Vietbank của ông Dương Nhất Nguyên công bố nợ xấu lên đến 3,86%
Trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) của ông Dương Nhất Nguyên đang ở mức cao ngất ngưỡng 3,86%.
Nợ xấu tăng cao
Vietbank vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023. Theo đó, ngân hàng đạt 172 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 103 tỷ đồng, tương đương 37,5% so cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, đạt 369 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 19 tỷ đồng, tương đương 4,8% so cùng kỳ năm trước. Với kết quả 369 tỷ đồng, Vietbank đã hoàn thành 38,4% kế hoạch năm nay do đại hội đồng cổ đông thường niên đặt ra.
Tại thời điểm 30/6, tiền gửi của khách hàng đạt 80.888 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cuối năm 2022; cho vay khách hàng đạt 68.532 tỷ đồng, tăng 7,7%.
Ngân hàng đang có 2.648 tỷ đồng nợ xấu gồm 443 tỷ đồng nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn); 331 tỷ đồng nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) và 1.874 tỷ đồng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). Như vậy, nợ có khả năng mất vốn chiếm tỷ trọng 70,8% trong tổng nợ xấu của Vietbank. Tỷ lệ nợ xấu đang ở mức 3,86%, tăng mạnh so với mức 3,65% vào thời điểm cuối năm 2022.
Ai là chủ của Vietbank?
Vietbank bắt đầu hoạt động từ 15/12/2006 với vốn ban đầu là 200 tỷ đồng. Sau nhiều lần tăng vốn, đến thời điểm hiện tại, Vietbank đã có 4.777 tỷ đồng vốn điều lệ.
Theo báo cáo quản trị của Vietbank được công bố vào 30/1/2023, ông Dương Nhất Nguyên sở hữu 14.592.000 cổ phiếu, tỷ lệ 3,05% và các người có liên quan là: ông Dương Ngọc Hòa (ba) sở hữu 21.742.080 cổ phiếu, tỷ lệ 4,55%; bà Trần Thị Lâm (mẹ) sở hữu 114.000 cổ phiếu, tỷ lệ 0,02%; bà Dương Mai Anh (em gái) sở hữu 10.068.480 cổ phiếu, tỷ lệ 2,11%.
Ngày 18/7 vừa qua, ông Dương Nhất Nguyên mua vào 1.459.200 cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu lên 3,36%, tương đương 16.051.200 cổ phiếu. Như vậy, ông Dương Nhất Nguyên và người có liên quan đang sở hữu 47.975.760 cổ phiếu, tỷ lệ 10,04%.
Cũng trong báo cáo quản trị nêu trên, Vietbank còn công bố Công ty TNHH Vũ Quang Dung đang sở hữu 23.666.153 cổ phiếu, tỷ lệ 4,95% và Công ty TNHH Sỹ Phát sở hữu 22.715.886 cổ phiếu, tỷ lệ 4,76%. Hai pháp nhân này đều do thành viên HĐQT Vietbank là bà Quách Tố Dung làm Chủ tịch HĐTV. Ngoài ra, bà Quách Tố Dung còn giữ chức thành viên HĐTV Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-la là doanh nghiệp do bà Trần Thị Lâm (mẹ của ông Dương Nhất Nguyên) làm Chủ tịch HĐTV.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, chiếc ghế Chủ tịch HĐQT luôn gắn liền với gia đình ông Dương Nhất Nguyên. Cụ thể, ông Dương Ngọc Hòa (ba của ông Dương Nhất Nguyên) giữ chức Chủ tịch HĐQT Vietbank từ 9/2006 - 23/2/2021. Ông Dương Nhất Nguyên ngồi ghế Chủ tịch HĐQT Vietbank từ 26/4/2021 đến nay. Trong thời gian chuyển giao chiếc ghế quyền lực tại Vietbank giữa ông Dương Ngọc Hòa và ông Dương Nhất Nguyên, từ 23/2/2021 - 26/4/2021, Chủ tịch HĐQT Vietbank là ông Bùi Xuân Khu.
Mới đây, bà Trần Thị Lâm (mẹ của ông Dương Nhất Nguyên) được Vietbank bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc kiêm thành viên Ủy ban nhân sự từ 19/5/2023, thời gian bổ nhiệm 5 năm.
Theo báo cáo thường niên 2022, Vietbank có 1.956 cổ đông nhưng ông chủ thật sự của ngân hàng này là ông Dương Nhất Nguyên nói riêng và gia đình bà Trần Thị Lâm nói chung. Bởi vì ngoài vị trí người đứng đầu tại Vietbank, ngân hàng này còn cho các công ty thành viên hệ sinh thái Hoa Lâm của bà Trần Thị Lâm vay hàng ngàn tỷ đồng.
Văn phòng Vietbank tại TP.HCM (62A Cách Mạng Tháng Tám, Q.3, TP.HCM).
