nhưng chưa bù đắp lúc trước đại dịch. Đặc biệt, chúng ta không nhìn thấy sự tăng nhanh thu nhập của người dân. Từ đó có thể khẳng định lạm phát tuy rất đáng lo ngại nhưng sẽ không vượt quá 4% trong năm 2022 như mục tiêu đã đặt ra”, ông Cung nói.