Mất tiền với hợp đồng ‘sở hữu kỳ nghỉ’
Tỉnh Khánh Hòa đưa ra nhiều khuyến cáo để người dân cẩn trọng khi ký hợp đồng mua bán sở hữu kỳ nghỉ.
Ngày 17-4, bà Đàm Thị Bích Ngọc, Chánh Văn phòng TAND TP Nha Trang, Khánh Hòa, cho biết đến nay tòa này đã tiếp nhận hơn 30 đơn khởi kiện Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường (gọi tắt là Công ty Vịnh Thiên Đường) và đã thụ lý 13 đơn. Ngoài ra còn nhiều người khác cũng gửi đơn khởi kiện công ty trên nhưng TAND TP Nha Trang đã trả lại để hướng dẫn, bổ sung thủ tục.
Mua rồi bị hố!
Những người khởi kiện Công ty Vịnh Thiên Đường cho hay đã ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ hoặc hợp đồng đặt chỗ để sở hữu kỳ nghỉ tại khu nghỉ dưỡng Alma ở bán đảo Cam Ranh, Khánh Hòa do công ty này làm chủ đầu tư.
Theo hợp đồng, mỗi kỳ nghỉ có thời gian một tuần. Người mua kỳ nghỉ được quyền mua bán, chuyển nhượng cho người khác hoặc được trao đổi kỳ nghỉ tại một số nơi trên thế giới. Người mua phải nộp tiền nhiều đợt theo tiến độ xây dựng dự án. Nhiều người đã đóng hàng trăm triệu đồng thì mới phát hiện trong hợp đồng có hàng loạt điều khoản bất lợi cho mình.
Bà NTHA, ngụ TP.HCM, cho biết đã ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ với công ty này và đến nay đã đóng 120 triệu đồng. Hợp đồng soạn sẵn rất dày với nhiều nội dung nhưng khi ký hợp đồng nhân viên Công ty Vịnh Thiên Đường không giải thích rõ ràng, đầy đủ.
“Khi về xem lại, gia đình tôi tá hỏa vì họ đưa ra nhiều quy định rất phức tạp. Phần quyền lợi của khách hàng thì không như nhân viên công ty giới thiệu. Họ nói người mua được sở hữu toàn bộ kỳ nghỉ (vé máy bay, chi phí đi lại, tiền phòng và các dịch vụ lưu trú kèm theo) nhưng thực chất khách hàng chỉ được nhận phòng nghỉ trong nước, còn toàn bộ chi phí khác đều phải tự lo. Ngoài ra, muốn duy trì hợp đồng, hằng năm chúng tôi phải đóng thêm phí” - bà A. nói. Do thấy bị thiệt thòi, rủi ro cao, bà A. xin chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nhưng Công ty Vịnh Thiên Đường không chấp nhận.
Dự án khu nghỉ dưỡng Alma do Công ty Vịnh Thiên Đường làm chủ đầu tư liên tục chậm tiến độ cam kết dù đã bán hàng ngàn hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ. Ảnh: TẤN LỘC
Theo Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa, đến nay đã có gần 9.000 khách hàng ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ hoặc hợp đồng đặt chỗ với Công ty Vịnh Thiên Đường. Trong hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ có quy định “Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore (SIAC) giải quyết tranh chấp giữa các bên và được thực hiện bằng tiếng Anh”. Khi xảy ra tranh chấp, nhiều khách hàng ngớ người vì không biết khởi kiện ở đâu. Sau đó UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Công ty Vịnh Thiên Đường điều chỉnh hợp đồng, ghi rõ phải giải quyết mọi tranh chấp theo pháp luật Việt Nam.
TAND TP Nha Trang xác nhận trước đây không thụ lý các đơn khởi kiện trên với lý do không thuộc thẩm quyền. Sau khi có nhiều người khiếu nại, TAND tỉnh Khánh Hòa có văn bản yêu cầu TAND TP Nha Trang phải thụ lý giải quyết các vụ kiện trên để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam.
Luật chưa quy định
Ông Kiều Lâm, Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa, cho hay các cơ quan chức năng đang thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh để xử lý một số vấn đề liên quan dự án khu nghỉ dưỡng Alma cũng như hình thức mua bán sở hữu kỳ nghỉ.
Trước đó, UBND tỉnh có văn bản giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở Tư pháp, Công Thương, TT&TT và Hội Luật gia, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cùng các ngành, địa phương liên quan làm việc trực tiếp với Công ty Vịnh Thiên Đường về nội dung hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ để chấn chỉnh, khắc phục các sai phạm theo quy định (nếu có). UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan chức năng khuyến cáo rộng rãi cho người dân biết nên tham vấn các cơ quan chuyên môn, các tổ chức hành nghề luật sư trước khi ký kết hợp đồng nhằm tránh thiệt hại, rủi ro trước hình thức kinh doanh mới này.
Cũng theo ông Kiều Lâm, hiện pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào liên quan đến hình thức mua bán sở hữu kỳ nghỉ. Đây là hình thức mua bán dịch vụ nhưng lại liên quan nhiều vấn đề khác, lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam.
“Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ của Công ty Vịnh Thiên Đường được soạn sẵn rất dày, ngay cả nhiều cơ quan chức năng đọc cũng không hiểu hết, nói chi đến người dân bình thường. Do hình thức mới, chưa có quy định nên nguy cơ rủi ro rất lớn. Việc giải quyết tranh chấp giữa các bên cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, cần có sự cảnh báo rộng rãi hơn đến người dân để họ tìm hiểu kỹ trước khi ký kết loại hợp đồng này” - một cán bộ Sở KH&ĐT nói thêm.
Để có thông tin đa chiều, PV Pháp Luật TP.HCM đã nhiều lần liên lạc, đăng ký làm việc với lãnh đạo Công ty Vịnh Thiên Đường nhưng không nhận được câu trả lời.
Một lãnh đạo Ban quản lý Khu du lịch bán đảo Cam Ranh
Theo Tấn Lộc
Báo Pháp Luật TP. HCM
Link nguồn: http://plo.vn/do-thi/mat-tien-voi-hop-dong-so-huu-ky-nghi-765839.html