Lưu ý gì khi đầu tư cổ phiếu 'vàng đen'?

“Cổ phiếu dầu khí có tính chu kỳ cao, với nhóm Hạ nguồn thường sẽ phản ứng nhanh trong ngắn hạn với giá dầu thế giới; nhóm Trung nguồn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu vận tải; và cuối cùng, nhóm Thượng nguồn phụ thuộc vào tiến độ các dự án lớn về thăm dò, khai thác dầu khí”, Chủ tịch FIDT chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance.

Phác họa cơ chế giản đơn tạo ra chu kỳ giá dầu

Theo các chuyên gia của S&P Global, không có định nghĩa thống nhất về chu kỳ giá dầu và độ dài chu kỳ thường phụ thuộc vào nhận định riêng của người quan sát. Nhìn chung, chu kỳ có thể được xác định nếu như giá dầu trung bình hàng năm di chuyển theo một hướng (lên hoặc xuống) trong vài năm trở lên. Trong một chu kỳ, giai đoạn đi lên của giá dầu thường bắt đầu với trạng thái khan hiếm nguồn cung trong khi giai đoạn đi xuống thường gắn liền với trạng thái dư cung kéo dài.

Từ năm 1999 đến năm 2012, giá dầu ghi nhận xu hướng đi lên rõ ràng. Chu kỳ tăng giá này được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng nhu cầu dầu mạnh mẽ và liên tục từ các nước đang phát triển, đặc biệt là Trung Quốc, đi kèm với tốc độ tăng trưởng nguồn cung ngoài OPEC yếu đi rõ rệt.

Giai đoạn 2013 - 2014, giá dầu xuất hiện tín hiệu đảo chiều và đi xuống rõ rệt kể từ giữa năm 2014. Sự gia tăng đáng kinh ngạc trong tăng trưởng sản xuất dầu tại Mỹ là chất xúc tác quan trọng cho sự đảo chiều và đi xuống này. Diễn biến này cũng tương tự như các thời kỳ trước, khi các nguồn cung cấp dầu lớn mới gây áp lực giảm giá trong nhiều năm. Chẳng hạn như trong những năm 1980 và 1990, những khám phá lớn về nguồn cung dầu ở vùng Biển Bắc, Alaska và Mexico đã khiến giá dầu chịu áp lực giảm. Ngày nay, đó là dầu khí đá phiến của Mỹ - loại tài nguyên khổng lồ được mở ra nhờ sự đối mới công nghệ khai thác.

Dầu được mệnh danh là “vàng đen”, là nhiên liệu quan trọng bậc nhất đối với nền kinh tế. Vì vậy, chu kỳ của giá dầu là mối quan tâm không chỉ của các chính phủ, các nhà sản xuất mà cả giới đầu tư tài chính. Cơ chế giản đơn tạo ra chu kỳ giá dầu có thể được mô tả như sau:

Khi giá dầu tăng, các doanh nghiệp dầu khí sử dụng hàng tồn kho hiện có. Nếu lực cầu đủ lớn, hàng tồn kho sớm muộn gì cũng hết và giá dầu tiếp tục tăng. Các doanh nghiệp dầu khí quyết định tăng sản xuất, tăng đầu tư khai thác dầu mỏ. Quá trình này thường diễn ra khá dài bởi rào cản về vốn cũng như rào cản về tài nguyên. Điều này khiến nguồn cung dầu gia tăng. Tuy nhiên, giá chưa giảm ngay mà thậm chí có thể còn tăng và giữ ở mức cao trong thời gian dài. Bên cạnh các nguyên nhân khác nhau khiến nhu cầu dầu duy trì ở mức cao, có một nguyên nhân đến từ chính việc giá dầu tăng: Do dầu là nhiên liệu hết sức quan trọng nên có thể đẩy giá hàng hóa, thành phẩm tăng lên, từ đó giúp thu nhập trong nền kinh tế tăng lên, chi tiêu tăng lên và nhờ đó nhu cầu tăng lên; đối với một số nền kinh tế xuất siêu dầu, giá dầu tăng còn giúp thu về ngoại tệ nhiều hơn, có lợi cho tỷ giá và từ đó, thuận lợi cho việc giảm lãi suất, càng kích thích chi tiêu.

