Lợi nhuận tại BIDV nghịch chiều với đà tăng của dự phòng rủi ro và nợ xấu

Dù là một trong những 'ông lớn' với tổng tài sản đứng đầu hệ thống, BIDV ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế khiêm tốn gần 7.062 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,5%, xếp sau VPBank (9.397 tỷ đồng), Techcombank (10.711 tỷ đồng), MB (8.134 tỷ đồng).

Nhìn vào kết quả kinh doanh từng quý của BIDV trong năm nay, hầu như các quý đều không mấy khả quan. Lợi nhuận trước thuế của BIDV nghịch chiều với khoản trích lập dự phòng.

Nguồn: BCTC các quý tại BIDV.
Nguồn: BCTC các quý tại BIDV.

Cụ thể, quý 1/2020, lợi nhuận trước thuế giảm 28% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn hơn 1.814 tỷ đồng, kém xa nhiều ngân hàng khác. Quý 1 lợi nhuận giảm do ngân hàng đã tăng 16% trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên mức gần hơn 6.000 tỷ

Đến quý 2/2020, BIDV lại giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro đến 26% so với cùng kỳ, còn 4.101 tỷ đồng mới đẩy được lợi nhuận trước thuế tăng 21%, đạt gần 2.640 tỷ đồng. Trong quý 3/2020 trích lập dự phòng rủi ro của BIDV đạt xấp xỉ cùng kỳ 2019. Do đó, lợi nhuận trước thuế tăng 17%, ghi nhận 2.703 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của BIDV không hề tăng trưởng mạnh mà dậm chân tại chỗ với 7.062 tỷ đồng, xấp xỷ cùng kỳ 2019.

Dẫu biết, các khoản trích lập này nhằm dự phòng cho các khoản vay có vấn đề và khi thu hồi được nợ xấu thì phần "của để dành" này vẫn sẽ quay ngược lại và làm tăng lợi nhuận tính thuế trong tương lai của ngân hàng. Nhưng hiện tại, tổng nợ xấu của BIDV vẫn đang lớn dần qua từng quý.

Cụ thể, tính đến ngày 31/03/2020, cho vay khách hàng của Ngân hàng suýt soát cùng kỳ so với đầu năm, ghi nhận hơn 1.1 triệu tỷ đồng. Tổng nợ xấu cũng giảm nhẹ 1% so với đầu năm, ở mức gần 19.291 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dự nợ vay duy trì ở mức 1,74%.

Nguồn: BCTC quý 1/2020
Nguồn: BCTC quý 1/2020

Tính đến ngày 30/6/2020, tổng nợ xấu của BIDV tăng 17% so với đầu năm, ghi nhận gần 22.770 tỷ đồng do nợ nghi ngờ tăng 21% đạt gần 5.188 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 17% đạt gần 13.776 tỷ đồng.

Trong khi đó, dư nợ cho vay khách hàng chỉ tăng nhẹ 2% so với đầu năm, đạt gần 1.14 triệu tỷ đồng khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,75% lên mức 2%.

Nguồn: BCTC hợp nhất bán niên 2020 soát xét
Nguồn: BCTC hợp nhất bán niên 2020 soát xét

Tại ngày 30/9/2020, trong khi cho vay khách hàng tăng nhẹ 3%, ghi nhận gần 1.15 triệu tỷ đồng thì tổng nợ xấu đã tăng tới 16% so với đầu năm, ở mức hơn 22.525 tỷ đồng do nợ nghi ngờ tăng 15% đạt gần 4.951 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 16% đạt gần 14.316 tỷ đồng. Kết quả kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 1,75% đầu năm lên 1,97%.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020

Trên thị trường, khép phiên giao dịch ngày 6/11 giá cổ phiếu BID hiện đang giao dịch ở mức 39.050 đồng/cp, giảm 3% qua 1 tháng trở lại đây với khối lượng giao dịch bình quân hơn 1 triệu cp/phiên.

Diễn biến cổ phiếu BID. Nguồn: vietstock.vn
Diễn biến cổ phiếu BID. Nguồn: vietstock.vn

Hà Phương (T/h)

Hà Phương (T/h)

Theo Sở hữu trí tuệ