‘Mỗi bên phải lùi lại chút, không khư khư giữ quyền lợi của mình’
Ông Nguyễn Hải Nam, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc khơi thông nguồn vốn cho thị trường cũng như xử lý như tắc đường, mỗi bên phải lùi lại một chút, không nên khư khư giữ quyền lợi của mình.
Phát hành TPDN mới vẫn sẽ khó khăn
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sau giai đoạn tăng trưởng nóng, một loạt sai phạm lớn phát lộ, bị cơ quan chức năng xử lý đã khiến niềm tin của nhà đầu tư sụt giảm mạnh. TPDN gần như đóng băng, không có các đợt phát hành mới, trong khi áp lực rút vốn trước hạn của nhà đầu tư là rất lớn, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch kinh doanh và dòng tiền của doanh nghiệp.
Điều này tạo nên rủi ro cho các doanh nghiệp đã phát hành, khi tổng khối lượng TPDN đến hạn trả nợ trong giai đoạn 3 năm tới là rất lớn, đặc biệt là đối với lĩnh vực bất động sản.
Phát biểu tại tọa đàm “Giải pháp khơi thông thị trường vốn” hôm 17/3, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho hay, Nghị định 08 giúp tạo hành lang pháp lý tái cơ cấu nợ TPDN khi cho doanh nghiệp hoán đổi nợ trái phiếu sang loại hình tài sản khác như bất động sản, cổ phiếu...
Theo đó, doanh nghiệp phát hành có thể đàm phán với nhà đầu tư để đàm phán kéo dài, giãn nợ tối đa 2 năm. Tinh thần chung của 2 nội dung, giúp doanh nghiệp tái cấu trúc nợ, thông qua kỳ hạn trả nợ. Còn lại là kéo dài thời gian một số quy định nghị định 153, tạm hoãn một số quy định Nghị định 65.
“Chúng ta vẫn kiên định hướng tới thị trường trái phiếu chuyên nghiệp, lành mạnh. Nghị định 08 trước mắt tháo gỡ doanh nghiệp tái cấu trúc nợ, có thời gian nâng tầm theo hướng minh bạch, chuyên nghiệp hơn, không phải thay đổi để doanh nghiệp phát hành thuận lợi hơn. Trong thời gian qua, vấn đề của thị trường là nhà đầu tư mất niềm tin vì thiếu tính minh bạch, chuyên nghiệp, để đẩy mạnh”, ông Quỳnh nói.
Ông Quỳnh cho rằng, Nghị định 08 với phát hành mới vẫn sẽ khó khăn, lý do là tâm lý nhà đầu tư trên thị trường trong thời gian qua là rất yếu bởi nhiều lý do liên quan tới cả nguyên nhân khách quan và các vi phạm pháp lý của doanh nghiệp. Còn về phía cung, nhu cầu phát hành là có nhưng năng lực, chất lượng tổ chức phát hành bị hạn chế. Nên phát hành hướng tới nhà đầu tư cá nhân là khó khăn, cần có thời gian để doanh nghiệp nâng tầm lên và thích ứng với bối cảnh thị trường.
Ông Quỳnh nói: “thanh khoản thị trường sẽ có khi nhà đầu tư có niềm tin. Niềm tin sẽ đến từ sự minh bạch. Minh bạch đến từ chủ động của doanh nghiệp, đến từ yêu cầu của cơ quan quản lý, các quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, ông Quỳnh cũng cho rằng, minh bạch chưa đủ mà phải đi kèm với sự hiểu biết của nhà đầu tư. Theo đó, vấn đề giáo dục, nâng cao hiểu biết của các thành viên tham gia thị trường là rất quan trọng. Cùng với đó là một thể chế giám sát để các thành phần tham gia thị trường được đảm bảo công bằng.
Ông Dương Hồng Hà, Phó trưởng ban Giám sát tổng hợp (Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia) cho rằng Nghị định 08 đã mở một cửa cho doanh nghiệp giúp họ tìm cách trả nợ nhà đầu tư.
Tuy nhiên ông Hà đặt vấn đề, cần thống nhất giá trị tài sản, mức giá nào là phù hợp đối với nhà đầu tư?. Thời gian giãn hoãn nợ trong bối cảnh như này thì có phù hợp không, có phải điều chỉnh thêm không? Cần dự phòng các giải pháp mạnh hay cần thành lập quỹ hỗ trợ trái phiếu không?
“Mỗi bên phải lùi lại một chút”
Ông Nguyễn Hải Nam, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng Nghị định 08 cho dư địa để doanh nghiệp đàm phán với trái chủ.
“Khơi thông nguồn vốn cho thị trường cũng giống như xử lý tắc đường, mỗi bên phải lùi lại một chút, không nên khư khư giữ lại quyền lợi của mình, tạo điều kiện cho các kênh vốn”, ông Nam nói.
Cùng với đó, ông Nam khẳng định bản chất là từ tài chính doanh nghiệp, doanh nghiệp phải có lãi, dự án có hiệu quả. Lưu ý rằng, có doanh nghiệp triển khai hơn 50 dự án một lúc, có doanh nghiệp đòn bẩy hơn 30 lần vốn chủ. Như vậy cần có cơ cấu lại từ phía doanh nghiệp.
“Cơ quan quản lý nhà nước nhất trí là cần công khai, minh bạch. Cần có cơ sở dữ liệu. Cần có thông tin để nhà đầu tư phân biệt. Cần có sự kiểm soát từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Ngân hàng cần có sự tích cực để gỡ khơi thông, thời hạn nợ, phân loại nợ, chuyển nhóm nợ. Giải quyết vấn đề về thanh khoản”, ông Nam nêu.
Ngoài ra, ông Nam cũng cho rằng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện nhanh, quyết liệt hơn nữa để đảm bảo củng cố niềm tin nhà đầu tư, để nhà đầu tư dần dần hồi phục lại, chứ hiện nay họ rất sợ. Đội phản ứng cho thanh khoản của Mỹ cũng là một kinh nghiệm.