Bí ẩn thương vụ mua tòa nhà Lim II
Vietbank đã chuyển văn phòng TP.HCM về tòa nhà Lim II (62A Cách Mạng Tháng Tám, Q.3, TP.HCM) từ khi tòa nhà đưa vào hoạt động. Đây có thể coi là tổng hành dinh của Vietbank mặc dù trụ sở của ngân hàng này ở Sóc Trăng.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của Vietbank tổ chức ngày 25/5/2020 đã thông qua mua việc mua một phần tòa nhà Lim 2 (3 tầng hầm, tầng trệt đến tầng 11) để làm trụ sở hoạt động. Diện tích mua dự kiến 18.713 m2 với giá trị 1.340 tỷ đồng, tương đương 70 triệu đồng/m2.
Công ty TNHH Lương Thạch được thành lập 29/3/2017 với mã số thuế 0314319735. Trụ sở từng đặt tại tòa nhà Lim III (29A Nguyễn Đình Chiểu, Q.1, TP.HCM). Đây là pháp nhân có liên hệ mật thiết với Hoa Lâm.
Ngày 10/8/2020, Vietbank và Công ty TNHH Lương Thạch (Lương Thạch) ký hợp đồng cho giao dịch trên với số tiền đặt cọc 1.100 tỷ đồng.
Ngày 11/8/2020, Vietbank chuyển 1.100 tỷ đồng tiền cọc cho Lương Thạch, mỗi tháng Lương Thạch trả cho Vietbank 8,25 tỷ đồng.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 tổ chức ngày 26/4/2021, Vietbank thông qua mua phần còn lại (phần 2) của tòa nhà Lim II (từ tầng 12 đến tầng 19).
Ngày 13/5/2021, Vietbank và Lương Thạch ký hợp đồng hứa mua, hứa bán phần 2 với giá chuyển nhượng 944 tỷ đồng. Ngày 14/5/2021, Vietbank đặt cọc cho Lương Thạch 708 tỷ đồng.
Như vậy, Vietbank đã đặt cọc 1.808 tỷ đồng cho Lương Thạch để thực hiện mua tòa nhà Lim II với tổng trị giá 2.284 tỷ đồng. Số tiền Vietbank đã chuyển cho Lương Thạch là con số rất lớn đối với bức tranh tài chính của ngân hàng này tại thời điểm quý 2/2021, 1.808 tỷ đồng tương đương 37,8% vốn điều lệ và 3,9% tổng dư nợ của Vietbank.
Tuy nhiên đến 4/1/2023, Lương Thạch đã hoàn trả cọc 1.808 tỷ đồng cho Vietbank. Có thể coi thương vụ trên là Lương Thạch vay vốn tại Vietbank mà không cần tài sản bảo đảm, không cần phương án sử dụng vốn và lãi suất thấp.
Hàng loạt giao dịch vay vốn của Hoa Lâm tại Vietbank
Chỉ trong 7 tháng đầu năm nay, Vietbank đã thông qua hàng loạt khoản cấp tín dụng của ngân hàng cho hệ sinh thái Hoa Lâm mà đứng đầu là Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm Shangri-La (Hoa Lâm Shangri-La) do Phó Tổng Giám đốc Vietbank Trần Thị Lâm làm Chủ tịch HĐTV. Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất (QSDĐ) tại các thửa đất thuộc tờ bản đồ số 108, P. Bình Trị Đông, Bình Tân, TP.HCM (tờ bản đồ số 108).
Đơn cử, ngày 20/7, Vietbank công bố cấp tín dụng cho Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế City (CIH) do bà Trần Thị Lâm làm Chủ tịch HĐTV và cam kết của Hoa Lâm Shangri-La. Hạn mức được cấp là 176 tỷ đồng, thời gian vay 24 tháng nhằm hoàn tiền chi phí lưu động cho CIH.
Tài sản đảm bảo là QSDĐ tại thửa đất số 16, tờ bản đồ số 108. Chủ sở hữu là Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế Hoa Lâm 1 để bảo đảm cho khoản vay 86 tỷ đồng của CIH. Ngoài ra, Hoa Lâm Shangri-La là chủ sở hữu CIH cam kết thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho CIH tại mọi thời điểm khi CIH mất khả năng thanh toán.
Ngày 29/6, Vietbank chấp thuận giao dịch đảm bảo giữa ngân hàng này với Hoa Lâm Shangri-La về việc cấp tín dụng cho Công ty TNHH TML Riverside (doanh nghiệp từng có người đại diện chung với Công ty TNHH Lương Thạch là bà Nguyễn Thị Lai).
Tài sản đảm bảo là QSDĐ đất tại thửa đất số 1-15, tờ bản đồ số 108 của Hoa Lâm Shangri-La để bảo đảm cho nghĩa vụ gần 492 tỷ đồng cho Công ty TNHH TML Riverside.
Tài sản đảm bảo là QSDĐ tại các thửa đất số 1-10, 1-11, 1-12, 1-17, 1-18, 1-19, 2-2, 2-3 tờ bản đồ số 108 của Hoa Lâm Shangri-La để bảo đảm cho khoản vay gần 1.665 tỷ đồng cho Công ty TNHH TML Riverside.
