MSB: Tăng trưởng cho vay 'vượt mặt' huy động
9 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng tại MSB đạt 23,5% trong khi tốc độ tăng trưởng huy động chưa tới 10%.
9 tháng đầu năm 2021, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (HOSE: MSB) báo lãi trước thuế và sau thuế đều tăng 148% so với cùng kỳ 2020, ghi nhận hơn 4.128 tỷ đồng và 3.288 tỷ đồng. Lợi nhuận tại MSB được nâng lên tầm cao mới không thể thiếu sự đóng góp nhờ vào tăng trưởng từ cho vay và huy động vốn.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2021, tổng lượng tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá tại MSB tính đến 30/9/2021 đạt gần 108.187 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi khách hàng tăng 7,4% lên gần 94.002 tỷ đồng, bao gồm tiền gửi không kỳ hạn là 27.954 tỷ đồng, tăng gần 21% so với đầu năm; tiền gửi có kỳ hạn tăng 19% đạt 38.701 tỷ đồng sau 9 tháng.
Còn tăng trưởng cho vay khách hàng luỹ kế 9 tháng tại MSB đạt 97.996 tỷ đồng, tăng 23,5% so với đầu năm. Do đó, tỷ lệ LDR tính trên dư nợ cho vay khách hàng và tiền gửi khách hàng ở mức 104%. Theo lý thuyết, tỷ lệ LDR dưới 100% có nghĩa là lượng vốn cho vay ra đang thấp hơn lượng vốn huy động vào. Vì vậy, lượng vốn cho vay tại MSB tăng cao hơn lượng vốn huy động.
Có thể thấy, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng tại MSB cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng huy động. Thực tế, ngay từ quý 1/2021, MSB đã “xài” hết room tín dụng từ Ngân hàng nhà nước giao cho, tăng trưởng tín dụng đã chạm mức trần được cấp phép đầu năm là 10,5% so với đầu năm, và tăng 33,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mức tăng này cao hơn so với mức bình quân toàn hệ thống là 2,9% so với đầu năm, kết quả này giúp MSB trở thành ngân hàng phát triển nhanh nhất về lĩnh vực cho vay. MSB đã xin NHNN tăng mức trần và đã được nới room.
Thông thường, việc tín dụng tăng nhanh hơn nhiều so với tốc độ huy động vốn có thể khiến nhiều ngân hàng đối mặt với rủi ro thanh khoản.
Đáng chú ý, dù báo lãi tăng theo cấp số lần song nợ xấu tại MSB tính đến 30/9/2021 tăng 22% so với đầu năm, ghi nhận gần 1.907 tỷ đồng. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng 48% lên hơn 584 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn tăng 27% lên hơn 1.102 tỷ đồng trong khi đó nợ dưới tiêu chuẩn giảm 26% xuống còn gần 220 tỷ đồng.
Ngoài ra, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2 - với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) tại MSB cũng tăng 32% lên hơn 1.297 tỷ đồng. Dù chưa bị xếp vào nhóm nợ xấu nhưng tình trạng dư nợ khoản vay quá hạn nhảy vọt bất thường cho thấy nhiều người đi vay không có khả năng trả nợ đúng hạn vì Covid-19, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu trong tương lai của ngân hàng.
Thực tế, việc tăng trưởng tín dụng thường mang lại kết quả kinh doanh tốt vì 80% lợi nhuận của ngân hàng phụ thuộc vào tín dụng. Nhưng ở chiều ngược lại, đây lại là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu gia tăng.
MSB dự kiến ghi nhận 1.800 - 2.000 tỷ lợi nhuận từ thương vụ thoái vốn công ty tài chính trong năm 2022
Ngày 5/11, tại buổi gặp gỡ chuyên viên phân tích và nhà đầu tư, ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đã chia sẻ một số thông tin về việc bán toàn bộ 100% vốn tại Công ty Tài chính FCCOM.
Cụ thể, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết ngân hàng đang tiếp xúc với 2 - 3 nhà đầu tư và đang tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng trong tháng 11 này.
"Nếu đạt kỳ vọng và không có gì thay đổi, ngân hàng sẽ hoàn tất chuyển nhượng trong năm sau và ghi nhận lợi nhuận", ông Linh nói. Giá trị thương vụ ước tính không thấp hơn 100 triệu USD và có thể thu về 1.800 - 2.000 tỷ đồng lợi nhuận cho MSB trong năm 2022.
Lãnh đạo MSB cho biết ngân hàng định hướng thoái vốn các công ty con và tập trung vào lĩnh vực chính, phát triển mảng bán lẻ, nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Bên cạnh FCCOM, MSB cũng sẽ bán toàn bộ giá trị vốn góp tại Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác tài sản MSB (MSB AMC) nhằm tái cơ cấu danh mục đầu tư.
Trong kế hoạch từ nay đến năm 2023, ngân hàng đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng trung bình tín dụng 25 - 30%, tổng tài sản 17%/năm và huy động vốn 16%/năm, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) hướng đến mốc 40.000 tỷ.
Riêng trong năm 2022, MSB đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế 30%, quy mô tài sản 10% - 15%. Ngân hàng dự kiến tiếp tục chia cổ tức 2021 với tỷ lệ 30%.
Vừa qua, MSB đã hoàn thành việc tăng vốn điều lệ lên 15.275 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức 2020 với tỷ lệ 30%.