Lợi nhuận suy giảm, nợ xấu tăng cao: Ngân hàng trong vòng xoáy rủi ro mới

Nợ xấu ngân hàng tiếp tục gia tăng trong nửa đầu năm 2023. Những con số trên bức tranh kinh doanh quý II cho thấy áp lực nợ xấu đang thực sự hiện hữu tại nhiều ngân hàng.

Nợ xấu ngân hàng tăng cao

Kết thúc quý II/2023, hầu hết ngân hàng thương mại cổ phần đều ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh so với đầu năm 2022. Số dư nợ xấu tại nhiều ngân hàng đã tăng trên 50%, thậm chí có ngân hàng tăng gấp đôi so với cuối năm trước.

Có tới 27/29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II có nợ xấu tăng và hơn 90% trong số đó ghi nhận số dư nợ xấu tăng trưởng hai chữ số; 8 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên ngưỡng 3%. Tổng nợ xấu của 29 ngân hàng tính đến hết quý II ở mức gần 220.000 tỷ đồng, tăng 33,7% so với cuối năm trước.

Điển hình, trong 6 tháng đầu năm, tổng nợ xấu tại LPBank tăng 65%, lên 5.656 tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu tăng ở tất cả nhóm nợ. 

Tại Techcombank, tổng nợ xấu tính đến cuối quý II là 5.000 tỷ đồng, tăng 65% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 0,72% lên 1,07%.

Đến ngày 30/6/2023, nợ xấu của BIDV ở mức 25.970 tỷ đồng, tăng 47% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay theo đó tăng từ 1,16% lên 1,59%

Tại ABBank, nợ xấu trong 6 tháng đầu năm nay tăng 61%, lên 3.820 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,89% lên 4,55%.

Tại MB, tại thời điểm 30/6, nợ xấu nhóm 3 và nhóm 4 tăng lần lượt 1,8 và 2,2 lần. Tổng nợ xấu của nhà băng này trong 6 tháng đầu năm là 7.480 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,44%.

Trong 6 tháng đầu năm, BacABank ghi nhận nợ xấu tăng hơn 32%, lên xấp xỉ 679 tỷ đồng.

PGBank cũng ghi nhận tổng nợ xấu đến cuối tháng 6 tăng 13% so với đầu năm lên hơn 839 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 2,56% đầu năm lên 2,77%.

Xu hướng tương tự cũng xuất hiện tại TPBank. Đến cuối tháng 6, tổng nợ xấu tại nhà băng này đã tăng vọt 188% lên 3.912,7 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng mạnh từ mức 0,84% vào đầu năm lên mức 2,21%.

Tổng nợ xấu tại SaigonBank tính đến hết tháng 6 là 441 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,12% lên 2,3%.

Còn tại Vietcombank, đến hết tháng 6/2023, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,85%, mặc dù thấp nhất hệ thống nhưng cũng đã tăng so với tỷ lệ 0,68% cuối năm 2022.

Theo số liệu từ Hiệp hội Ngân hàng (VNBA), đến cuối quý II/2023, nợ xấu của các tổ chức tín dụng gia tăng mạnh so với trước. Trong đó, nợ xấu tiềm ẩn là 5,34%. Nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trên 3%, một số ngân hàng, công ty tài chính nợ xấu tăng đột biến trên 5%.

Tỷ lệ nợ xấu càng cao khiến nguy cơ ảnh hưởng đến dòng vốn của các ngân hàng thương mại càng lớn. Đây là nguyên nhân chính kiềm chế sự lưu thông của tín dụng trong nền kinh tế.

Lợi nhuận suy giảm, nợ xấu tăng cao: Ngân hàng trong vòng xoáy rủi ro mới - Ảnh 1

Rủi ro tiềm ẩn

Nợ xấu gia tăng không phải điều quá bất ngờ với thị trường trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Việc này đã được các nhà điều hành và giới chuyên gia dự báo trước đó. Nguyên nhân là do kinh tế phục hồi chậm, doanh nghiệp gặp khó khăn cộng với sự đóng băng của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Những yếu tố trên đã và đang phản ánh vào tình hình nợ xấu của ngân hàng.

