Lý do Hà Nội muốn sân bay thứ hai ở Ứng Hòa

Đề xuất nghiên cứu sân bay thứ hai của Vùng Thủ đô tại huyện Ứng Hòa mới chỉ là một trong các phương án được đưa ra.

Ngày 29/12, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Phạm Quốc Tuyến, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội nêu một số thông tin về việc nghiên cứu xây dựng sân bay thứ hai cho Vùng Thủ đô.

Theo ông Tuyến, theo quy hoạch chung, Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ có thêm một sân bay thứ hai.

Căn cứ vào quy hoạch chung Thủ đô, ông Tuyến cho biết Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội mới có đề xuất nghiên cứu tại huyện Ứng Hòa.

Ngoài lý do trong quy hoạch chung Thủ đô đã quy hoạch Vùng Thủ đô có sân bay thứ hai ngoài sân bay Nội Bài, ông Tuyến cho biết, việc đề xuất nghiên cứu xây dựng sân bay thứ hai cho Vùng Thủ đô Hà Nội cũng đặt trong điều kiện hiện nay sân bay Nội Bài đã quá tải và đã được nâng cấp mở rộng.

Theo ông Tuyến, trong quy hoạch giao thông đã xác định sân bay Nội Bài sẽ được mở rộng thêm, hiện có nhà ga T1, T2, nhưng quy hoạch còn có nhà ga T3 và T4.

Về đề xuất nghiên cứu sân bay thứ hai tại huyện Ứng Hòa, ông Tuyến cho biết đây mới chỉ là một trong những phương án đề xuất, hiện các đơn vị liên quan vẫn đang nghiên cứu.

Trước đó, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội kiến nghị UBND TP Hà Nội giao Sở GTVT phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - Công ty cổ phần (TEDI) xây dựng dự thảo văn bản của TP đề nghị Bộ GTVT xem xét phương án bố trí sân bay thứ hai cho Vùng Thủ đô Hà Nội và cân nhắc việc lựa chọn vị trí tại khu vực phía Nam Hà Nội (ngoài việc mở rộng, nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Nội Bài lên 100 triệu hành khách/năm).

Lý do Hà Nội muốn sân bay thứ hai ở Ứng Hòa - Ảnh 1
Theo lãnh đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, sân bay Nội Bài đã quá tải

Trong Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt tại Quyết định 490, dự kiến sân bay thứ hai (sân bay quốc tế Nam Hà Nội) đặt tại khu vực huyện Ứng Hòa (Hà Nội).

Theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 768, nội dung thuyết minh đồ án có nghiên cứu 4 phương án, gồm: Sân bay tại khu vực huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam), cách trung tâm Hà Nội 60-65km; sân bay tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội), cách trung tâm Hà Nội khoảng 35-40km; sân bay tại huyện Thanh Miện và Bình Giang (tỉnh Hải Dương), cách trung tâm Hà Nội khoảng 45-50km; sân bay tại huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), cách trung tâm Hà Nội khoảng 120km.

Bà Hoàng Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho biết, việc quy hoạch một cảng hàng không trên địa bàn huyện vừa qua được dư luận đặc biệt quan tâm.

"Đây là vấn đề chưa chính thức, nhưng đây là một trong những vấn đề được huyện Ứng Hòa đang quan tâm", bà Vân Anh nói.

Theo bà Vân Anh, huyện Ứng Hòa đang đề nghị UBND TP Hà Nội cho phép phối hợp với các sở ngành lập quy hoạch vùng để có định hướng phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2030.

“Theo quy hoạch huyện chúng tôi thuộc vành đai xanh, nhưng cũng có hướng phát triển về công nghiệp, dịch vụ để kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân từng bước được nâng lên", lãnh đạo huyện Ứng Hòa nói thêm.

Trước câu hỏi về việc trong trường hợp Trung ương chấp thuận xây dựng cảng hàng không thứ hai trên địa bàn huyện, quỹ đất trên địa bàn có đảm bảo hay không, theo bà Hoàng Thị Vân Anh, điều này còn phụ thuộc vào quy mô của sân bay.

"Đây là một trong những nhiệm vụ được đưa ra trong dự thảo thôi chứ chưa có những đề cập sâu", bà Vân Anh cho hay.

Băn khoăn đào rừng - đào nhà

Cũng tại buổi giao ban, ông Trần Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cung cấp thông tin về việc kiểm tra, xử lý việc người chặt đào rừng theo chỉ đạo của Chính phủ.

Theo ông Trần Việt Hùng, trước tiên các địa phương, đơn vị cần tuyên truyền cho người dân không chặt, buôn bán và sử dụng đào rừng. Chính quyền địa phương phải đi trước, thực hiện công tác tuyên truyền cho người dân thôn bản.

"Để phân biệt đào rừng, đào phố thì cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể", ông Hùng đề nghị.

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 của ngành nông nghiệp, Thủ tướng đặt ra câu hỏi mang tính thời sự là Tết này người dân sẽ ăn gì, hoa gì, cây gì, giá cả nào.

Trước hiện tượng chặt cây rừng về bán ở trong dịp Tết, ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường, Thủ tướng cho rằng, đây là vi phạm, cần xử lý nghiêm túc.

“Trên các bờ đê, đường phố các cây đào rừng đẹp như vậy bị chặt về bày la liệt, bán không được thì làm củi, như vậy làm sao còn một nông thôn miền núi rừng đẹp? Các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp chặt đào rừng chở về xuôi để chơi Tết”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.

Minh Thái

Theo Báo Đất Việt