Công ty TNHH TML Riverside sẽ được vay 360 tỷ đồng trong thời gian 12 tháng từ Vietbank. Mục đích vay là thanh toán tiền theo hợp đồng hứa chuyển nhượng dự án thành phần tại thửa đất số 1-15, tờ bản đồ số 108.
Ngày 28/6, Vietbank liên tiếp thông qua giao dịch đảm bảo giữa Vietbank với Hoa Lâm Shangri-La và CIH về việc bảo đảm cho khoản vay của Hoa Lâm Shangri-La (gần 189 tỷ đồng), CTCP KingDom Đông Dương (gần 100 tỷ đồng), bà Nguyễn Thị Ba (96 tỷ đồng), CTCP Đầu tư sản xuất thương mại Mai Anh (496 tỷ đồng), Công ty TNHH Tân Dũng (229 tỷ đồng), Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Xây dựng Hoa Lâm (408 tỷ đồng). Tại sản đảm bảo là QSDĐ của Hoa Lâm Shangri-La và CIH tại tờ bản đồ số 108.
Ngày 16/3, Vietbank thông qua giao dịch với Hoa Lâm Shangri-La đảm bảo cho khoản cấp tín dụng của Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Gia An. Tài sản đảm bảo là bất động sản tại thửa đất số 1-16 tờ bản đồ số 108 của Hoa Lâm Shangri-La để bảo đảm cho khoản vay gần 35 tỷ đồng của Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Gia An.
Ngày 18/1, Vietbank công bố cấp tín dụng cho CIH và giao dịch với Hoa Lâm Shangri-La (bên bảo lãnh/đảm bảo thanh toán thay cho khoản vay của CIH). Số tiền vay là 126 tỷ đồng, thời gian vay 24 tháng nhằm hoàn tiền chi phí vốn lưu động cho CIH. Tài sản đảm bảo là QSDĐ và toàn bộ công trình xây dựng trên đất tại thửa đất số 14, tờ bản đồ số 108.
Như vậy, hàng loạt công ty có liên quan đến bà Trần Thị Lâm được Vietbank cấp tín dụng trị giá hàng ngàn tỷ đồng. Liệu đây chứa đựng yếu tố rủi ro cho Vietbank trong tương lai hay không cần thời gian trả lời nhưng hiện tại tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đang ở mức cao ngất ngưỡng. Bên cạnh đó, hiệu quả sinh lời của ngân hàng cũng không cao và cổ phiếu của Vietbank (mã VBB) đang giao dịch trên UPCoM bị thị trường đánh giá thấp khi chỉ 11.700 đồng/cổ phiếu, xếp hạng 24/27 trên thị trường.
VietBank thu xếp phát hành trái phiếu cho hệ sinh thái Hoa Lâm hàng ngàn tỷ đồng
VietBank từng là ông bầu thu xếp hàng loạt lô trái phiếu cho các doanh nghiệp hệ sinh thái Hoa Lâm.
Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Gia An dùng QSDĐ tại thửa đất số 17, tờ bản đồ số 108 của Công ty TNHH Trường mẫu giáo Quốc tế Morningstar (tên cũ là Hoa Lâm - Shangri-La 4) để phát hành 456 tỷ đồng trái phiếu.
Công ty TNHH Vinh An Điền dùng QSDĐ đất tại thửa số 1-2, tờ bản đồ số 108 của Hoa Lâm - Shangri-La 5 để phát hành 650 tỷ đồng trái phiếu.
Công ty TNHH Minh Khang Điền dùng QSDĐ tại thửa đất số 1-3, tờ bản đồ số 108 của Hoa Lâm - Shangri-La 6 làm tài sản đảm bảo huy động 572 tỷ đồng trái phiếu.
CTCP Hong Lim Land huy động 504 tỷ đồng trái phiếu để hợp tác với CTCP Dịch vụ Hoa Lâm Shangri-La đầu tư vào dự án khu nhà ở, căn hộ D2, D3 thuộc Khu y tế kỹ thuật cao số 532A Kinh Dương Vương, P. Bình Trị Đông B, Bình Tân, TP.HCM. Tài sản bảo đảm là QSDĐ các lô đất tại Khu công nghiệp Cát Lái - Cụm 2 (P, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Đức, TP.HCM) thuộc sở hữu của CTCP Đầu tư Phát triển Hoa Lâm và các thửa đất tại huyện Hóc Môn, TP.HCM thuộc sở hữu của ông Nguyễn Phan Hoài Hiệp.
Không chỉ dừng lại ở đó, còn nhiều pháp nhân cùng nhóm Hoa Lâm trong giai đoạn năm 2020-2021 cũng huy động vốn qua kênh trái phiếu. Tổng giá trị phát hành của các lô trái phiếu này đến là 4.440 tỷ đồng do Vietbank thu xếp phát hành.