Mon City công bố bán hết hơn 700 căn hộ và "nụ cười ruồi" của các chuyên gia BĐS?!
TNNĐ- Việc chủ đầu tư dự án Mon City tuyên bố bán gần 90% căn hộ chung cư trong Quý I.2016 có thể khiến dân “ngoại đạo” ngỡ ngàng và ngưỡng mộ nhưng chỉ khiến các chuyên gia chuyên gia địa ốc… tủm tỉm cười ruồi…
Trung tuần tháng 4.2016, nhân dịp chuẩn bị mở bán đợt 3 dự án Mon City (tọa lạc tại khu vực Mỹ Đình 2, đường Lê Đức Thọ - Nam Từ Liêm), trao đổi với báo chí (trên tờ DĐDN), lãnh đạo Công ty CP Đầu tư địa ốc Hải Đăng (Chủ đầu tư Dự án) đã “tiết lộ” một thông tin “động trời” mà theo chính họ là “một kết quả bán hàng chưa từng có ở một dự án mới của một chủ đầu tư trẻ”. Đó là việc, chỉ trong vòng một quý (Quý I.2016), Mon City đã bán hết hơn 700/896 căn hộ chung cư và gần hết 147 căn nhà phố thương mại, hoàn thành vượt chỉ tiêu bán hàng với hơn 2/3 lượng hàng được bán ra thị trường.
Nếu kết quả đúng như vậy thì có thể nói đây là một “kỷ lục” khiến cả các “nhà đầu tư già” cũng phải ngả mũ bái phục! Thế nhưng, khi thông tin này được phát ra, thì các chuyên gia địa ốc, các nhà môi giới BĐS đều chỉ… tủm tỉm cười ruồi. Dường như, chẳng ai buồn tin (?!).
Vì sao lại như vậy? Theo một chuyên gia BĐS thì nếu đã bán hết 90% số căn hộ chung cư, 70% nhà phố liền kề của một dự án thì bất cứ chủ đầu tư nào cũng chỉ việc ra sức thúc tiến độ để nhanh chóng thu tiền, ung dung “găm” lại số hàng còn lại đợi tăng giá. Và tiếp theo là lặng lẽ chuyển sang phát triển dự án khác chứ chẳng cần phải tiếp tục tổ chức rầm rộ sự kiện mở bán. “Chỉ cần đợi hết tháng 5, nếu Mon City còn tiếp tục phải quảng bá rầm rộ và mở bán thêm đợt nữa hay không thì sẽ biết ngay thông tin trên là thật hay “nổ”!”, vị chuyên gia này chia sẻ.
>>> Mon City: Chủ đầu tư tự tin thái quá hay chỉ "khoe mẽ"? |
Cũng theo các chuyên gia địa ốc, thông tin nêu trên là “nhiệm vụ bất khả thi” và hiện tại ở khu vực này hiện chưa có nhà đầu tư nào làm được. Xét về tổng thể, Mon City chẳng có những lợi thế cạnh tranh nào vượt trội so với những dự án “khủng” cùng khu vực. Mon City đắc địa thì những dự án nêu trên cũng chẳng kém. Chẳng những thế, những dự án này còn có hệ thống hạ tầng, tiện ích và không gian sống được nhiều người đánh giá là đầy đủ và vượt trội hơn.
Bên cạnh đó, với việc mở bán vào giai đoạn này, Mon City còn phải cạnh tranh khốc liệt với hàng chục dự án lớn của khu vực Mỹ đình 2 mà rộng ra là khu vực phía Tây Hà Nội (nơi đang cung cấp hơn 70% căn hộ trên thị trường thủ đô đồng thời phải đối mặt với sự đau đầu về áp lục giao thông đô thị). Trong khi đó giá bán và các chế độ hậu mãi, khuyến mãi của Mon City cũng không lấy gì làm đột phá (tương đương với các dự án cùng phân khúc và địa điểm). “Lợi thế” là dự án đầu tiên được ngân hàng bảo lãnh, thực ra cũng chỉ là “tấm thẻ bài” mà các dự án mà nhà đầu tư mới, mới cần.
Việc bán căn hộ với giá vài tỷ/căn còn “có vẻ dễ” song việc bán nhà phố với giá lên tới hơn 10 tỷ trên căn thì thật chẳng dễ chút nào. Vậy mà chỉ trong một quý từ ngày mở bán, nhà đầu tư tuyên bố “cạn hàng” với cả trăm căn đã được bán ra để yên tâm thu về cả ngàn tỷ đồng thì quả là một thành tích đáng nể giữa thời “gạo châu củi quế”!?
>>> Loạn quảng cáo “vị trí đắc địa” bất động sản |
Trong hoạt động kinh doanh BĐS, thương hiệu, uy tín của chủ đầu tư là vô cùng quan trọng bởi căn nhà luôn là khối tài sản lớn và thường phải “xuống tiền” trước khi được mắt thấy tay sờ vào món hàng mình mua. Vì vậy, tâm lý chung của người tiêu dùng sẽ là đặt niềm tin vào những thương hiệu lớn, đã hình thành uy tín trên thị trường hoặc chí ít là những doanh nghiệp đã có những dự án hoàn thành và có cư dân trải nghiệm không gian sống thực tế (dù rằng họ có thể phải trả giá mua cao hơn).
Vì vậy, “kỳ tích” của Mon City sẽ càng đáng kính phục hơn (nếu là sự thật) khi chính họ cũng thừa nhận mình là một nhà đầu tư mới trong làng địa ốc Hà thành.
Chủ dự án Mon City là Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Hải Đăng (HD Mon Real Estate thuộc HD Mon Holdings). Ở lĩnh vực đầu tư xây dựng, cái tên HD Mon Holdings còn khá mới mẻ trên thị trường bất động sản. Và Mon City là dự án nhà ở đầu tiên tại Hà Nội của chủ đầu tư này. Do vậy, để chinh phục người mua nhà cũng như thị trường địa ốc có lẽ không phải là điều dễ dàng. Ấy là chưa kể hồi đầu tháng 10.2015 vừa qua, một số tờ báo đã phản ánh việc chủ dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Hải Đăng đã “lách luật” chào bán hàng loạt căn hộ dưới dạng thỏa thuận mua bán căn hộ khi dự án còn chưa xây dựng xong móng.
Thực hư của tuyên bố nêu trên như thế nào, Mon City thực sự đã làm lên “kỳ tích” hay chỉ “nổ” để quảng bá cho dự án? Thời gian (rất sớm) sẽ trả lời. Tuy nhiên, lời khuyên chung cho khách hàng lúc này là hãy cẩn trọng trước khi “xuống tiền” ở bất kỳ dự án nào. Bởi lẽ, phải thừa nhận là thị trường BĐS Hà Nội đang khởi sắc nhưng nguồn cung hiện tại vẫn đang rất lớn và quyền lực vẫn đang thuộc về người mua. Ngay cả khi đang “kết” Mon City thì khách hàng cũng vẫn còn cả hơn 1000 căn hộ của dự án này trong giai đoạn 2 để lựa chọn./.
>>> Căn hộ HD Mon tăng giá chóng mặt, nghi án “thổi giá“!
Theo Thành Nam/Báo Gia đình Việt Nam