Lợi nhuận doanh nghiệp dịch vụ hàng không phân hóa mạnh
Tính đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp dịch vụ hàng không trên cả ba sàn đã hoàn tất công bố báo cáo tài chính quý 1/2021 với kết quả kinh doanh trái chiều, thậm chí có doanh nghiệp chịu lỗ nặng so với cùng kỳ 2020.
ACV, SGN và SAS báo lãi giảm mạnh
Quý 1/2021, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.903 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ năm 2020. Việc doanh thu sụt giảm trong quý đầu tiên của năm 2021 so với 2020 là do quý này dịch COVID-19 ảnh hưởng 2/3 tháng trong khi năm ngoái thời điểm đầu năm dịch COVID chưa ảnh hưởng nhiều đến hoạt động hành không.
Trong đó, doanh thu cung cấp dịch vụ hàng không bao gồm doanh thu dịch vụ hạ cất cánh, phục vụ mặt đấy cơ bả/trọn gói, dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý… đạt 1.547 tỷ đồng, giảm 46%.
Doanh thu cung cấp dịch vụ phi hàng không gồm cho thuê mặt bằng, thuê quảng cáo, dịch vụ hạ tầng… đạt 299 tỷ đồng, giảm 41%. Doanh thu bán hàng 67 tỷ đồng, giảm 76%. Theo đó lợi nhuận gộp của ACV ghi nhận gần 354 tỷ đồng, giảm 78%.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh 66% so với cùng kỳ lên 901 tỷ đồng, chủ yếu do lãi chênh lệnh tỷ giá và lãi tiền gửi. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, ACV báo lãi sau thuế 862 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ năm 2020.
Tình cảnh của CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco, SAS) cũng không mấy khả quan.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2021, doanh thu thuần tại SAS đạt 109 tỷ đồng, giảm tới 79% so với cùng kỳ. Trừ thêm chi phí giá vốn thì lợi nhuận gộp của SAS đạt gần 54 tỷ đồng, giảm 81% so với quý 1/2020.
Doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 79% lên gần 28 tỷ đồng, các loại chi phí cũng giảm đáng kể như chi phí bán hàng giảm từ 181 tỷ đồng xuống còn 36 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ 48 tỷ đồng còn 17 tỷ đồng.
Khấu trừ thuế, SAS báo lãi sau thuế trong quý 1/2021 hơn 12 tỷ đồng, giảm 19% so với quý 1/2020. Nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm là do dịch bệnh COVID-19 diễn ra vào dịp tết khiến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của khách hàng không nhiều nên ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh doanh của công ty.
Tương tự, CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (HOSE: SGN) ghi nhận doanh thu thuần giảm 47% so với cùng kỳ 2020, xuống còn 176 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm mạnh 56%, chỉ còn gần 33 tỷ đồng.
Năm 2021, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu thuần 795 tỷ đồng và lãi ròng 95 tỷ đồng, tức tăng trưởng tương ứng 6,56% và 7,95% so với kết quả năm 2020. Con số kế hoạch đặt ra dù tăng trưởng so với năm 2020, nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức lãi ròng 346 tỷ đồng của năm 2019 – thời điểm trước khi dịch Covid-19 ập đến.
Kết quả kinh doanh của CTCP Suất ăn Hàng không Nội Bài (UPCoM: NCS) tiếp tục lao dốc.
Cụ thể, quý 1/2021, NCS ghi nhận doanh thu thuần gần 44 tỷ đồng, giảm hơn 61% so với cùng kỳ. Việc kinh doanh dưới giá vốn khiến Công ty báo lỗ gộp hơn 10 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi gộp hơn 12 tỷ đồng.
Hãng kinh doanh suất ăn tại sân bay Nội Bài lỗ ròng hơn 19 tỷ đồng trong quý 1/2021, trái ngược với mức lãi gần 1 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Có phần khởi sắc, CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCT) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 64 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ 2020. Đây là doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng nhất ngành hàng không. Hoạt động chính của công ty này là kinh doanh dịch vụ hàng hóa bằng đường hàng không, do đó không chịu tác động nặng giống như vận tải hành khách.