Tuy nhiên, “hiệu ứng giá hàng hóa” đến một thời điểm nào đó sẽ gây ra lạm phát đáng lo ngại. Để hạ nhiệt lạm phát, các ngân hàng trung ương thường sẽ tăng lãi suất, khiến cho nền kinh tế giảm tốc, thậm chí suy thoái, nhu cầu dầu theo đó cũng suy giảm đáng kể. Trong khi đó, nguồn cung dầu lại ở mức cao sau quá trình mở rộng sản xuất. Do đó, xuất hiện tình trạng dư cung khiến giá dầu sụt giảm. Chu kỳ giá dầu theo đó chuyển từ pha đi lên sang pha đi xuống.

Cũng cần lưu ý thêm, động thái thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát phát sinh bởi giá dầu tăng “vô tình” lại ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán nói chung. Đây là rủi ro mà nhà đầu tư cổ phiếu cần lưu tâm khi quan sát chu kỳ của giá dầu.

Chu kỳ của cổ phiếu dầu khí Việt Nam

Lưu ý gì khi đầu tư cổ phiếu 'vàng đen'? - Ảnh 1

Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Huỳnh Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FIDT, cho hay dầu khí là một ngành ảnh hưởng rất mạnh bởi tính chu kỳ và được phân thành 3 phân ngành con là: Thượng nguồn, Trung nguồn và Hạ nguồn. Trong đó, tính chu kỳ các doanh nghiệp ở Hạ nguồn phụ thuộc nhiều vào diễn biến giá dầu thế giới và nhu cầu tiêu thụ (ví dụ như GAS, BSR, PLX), Trung nguồn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu vận chuyển (PVT, GAS), Thượng nguồn thì phụ thuộc nhiều vào chu kỳ đầu tư các dự án liên quan đến thăm dò, xây lắp, khai thác dầu khí (PVS, PVD, PVB).

“Cổ phiếu dầu khí có tính chu kỳ cao như ngành dầu khí, với nhóm Hạ nguồn thường sẽ phản ứng nhanh trong ngắn hạn với giá dầu thế giới; nhóm Trung nguồn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu vận tải; và cuối cùng, nhóm Thượng nguồn ở Việt Nam phụ thuộc vào tiến độ các dự án lớn về thăm dò, khai thác như Lô B hay Cá Voi Xanh”, ông Tuấn cho biết thêm.

Tuy nhiên, Chủ tịch FIDT lưu ý thêm rằng nhóm Hạ nguồn và Trung nguồn phụ thuộc nhiều vào phân tích diễn biến giá dầu cũng như nhu cầu tiêu thụ và việc này khó dự báo và mang nhiều yếu tố quốc tế. Do đó, tại Việt Nam, nhà đầu tư nên quan tâm tính chu kỳ của nhóm Thượng nguồn sẽ hợp lý hơn.

“Với nhóm Thượng nguồn thì đáy chu kỳ thường kéo dài khi không có dự án thăm dò, khai thác nào lớn được triển khai, dấu hiệu sớm là các dự án lớn gần hoàn thành (giai đoạn cuối của dự án). Và ngược lại, đáy chu kỳ sẽ kéo dài và bắt đầu một chu kỳ mới bằng các thông tin khởi động hay chuẩn bị triển khai các dự án dầu khí lớn như trong thời gian gần đây là đại dự án Lô B – Ô Môn”, ông Tuấn nêu quan điểm.

Từ những đặc tính của các phân ngành, Chủ tịch FIDT cho rằng với nhóm Hạ nguồn, tại Việt Nam, nhà đầu tư chỉ nên đầu cơ (trading) ngắn hạn.

Với nhóm Thượng nguồn, nhà đầu tư cần lưu ý đến tiến độ các dự án và nên chia ra mua làm nhiều lần tương ứng với các bước tiến độ hơn là giải ngân 1 lần. Như dự án Lô B – Ô Môn hiện nay sẽ tạo ra nhiều lợi thế cho các cổ phiếu PVS, PVD, PVB trong trung hạn nhưng vẫn phải theo dõi tiến triển của các dự án này.

Thanh Long

Theo VietnamFinance