Lợi nhuận doanh nghiệp ngành thép lao dốc
Đối diện với nhiều khó khăn, loạt doanh nghiệp ngành thép vừa công bố báo cáo tài chính trong đó cho thấy kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa thậm chí thậm chí đã có doanh nghiệp báo lỗ.
Ngành thép "thê thảm" trong quý 2
Theo báo cáo từ SSI Research, sản lượng tiêu thụ thép đã chững lại trong vài tháng gần đây, với sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước trong tháng 4-5/2022 giảm khoảng 32% so với cùng kỳ.
Cùng với đó, giá thép cũng lao dốc nhanh chóng. Trong đó, giá thép xây dựng đã trải qua 9 lần giảm liên tiếp trong hơn 1 tháng qua, xuống vùng 16 triệu đồng/tấn. Còn giá thép cuộn cán nóng tại Việt Nam cũng lao dốc xuống 650 USD/tấn.
Bộ Công thương dự báo trong năm 2022, Việt Nam phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế khoảng 6-6,5 triệu tấn cho các lò điện, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn…
Trong khi đó, dự kiến giá quặng sắt, thép phế, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc… vẫn duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường thép trong nước.
Một rủi ro lớn tiếp theo đến từ biện pháp bảo hộ của Liên minh châu Âu (EU) - “khách hàng” lớn tiêu thụ thép mạ của Việt Nam. EU gần đây đã bổ sung Việt Nam vào nhóm “các nước khác” với hạn ngạch nhập khẩu dành cho nhóm này là 2,1 triệu tấn thép mạ kẽm nhúng nóng (HDG).
Bộ Công thương dự báo, trong 6 tháng cuối năm 2022 vẫn còn khá nhiều lực cản đối với ngành thép.
Trong báo cáo mới đây, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) dự báo các doanh nghiệp thép trong nước sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức và những yếu tố bất ổn trong 6 tháng cuối năm 2022.
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2022 của Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Chủ tịch Trần Đình Long đã tỏ ra khá bi quan về triển vọng trong những tháng còn lại của năm. Theo ông, lạm phát khiến người tiêu dùng co tiêu dùng lại. Trong đó, xây dựng là một trong những khoản được cắt giảm đầu tiên bởi người dân vẫn phải ưu tiên nhu cầu ăn, mặc. Điều này tác động trực tiếp đến tình hình xuất khẩu của Hoà Phát và ngành thép nói chung.
Đồng thời, lạm phát cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp thép khi 60 - 70% nguyên liệu phụ thuộc vào nhập khẩu.
Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long báo hiệu ngành thép sắp tới sẽ “thê thảm” và báo cáo tài chính vừa công bố của các doanh nghiệp thép đã phần nào xác nhận cho điều này.
Lợi nhuận kém khả quan
Vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2022, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận doanh thu 37.714 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.023 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hòa Phát đã ghi nhận 82.118 tỷ đồng doanh thu và 12.229 tỷ lợi nhuận sau thuế, tương ứng giảm 27% so với cùng kỳ năm trước, qua đó hoàn thành 46% kế hoạch năm.
Một số doanh nghiệp cùng ngành thông báo kết quả kinh doanh sớm đã vẽ nên một bức tranh khá ảm đạm. CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã: SMC) cho biết lợi nhuận sau thuế quý 2 vừa qua đạt 42,5 tỷ đồng, giảm 92% so với cùng kỳ 2021. Lũy kế nửa đầu năm, lãi sau thuế giảm 83% còn 123 tỷ đồng. Theo đơn vị này, trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ, giá thép xu hướng giảm nhanh dẫn đến giá vốn cao và ảnh hưởng nhiều đến việc dự trữ nguyên liệu phục vụ sản xuất và buộc phải dự phòng giảm giá tồn kho.
Công ty CP Gang thép Cao Bằng (mã: CBI) công bố lợi nhuận ròng 17,7 tỷ đồng, lao dốc 88% so với quý 2/2021. Lãi sau thuế nửa đầu năm giảm 80% còn 43 tỷ đồng, cho biết giá nguyên liệu đầu vào lên cao là nguyên nhân chính làm tăng chi phí và giảm lợi nhuận.
Tương tự, CTCP Thép Mê Lin (mã: MEL) ghi nhận doanh thu đạt hơn 162 tỷ đồng trong quý 2 vừa qua, giảm 23% so với cùng kỳ, lợi nhuận giảm 93% còn 1,7 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, doanh thu MEL tăng 25% lên 411 tỷ đồng, tuy nhiên, lợi nhuận giảm mạnh 68% về còn 12,4 tỷ đồng. Theo MEL, do chịu tác động của giá thép trên thị trường thép thế giới và trong nước giảm mạnh, sản lượng bán của công ty thấp, doanh thu giảm và lợi nhuận cũng giảm theo.
Đặc biệt, CTCP Thép Thủ Đức - Vnsteel (mã: TDS) bắt đầu lỗ do ảnh hưởng của giá thép đi xuống. Trong quý 2/2022, Thép Thủ Đức báo lỗ ròng gần 2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái có lãi hơn 34 tỷ và quý 1 năm nay có lãi hơn 8 tỷ.
Luỹ kế trong 6 tháng đầu năm, Thép Thủ Đức ghi nhận doanh thu đạt 1.111,92 tỷ đồng, giảm 11,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 6,07 tỷ đồng, giảm 87,1% so với cùng kỳ.
Được biết năm 2022, Thép Thủ Đức đặt kế hoạch kinh doanh với sản lượng tiêu thụ thép cán là 160.000 tấn và lợi nhuận trước thuế là 24,3 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 7,6 tỷ đồng, công ty mới hoàn thành được 31,3% kế hoạch lợi nhuận năm.