Điểm tương đồng của các ngân hàng có rủi ro nợ xấu cao là có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp, tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cao.

Nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài, sức khỏe tài chính của các ngân hàng sẽ chịu tác động mạnh và suy giảm khả năng cấp vốn cho nền kinh tế.

Khảo sát mới đây của Vietnam Report cho hay, nợ xấu gia tăng, tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống được các ngân hàng nhận diện là thách thức lớn nhất phải đối diện trong thời gian tới. Vì vậy, mục tiêu các ngân hàng hướng tới trong năm nay không đơn thuần là tăng trưởng tín dụng, mà là tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, ưu tiên quản trị rủi ro và cân bằng chất lượng tài sản.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhận định, nợ xấu gia tăng là xu hướng chung của thế giới trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát khi các ngân hàng đang chủ động trích lập dự phòng để tăng nguồn lực xử lý nợ xấu.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Báu, CEO Wigroup, cho rằng nợ xấu dù vẫn nằm trong tầm kiểm soát và trung bình dưới 3% và tổng dư nợ nhóm 2 trở đi đã tăng chậm lại nhưng áp lực nợ xấu đã tăng rất nhanh và với xu hướng nợ nhóm 2, 3, 4 khá cao như hiện nay thì áp lực nợ xấu nhóm 5 lên hệ thống ngân hàng trong những quý tới là rất rõ ràng.

Theo ông Báu, xét về tổng thể thì áp lực nợ xấu của ngân hàng là rất lớn và chưa có dấu hiệu tạo đỉnh trong năm 2023, sự kỳ vọng sẽ được dồn vào năm 2024. Tất cả đều phụ thuộc phần lớn vào sự phục hồi của kinh tế trong nước, thị trường bất động sản và sức tiêu dùng của các nền kinh tế lớn.

Do được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ nên xu hướng nợ nhóm 2 tăng có thể sẽ tiếp diễn trong các quý tới.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến cuối tháng 6/2023, đã có trên 18.800 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02; tổng dư nợ (gốc, lãi) được cơ cấu giữ nguyên nhóm là gần 62.500 tỷ đồng. Điều này cho thấy, nợ xấu tiềm ẩn có thể được đẩy về tương lai cao hơn con số thực tế hiện nay.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại nợ cho khách hàng theo Thông tư 02 thì trong 12 tháng giãn nợ, tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng, thoái thu lãi, ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Trong khi đó, việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ gặp nhiều vướng mắc, một số khách hàng có nợ xấu bất hợp tác, khó thương lượng. Cá biệt có hiện tượng lập nhóm trên mạng xã hội kêu gọi không trả nợ, nhất là nhóm khách hàng vay tiêu dùng.

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú đánh giá: “6 tháng đầu năm 2023, có thể nợ xấu nội bảng chưa cao nhưng nợ có nguy cơ tiềm ẩn ở một số ngân hàng đang nhen nhóm. Điều này luôn đặt ra vấn đề cho an toàn hệ thống”.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính thuộc Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, nợ xấu của các ngân hàng đang trong xu hướng tăng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ có tốc độ tăng mạnh hơn. Bên cạnh đó, việc nhảy nhóm nợ khá nhanh vì nhiều doanh nghiệp khó trả nợ trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Đáng chú ý, dù NHNN đã có chủ trương giãn nợ cho một số nhóm doanh nghiệp, nhưng không nhiều doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn để được giãn nợ.

“Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng để tăng khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh, cần có các giải pháp gỡ khó cho hoạt động xử lý nợ xấu, đặc biệt là cải thiện các thủ tục về thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm để các ngân hàng có nguồn lực tài chính trong giai đoạn khó khăn hiện nay”, ông Huân đề xuất.

Minh Dũng

Theo VietnamFinance