Metro Nhổn - ga Hà Nội lại 'đội vốn' gần 2.000 tỷ, chủ đầu tư lý giải nguyên nhân

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, có 7 nguyên nhân chính dẫn đến việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, tăng từ 32.910 tỷ đồng lên thành 34.826 tỷ đồng.

Tổng mức đầu tư dự án metro Nhổn - ga Hà Nội sẽ tăng thêm 1.916 tỷ đồng nếu được thông qua.
Tổng mức đầu tư dự án metro Nhổn - ga Hà Nội sẽ tăng thêm 1.916 tỷ đồng nếu được thông qua.

Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã có tờ trình gửi HĐND thành phố về việc thông qua nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội. Theo đó, UBND thành phố đã đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 32.910 tỷ đồng lên 34.826 tỷ đồng. Nguồn vốn bổ sung cho phần tăng thêm sử dụng từ ngân sách nhà nước.

Theo báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (chủ đầu tư dự án), có 3 nguyên nhân làm giảm tổng mức đầu tư (giảm 6.266,1 tỷ đồng), gồm: cập nhật giá trị các công việc trong tổng mức đầu tư theo giá trị công việc hoàn thành, giá trị hợp đồng/phụ lục hợp đồng; thay đổi chế độ chính sách (tỷ lệ dự phòng, thuế) và các quy định của nhà nước liên quan đến việc xác định và quản lý chi phi (điều chỉnh chi phí GPMB, bảo hiểm...) và điều chỉnh do thực hiện kết luận của Thanh tra và Kiểm toán Nhà nước.

Trong khi đó, có 4 nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư (tăng thêm 8.182,15 tỷ đồng), gồm: sự biến động của tỷ giá quy đổi trong quá trình thanh toán khối lượng thực hiện dự án; điều chỉnh khối lượng công việc hợp đồng (VR); việc chậm trễ tiến độ dẫn đến gia hạn thời gian thực hiện các gói thầu và bổ sung chi phi (EOT); bổ sung các công việc còn thiếu do không lường trước (chi phi pháp lý, ban xử lý tranh chấp, trọng tài kinh tế...).

Từ các nguyên nhân trên đã dẫn đến tổng mức đầu tư dự án tăng thêm 1.916 tỷ đồng.

Theo đơn vị chủ đầu tư, sự biến động của tỷ giá quy đổi trong quá trình thanh toán khối lượng thực hiện dự án đã làm chi phí tổng mức đầu tư dự án tăng thêm 158,76 tỷ đồng.

Chủ đầu tư cho biết căn cứ quyết định số 4007/QĐ-UBND ngày 28/6/2013 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt điều chỉnh dự án, trong đó quy định tỷ giá được tính tại thời điểm thẩm tra tổng mức đầu tư vào quý IV/2011 là 1 euro = 27.992 đồng, tỷ giá này được sử dụng tính toán, điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư tại Quyết định 198/QĐ-ĐSĐT-KTTĐ ngày 29/9/2020 của Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội. 

Tuy nhiên trên thực tế, khi thanh toán khối lượng hoàn thành cho các nhà thầu thì tỷ giá áp dụng là tỷ giá tại thời điểm thanh toán, do vậy dẫn đến sự thay đổi về giá trị đối với các cấu phần sử dụng vốn ODA trong tổng mức đầu tư của dự án.

Nguyên nhân tiếp theo làm tăng tổng mức đầu tư là điều chỉnh khối lượng công việc hợp đồng (VR), tăng thêm 1.341,17 tỷ đồng. Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, trong quá trình thực hiện thực tế, do các yếu tố như hạ tầng kỹ thuật, vật cản không lường trước, khí hậu, thời tiết... Các biện pháp thi công và thiết kế cần điều chính phủ hợp hơn cho phù hợp với thực tế và thiên về tính an toàn cho công trình. 

Bên cạnh đó, do đặc thù dự án có 9 gói thầu có giao diện chặt chẽ với nhau, quá trình phát triển thiết kế của các gói thầu thiết bị hệ thống (hợp đồng thiết kế - thi công) dẫn đến sửa đổi bổ sung các gói thầu liên quan; phương án vận hành tuyển thành hai giai đoạn phù hợp với tình hình thực hiện thực tế (đoạn ngầm chậm trễ nhiều do vướng mắc giải phóng mặt bằng) nên cần có một số điều chỉnh về kỹ thuật. Những điều chỉnh, thay đổi này có ảnh hưởng đáng kể đến khối lượng công việc thực hiện của dự án.