Đại dịch Covid-19 khiến AST, CIA tiếp tục lỗ nặng
CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Air, mã chứng khoán AST) là một trong những doanh nghiệp lớn thuộc lĩnh vực dịch vụ phi hàng không với chuỗi cửa hàng ăn, hàng miễn thuế tại 7 sân bay quốc tế lớn trên cả nước (Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Phú Bài, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn...). Doanh nghiệp là chủ của chuỗi đồ ăn nhanh Lucky và chuỗi cửa hàng miễn thuế Jalux tại các sân bay.
Mạng lưới kinh doanh của Taseco Airs trải dài trên khắp các sân bay quốc tế và các thành phố lớn của cả nước, nơi tập trung các điểm du lịch trọng điểm và thu hút nhiều du khách.
Tuy nhiên, quý 1/2021, AST ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 58 tỷ đồng, giảm mạnh 70% so với cùng kỳ 2020 và giảm 6,8% so với quý trước đó. Biên lợi nhuận gộp giảm mạnh còn hơn 27% trong khi cùng kỳ năm trước đạt hơn 47%.
Tuy đã tiết giảm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, nhưng Taseco Air vẫn bị lỗ từ hoạt động kinh doanh gần 32 tỷ đồng trong quý 1/2021. Đây là quý lỗ thứ 4 liên tiếp của doanh nghiệp này.
Kết quả, quý 1/2021, lợi nhuận trước và lợi nhuận sau thuế tại AST lỗ gần 32 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 20 tỷ đồng.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, Công ty cổ phần Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh (CIA) ghi nhận doanh thu quý 1/2021 giảm 73% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận gộp trong quý cũng lỗ hơn 8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 5 tỷ đồng.
Kỳ này, các khoản chi phí đều giảm nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tại CIA vẫn bị lỗ gần 14 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2020 chỉ lỗ gần 3 tỷ đồng.
Kết quả, CIA ghi nhận lỗ trước thuế 13,5 tỷ đồng và lỗ sau thuế 13,6 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ năm trước chỉ lỗ gần 3 tỷ đồng.
Masco thua lỗ trong 3 tháng đầu 2021 do chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam, công ty đã lỗ sau thuế trong 4 trên 5 quý gần nhất, trong đó quý duy nhất có lợi nhuận cũng chỉ ở mức gần 1 tỷ đồng.
Doanh thu của Masco trong quý 1/2021 vẫn chủ yếu đến từ cung cấp dịch vụ, chiếm 97% doanh thu thuần của doanh nghiệp, phần còn lại đến từ bán hàng hóa.
Vẫn có doanh nghiệp dịch vụ hàng không báo lãi
Đi ngược với bức tranh chung, kết quả kinh doanh của CTCP Dịch vụ hàng hoá Sài Gòn (SCSC - MCK: SCS) mang màu sắc tươi sáng hơn.
Trừ đi các chi phí, doanh nghiệp báo lãi sau thuế 137 tỷ đồng, tăng 13%. Đây là kết quả lợi nhuận cao nhất theo quý của SCS từ trước tới nay. Biên lợi nhuận gộp được giữ ở mức tương đương cùng kỳ năm trước là 79%.
Với kết quả đạt được, sau quý I, SCS đã thực hiện 25% mục tiêu doanh thu và 27% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.
Theo giải trình của công ty, mặc dù nền kinh tế thế giới đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng ngành vận tải hàng hoá nói chung và ngành logistic hàng không nói riêng đang có những bước tăng trưởng mạnh mẽ từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng trong sản xuất.
Có thể thấy, kết quả kinh doanh các doanh nghiệp ngành dịch vụ hàng không quý 1/2021 tiếp tục trong tình trạng không mấy sáng sủa.