Sốt đất sau thông tin sân bay Nam Ứng Hòa: Lướt sóng...

Giá đất huyện Ứng Hòa đang tăng từng ngày sau thông tin Sở QHKT Hà Nội đề xuất làm sân bay thứ 2 của Thủ đô tại khu vực này.

Cơn sốt đất trở lại

Ngày 8/10/2020, theo tìm hiểu của Đất Việt từ nhiều người dân huyện Ứng Hòa - TP. Hà Nội, những ngày gần đây trên địa bàn đang chứng kiến sự sốt đất trở lại sau gần chục năm im ắng. "Sau giai đoạn năm 2010 thì đây là lần thứ 2 người dân chứng kiến giá đất tăng nhanh chỉ trong một thời gian ngắn cho biết" - ông Nguyễn Văn Hưng (38 tuổi, người dân xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa) cho biết.

Theo ông Hưng, giá đất tăng nhanh sau khi có thông tin Sở QHKT Hà Nội đề xuất xây dựng sân bay thứ 2 của Thủ đô tại khu vực Nam Ứng Hòa.

"Giá đất ban đầu ở xã Hòa Nam ở vị trí đẹp nhất chi vào khoảng 10 triệu đồng/m2. Nhưng những ngày qua đã chứng kiến sự tăng giá từng ngày, ban đầu là tăng 14 triệu đồng/m2 rồi lên 20 triệu đồng. Đến thời điểm hiện tại là 25 triệu đồng/m2" - ông Hưng kể.

 

Sot dat sau thong tin san bay Nam Ung Hoa: Luot song...
  •  
  •  
  •  
  •  
Người dân huyện Ứng Hòa đang chứng kiến giá đất phi mã khi có thông tin làm sân bay tại đây. 

Theo ông Hưng, ngay từ thời điểm đầu tháng 10/2020, bỗng nhiên có nhiều người tìm đến xã Hòa Nam và những vùng lân cận tìm mua đất và đưa ra thông tin đầu tư đón đầu quy hoạch làm sân bay của cơ quan chức năng.

Để chứng minh cho thông tin mình đưa ra, ông Hưng giới thiệu một cò đất tại khu vực là bà Nguyễn Thị Huyền (42 tuổi). Người phụ này cho biết, giao dịch đất trên địa bàn huyện Ứng Hòa trong những ngày qua diễn ra rất sôi động.

"Có những lô đất rộng 100m2 chỉ sau một ngày giá đã cao hơn hàng mấy trăm triệu đồng. Nhiều người ở nơi khác tìm đến, thuê nhà trọ trên địa bàn để có thêm thời gian tìm mua đất" - bà Huyền nói.

Bà Huyền cho hay: "Người nào giờ có nhu cầu mua đất ở khu vực Ứng Hòa thì phải quyết nhanh chứ không chần chừ thì trong 1 - 2 ngày là đã có người khác mua mất. Nhiều gia đình có đất hiện còn không muốn bán vì chờ đến thời điểm tăng giá đất đạt đỉnh, tuy nhiên cũng có nhiều người sốt ruột, muốn bán nhanh...".

Cò đất này thừa nhận, sau giai đoạn sốt đất năm 2010 diễn ra tại các huyện ngoại thành Hà Nội thì đây là thời điểm chứng kiến sự sốt đất trở lại mạnh mẽ nhất. Đi đâu cũng thấy người ta bàn đến chuyện giá đất, thông tin làm sân bay...

Chưa có một văn bản nào...

Liên quan đến thông tin làm sân bay trên địa bàn, đại diện UBND huyện Ứng Hòa cho biết, huyện cũng có nghe thông tin. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, thành phố chưa có văn bản đề nghị huyện giới thiệu vị trí phù hợp để xây dựng sân bay quốc tế thứ 2 tại Hà Nội và bản thân huyện Ứng Hoà cũng chưa xác định được vị trí đất phù hợp để xây dựng sân bay tại địa bàn huyện.

