Lý do ‘đại bàng’ Samsung, Foxconn, LG... chọn phía Bắc làm đại bản doanh
Phía Bắc đã thu hút nhiều công ty sản xuất điện tử nổi tiếng như Samsung, LG, Foxconn kéo theo đó là làn sóng di cư của các công ty vệ tinh và chuỗi cung ứng.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc hiện có 86 khu công nghiệp đã thành lập với tổng diện tích đất gần 26.600ha. Trong đó Bắc Ninh và Hải Phòng là 2 tỉnh có nguồn cung cao nhất thị trường phía Bắc.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc đón làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp điện tử toàn cầu từ rất lâu như Panasonic (1991), LG Display (1995), Canon (2001), Foxconn (2007), Samsung (2008), Fuji Xerox (2013) và gần đây là các tập đoàn như Goertek và Jinko Solar.
Và những “ong chúa” này kéo theo làn sóng di dời ngành công nghiệp phụ trợ đến Việt Nam.
Theo Cushman & wakefield, tính đến năm 2022, tổng số nhà cung cấp của doanh nghiệp Việt Nam bao gồm cả cấp 1 và cấp 2 cho Samsung là 250, trong đó doanh nghiệp cấp 1 là 52. Đây là sự gia tăng lớn so với 4 doanh nghiệp cấp vào năm 2014.
Nghiên cứu của Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) mới đây đưa ra nhiều yếu tố giải thích một phần lý do các “đại bàng” ưa thích vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Theo ACBS, xét về vị trí, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nằm sát Trung Quốc - thị trường tiêu thị và sản xuất lớn nhất thế giới và gần Hàn Quốc, Nhật Bản - hai trong số những quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, hơn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Hơn nữa, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nằm cạnh phía nam Trung Quốc bao gồm Thượng Hải, Hồng Kông, Thâm Quyến, Phúc Kiến và Quảng Đông, nơi đặt trụ sở của các tập đoàn sản xuất, hóa sinh, thương mại và công nghệ điện tử khổng lồ chiếm hơn 30% GDP của Trung Quốc. Ngoài ra, phía Bắc cũng gần Đài Loan hơn, nơi đóng góp 63% nguồn cung vật liệu bán dẫn và sản xuất 73% chip bán dẫn thế giới.
Về đường bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc dự kiến sẽ có nhiều đường cao tốc hơn phía Nam. Theo quy hoạch vào năm 2030, phía Bắc sẽ có 14 đường cao tốc có tổng chiều dài 2.300km. Hiện nay, phía Bắc có 12 tuyến cao tốc với tổng chiều dài 896km, trong đó cao tốc Vân Đồn – Móng Cái (80km) kết nối với 3 cửa khẩu và 3 cảng hàng không quốc tế.
Đặc biệt, phía Bắc sở hữu đường bộ và đường sắt nối thẳng tới Thẩm Quyến nơi được mệnh danh là “thung lũng silicon” của Trung Quốc. Tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển đường bộ phía Bắc cao gấp đôi phía Nam. Trong khi đó vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có lợi thế cạnh tranh về vận tải đường biển.
Ngoài đường bộ, phía Bắc còn có lợi thế về đường hàng không. Khu vực phía Bắc có 7 sân bay là Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Điện Biên và Đồng Hới. Trong đó, sân bay quốc tế Nội Bài có nhà ga hàng hóa công suất 403.000 tấn hàng hóa/năm với 66 hãng hàng không khai thác (so với sân bay Changi của Singapore có 99 hãng hàng không khai thác).
Năm 2021, sản lượng hàng hóa vận chuyển qua sân bay nội Bài là 0,7 triệu tấn, gấp 3 lần so với mức 0,2 triệu tấn của sân bay Tân Sơn Nhất. Do đặc thù sản phẩm, các tập đoàn sản xuất sản phẩm/thiết bị công nghệ thường chọn vận chuyển bằng đường bộ hoặc đường hàng không thay vì đường biển.
Một lợi thế khác ở vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc là quá trình giải phóng mặt bằng ít khó khăn khăn hơn so với phía Nam, do nông dân hợp tác hơn và sẵn sàng trở thành công nhân hơn. Đất trồng lúa ở miền Bắc cũng tập trung hơn trong khi miền Nam nằm rải rác. Mật độ dân số ở phía Bắc cũng cao hơn.
Yếu tố cuối cùng là giá thuê đất phía Bắc cũng thấp hơn phía Nam. Tính đến cuối năm 2022, giá cho thuê trung bình tại vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc là 111 USD/m2/thời hạn thuê còn lại, phía Nam là 126 USD/m2/thời hạn thuê còn lại.