Đáng chú, nguyên nhân làm tăng tổng mức đầu tư lớn nhất là việc chậm trễ tiến độ dẫn đến gia hạn thời gian thực hiện các gói thầu và bổ sung chi phí (EOT), tăng thêm 6.325,1 tỷ đồng. 

Theo lý giải của Ban Quản lý, trong quá trình thực hiện dự án, do gặp nhiều khó khăn vướng mắc như chậm giải phóng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật, giao diện giữa các gói thầu, sự khác biệt giữa quy định của hợp đồng FIDIC và pháp luật hiện hành, việc bố trí vốn không đáp ứng yêu cầu của dự án, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức đơn giá vật tư thiết bị chuyên ngành đường sắt đô thị, dịch bệnh Covid-19 trong 2 năm 2020 và 2021... dẫn đến dự án chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện và bổ sung chi phi do kéo dài thời gian thực hiện các hợp đồng.

Đối với nguyên nhân là bổ sung các công việc còn thiếu do không lường trước (chi phi pháp lý, ban xử lý tranh chấp, trọng tài kinh tế...), chủ đầu tư cho biết dự án metro Nhổn – ga Hà Nội là một dự án có quy mô lớn, phức tạp, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, trong khi các quy định của pháp luật hiện hành, các quy chuẩn tiêu chuẩn chưa đồng bộ và bao phủ hết, kinh nghiệm thực tiễn triển khai chưa có. Dự án được ký kết với hầu hết các nhà thẩu nước ngoài theo mẫu hợp đồng quốc tế FIDIC.

Quá trình thực hiện dự án gặp nhiều vướng mắc, khó khăn đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện và khiếu nại, tranh chấp với các nhà thầu. Do đó, cần bổ sung các cấu phần tư vấn pháp lý để hỗ trợ chủ đầu tư trong việc bảo vệ quyền lợi đối với các tranh chấp, bổ sung chi phí, ban xử lý tranh chấp, trọng tài quốc tế để sẵn sàng sử dụng cho các tình huống tranh chấp xảy ra. Thực tế đối với các dự án tương tự trên thế giới cũng như các dự án lớn khác ở Việt Nam đều có các cấu phần này.

Nguyên nhân này đã làm tăng tổng mức đầu tư dự án thêm 357,12 tỷ đồng.

 

Dự án đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội là dự án thí điểm lần đầu thực hiện tại Việt Nam, có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, phức tạp, việc thống nhất chủ trương triển khai dự án cần có ý kiến của nhiều Bộ, ngành, cần có cơ chế đặc thù của Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi làm cơ sở đàm phán, ký kết nghị định thư vay vốn, đặc biệt là khó khăn trong lựa chọn tư vấn của dự án chỉ được giải quyết khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chỉ định thầu tại văn bản số 356/TTg CN ngày 23/3/2007.

Với cơ chế đặc thù đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, ngày 10/4/2006, dự án đã được ký vay vốn ODA của Chính phủ Pháp giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Pháp và ngày 22/11/2007 tư vấn thực hiện dự án đã được lựa chọn thông qua chỉ định theo quy định của khoản vay ODA của Chính phủ Pháp và chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án có quy mô tổng chiều dài 12,5km, 1 depot và 12 ga (8,5km đi trên cao với 8 ga và 4km đi ngầm với 4 ga). Tổng mức đầu tư là 1.176 triệu Euro (gồm: 958 triệu Euro vốn vay ODA của Chính phủ Pháp, Cơ quan phát triển Pháp - AFD, Ngân hàng phát triển châu Á - ADB, Ngân hàng đầu tư châu Âu - EIB và 218 triệu Euro vốn đối ứng).

Dự án bao gồm 10 gói thầu chính: 5 gói thầu xây lắp, 4 gói thầu hệ thống cơ điện thiết bị và 1 gói thầu tư vấn thực hiện dự án. Thời gian thực hiện dự án theo Quyết định số 1800/QĐ-TTg ngày 21/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 4036/QĐ-UBND ngày 26/7/2019 của UBND thành phố Hà Nội là 2009 - 2022, theo đó dự án được đưa vào khai thác vận hành trước đoạn trên cao vào quý IV/2021.

Tính đến hết tháng 8/2022, dự án đang triển khai thực hiện 10/10 gói thầu chính. Quá trình thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến tiến độ thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu. Tiến độ tổng thể chung của dự án hiện đạt chỉ khoảng 75% (trong đó tiến độ thi công đoạn tuyến trên cao đạt 96,3%).

Anh Hùng

Theo VietnamFinance