Mobifone bắt tay FeCredit 'bán' thông tin cá nhân, làm phiền khách hàng?
Khi khách hàng gửi lên tổng đài theo số của FeCredit thì thông tin nhà mạng Mobifone sẽ được chia sẻ cho bên FeCredit.
Thời gian gần đây, tòa soạn nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về tình trạng tin nhắc rác làm phiền. Điều đáng nói, các tin nhắn rác này lại không đến trực tiếp từ các nhà mạng mà thông qua một tổ chức tài chính của ngân hàng VPBank.
Ông N.T.M (Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc cho biết: Các tin nhắn rác làm phiền tôi liên tục. Chủ yếu là FeCredit, đơn vị trực thuộc ngân hàng VPBank.
Họ thường xuyên nhắn tin với nội dung ưu đã vay tín dụng trả góp với các hạn mức hàng tháng khác nhau. Đáng nói, phía FeCredit này còn hướng dẫn cả mẫu soạn tin nhắn để gửi cho họ. Nếu soạn theo mẫu thì phía nhà mạng sẽ chia sẻ thông tin cả nhân để nhân viên ngân hàng thẩm định liên hệ khách hàng.
Theo tìm hiểu của PV, các mẫu tin nhắn này đều có định dạng chung. Khi khách hàng gửi lên tổng đài theo số của FeCredit thì thông tin nhà mạng Mobifone sẽ được chia sẻ cho bên FeCredit.
Được biết Mobifone và FeCredit hiện đang là đối tác triển khai các dịch vụ liên quan đến nhiều ứng dụng của khách hàng.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, hiện nay có nhiều mô hình cho vay online, cho vay trực tuyến đang hoạt động tại Việt Nam. Đối với các mô hình này, hiện chưa có các quy định pháp luật để phân loại rõ ràng, cụ thể.
Do vậy, việc giao dịch với các mô hình này có thể tiềm ẩn nguy cơ và rủi ro cho người tiêu dùng, đặc biệt trong trường hợp giao dịch với các đơn vị "trá hình", "tín dụng đen núp bóng". Từ thực tế đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng cần thận trọng, cân nhắc kỹ về việc sử dụng dịch vụ này.
Đặc trưng của các dịch vụ cho vay trực tuyến là lãi suất cho vay và các mức phí kèm theo thường rất cao. Do vậy, để tránh phát sinh nằm ngoài dự kiến, người tiêu dùng cần biết rõ các mức lãi suất, mức phí và chi phí có thể phát sinh trong những trường hợp cụ thể (trả nợ trước hạn, chậm trả, gia hạn thời gian vay, phí tư vấn dịch vụ…).
Trong quá trình tìm hiểu các thông tin nêu trên, người tiêu dùng cần đảm bảo việc lưu giữ thông tin để có cơ sở đối chiếu khi phát sinh tranh chấp. Ví dụ, có nhiều trường hợp người tiêu dùng nghe nhân viên tư vấn qua điện thoại nhưng không kiểm tra lại nội dung hợp đồng trước khi ký, dẫn đến, khi có tranh chấp phát sinh mới phát hiện nội dung hợp đồng không đúng như nội dung tư vấn.
Về hoạt động cho vay tín dụng của FeCredit, đơn vị này cũng từng nhiều lần bị khách hàng phàn nàn về dịch vụ của mình trong đó có cả các hình thức đòi nợ theo kiểu 'xã hội đen' gây bức xúc cho nhiều khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản thay đổi quan trọng về Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit).
Cụ thể, theo văn bản số 762/NHNN-TTGSNH về việc chấp thuận nguyên tắc chuyển đổi hình thức pháp lý, NHNN chấp thuận nguyên tắc chuyển đổi hình thức pháp lý của FE Credit từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành công ty cổ phần.
FE Credit với 100% vốn thuộc ngân hàng VPBank, đang là công ty tài chính tiêu dùng có thị phần lớn nhất thị trường với tổng khối lượng giải ngân trong năm 2019 đạt 72,5 nghìn tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2018. Dư nợ cho vay đạt 60.594 tỷ đồng, tăng 13,75%.
Lợi nhuận trước thuế năm 2019 của FE Credit đạt 4.488 tỷ đồng, tăng 8,2% so với năm 2018. ROAA và ROAE lần lượt là 5,5% và 34,8%. Trong những năm qua, FE Credit luôn được xem như "gà đẻ trứng vàng" của VPBank khi đóng góp tới 45-50% lợi nhuận cho nhà băng này.
Mới đây, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đang xem xét việc hạ bậc tín nhiệm của 3 công ty tài chính và 2 ngân hàng Việt Nam trong đó bao gồm FE Credit và VPBank.
Theo Hải Phong (TH)/Sở hữu trí tuệ
Link nguồn: https://sohuutritue.net.vn/mobifone-bat-tay-fecredit-ban-thong-tin-ca-nhan-lam-phien-khach-hang-d73505.html