Còn theo thông tin từ Sở QHKT Hà Nội, theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, định huớng 2050, đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2016, huyện Ứng Hoà là 1 trong 4 vị trí đã được đưa ra nghiên cứu, lựa chọn để xây dựng sân bay. 3 lựa chọn còn lại là huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam; huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương và huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. 

Bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc cấp cao CBRE đưa ra cảnh báo, quy hoạch sân bay thường kéo dài vài chục năm, trong quá trình đó, thị trường sẽ phát triển dần dần. Một dự án sân bay mới không thể phát triển trong nay mai, thị trường bất động sản cũng cần có một thời gian để phát triển hạ tầng, các dự án có quy mô lớn được triển khai...

"Khi hiện thực hóa được dự án sẽ có tác động rất lớn đến thị trường bất động sản khu vực. Tuy nhiên, các đề xuất này vẫn chỉ mới trong quy hoạch và đang lựa chọn vị trí. Thời điểm này nếu đầu tư cũng chỉ có “lướt sóng” mà thôi” - bà An cho biết.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam dẫn chứng cách đây một số năm, TP HCM đề xuất sân bay Long Thành và cũng có hiện tượng giá đất ở khu vực Long Thành sốt ảo. Tình trạng tương tự hoàn toàn có thể tái hiện ở nơi được chọn làm sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô nếu không được kiểm soát tốt. 

Theo ông Đính, đề xuất này có được đồng ý hay không còn phụ thuộc vào Quốc hội và để thông qua vấn đề này còn rất lâu, có thể mất tới hàng chục năm mới trở thành hiện thực. Nhà đầu tư không nên “cầm đèn chạy trước ô tô” bởi rủi ro quá lớn đối với một đề xuất chưa được nằm trên giấy.

“Bên cạnh đó, TP Hà Nội khi đưa vấn đề đặt sân bay thứ 2 ở đâu cũng phải lường trước được bài học tương tự như ở sân bay Long Thành đã xảy ra. Qua đó kiểm soát, quản lý hoạt động đất đai tại địa phương này, ngăn chặn đầu cơ, sốt ảo” - ông Đính khẳng định.

Hoài Đức sốt đất ở những dự án cũ

Huyện Hoài Đức - TP. Hà Nội cũng đang chứng kiến cuộc sốt đất trở lại ở những dự án cũ đã nằm "bất động" nhiều năm qua.

Tại một số khu như Kim Chung - Di Trạch, môi giới đưa ra giá bán tăng 30 - 40% chỉ trong vòng 1 tháng, đẩy giá lên hơn 50 triệu đồng/m2.

Các khu khác cũng tăng giá từ 5 - 20%. Ví dụ Khu đô thị Geleximco, Nam An Khánh, giá từng rơi xuống 18 - 20 triệu đồng/m2, nay đã tăng lên mức 30 - 35 triệu đồng/m2. Khu đô thị Lideco cách đây 1 năm chỉ khoảng 25 - 28 triệu đồng/m2, nay tăng lên mức 35 - 38 triệu đồng/m2.

Xây dựng từ hơn 10 năm trước, các khu đô thị này được kỳ vọng sẽ thay đổi bộ mặt phía Tây thành phố Hà Nội. 

Tuy nhiên, vì rất nhiều lý do, trong đó nổi bật là việc chỉ xây nhà ở mà không có các tiện ích như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại kèm theo nên các khu đô thị không thể bứt phá, bị bỏ hoang cả thập kỷ, hàng nghìn tỷ đồng đóng băng.

Giá tăng được lý giải do huyện Hoài Đức đang chuẩn bị lên quận. Tuyến đường Vành đai 3,5 nối Đại lộ Thăng Long với quốc lộ 32 đang triển khai.

Các chuyên gia nhấn mạnh, các dự án nếu tăng giá khoảng 5 - 10 % là việc bình thường. Nhưng nếu vọt lên tăng quá cao, ngay trong một thời gian rất ngắn là chiêu trò thổi giá của giới đầu cơ.

Tiến Hưng

Theo Báo Đất Việt/Link: https://baodatviet.vn/bat-dong-san/thi-truong/sot-dat-sau-thong-tin-san-bay-nam-ung-hoa-luot-song-3420314/