Mỹ áp thuế 125%: Vì sao Trung Quốc chọn cách 'đáp trả đến cùng'?

Sau khi Mỹ chính thức nâng thuế nhập khẩu lên 125% đối với hàng hóa từ Trung Quốc, Bắc Kinh không ngần ngại phát tín hiệu mạnh mẽ “đáp trả đến cùng”. Trong khi nhiều quốc gia chọn đàm phán để tránh leo thang căng thẳng, Trung Quốc lại chọn con đường đối đầu – không né tránh, không lùi bước.

Mỹ tăng thuế, Trung Quốc “đáp trả đến cùng”

Chưa đầy 24 giờ sau tuyên bố áp mức thuế 104% đối với hàng hóa Trung Quốc từ ngày 9/4 của chính quyền Mỹ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có phản ứng cứng rắn.

Người phát ngôn Lâm Kiếm Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, sẽ "phản công và chiến đấu đến cùng" để bảo vệ lợi ích quốc gia và không chấp nhận bất kỳ hình thức "tống tiền" nào từ phía Mỹ, theo New York Post.

​“Nếu Mỹ kiên quyết tiếp tục cuộc chiến thuế quan, Trung Quốc sẽ đáp trả đến cùng để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình", ông Lâm Kiếm cho biết.

Phát ngôn này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt với áp lực từ cả bên ngoài lẫn bên trong, nhưng Bắc Kinh cho thấy họ không có ý định nhượng bộ. Trung Quốc nhấn mạnh, các hành động áp đặt thuế quan của Mỹ không tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán và cảnh báo rằng việc gây áp lực và đe dọa sẽ không có tác dụng, tờ The World Street Journal đưa tin.

Các dòng thuế mới từ Mỹ nhắm vào nhiều ngành công nghiệp chiến lược như xe điện, linh kiện công nghệ cao, pin và thiết bị năng lượng tái tạo. Đây là những lĩnh vực mà Trung Quốc đang chiếm ưu thế toàn cầu.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm (Lin Jian). Ảnh: Reuters
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm (Lin Jian). Ảnh: Reuters

Theo giới quan sát, đây là hành động chưa từng có tiền lệ về quy mô và mức độ nhắm mục tiêu cụ thể, cho thấy Washington đang chuyển từ “đối phó” sang “kiềm chế” Trung Quốc một cách hệ thống.

Không dừng lại ở lời nói, Trung Quốc cũng triển khai các biện pháp cụ thể. Bộ Thương mại nước này tuyên bố đang xem xét “toàn diện các hành động đối ứng” và sẽ không ngần ngại áp dụng các biện pháp thương mại bổ sung nếu cần thiết.

Ngày 10/4, Trung Quốc công bố danh sách dự kiến các mặt hàng Mỹ có thể bị đánh thuế bổ sung, trong đó bao gồm nông sản, chip bán dẫn và thiết bị hàng không – các ngành mà Mỹ vốn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Căng thẳng leo thang ngay lập tức khiến thị trường tài chính toàn cầu biến động. Đồng nhân dân tệ giảm nhẹ, trong khi chỉ số Dow Jones mất hơn 300 điểm ngay sau thông tin về vòng áp thuế mới từ Mỹ và phản ứng của Bắc Kinh.

Các chuyên gia cảnh báo rằng nếu không có kênh đối thoại được khôi phục, cuộc đối đầu này có thể gây tổn thất nặng nề cho chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy thế giới vào một chu kỳ bất ổn thương mại mới.

Chọn đối đầu trực diện, Trung Quốc tự tin vào điều gì?

Trong khi nhiều nền kinh tế, bao gồm cả Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản hay Hàn Quốc, thường tìm cách xoa dịu Mỹ bằng các vòng đàm phán song phương để tránh căng thẳng, Trung Quốc lại chọn phản ứng trực diện.

Câu hỏi đặt ra là: Trung Quốc đang đặt cược vào điều gì?

Trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 8/4, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã lần đầu tiên đưa ra tuyên bố chính thức kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế 104%.

Ông nhấn mạnh Bắc Kinh đã lường trước nhiều yếu tố bất ổn trong hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô năm 2025 và đang nắm trong tay "đầy đủ công cụ chính sách" để phản ứng với các cú sốc từ bên ngoài.

Thông điệp này được phát đi trong bối cảnh Trung Quốc đang đối diện sức ép gia tăng từ phía Washington, nhưng Thủ tướng Lý Cường khẳng định đất nước hoàn toàn có khả năng duy trì ổn định kinh tế và bảo vệ các lợi ích cốt lõi, bao gồm chủ quyền, an ninh quốc gia và công lý thương mại.

Ông cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ có những hành động kiên quyết nếu lợi ích bị xâm phạm, đồng thời cho thấy nước này không có ý định nhượng bộ dù Mỹ đe dọa áp thêm 50% thuế nếu Bắc Kinh trả đũa.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Ảnh: Reuters.

Tân Hoa Xã đưa tin, Hội nghị công tác ngoại vi trung ương được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 8-9/4, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có bài phát biểu quan trọng. "Nền kinh tế Trung Quốc không phải là một cái ao mà là một đại dương", tờ ChinaDaily dẫn lại phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Theo SCMP, Trung Quốc hiện không còn phụ thuộc quá lớn vào thị trường Mỹ như trong quá khứ. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này đã giảm từ khoảng 21% vào năm 2010 xuống còn dưới 14% vào năm 2024. Trung Quốc đã tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu sang ASEAN, Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh nhằm phân tán rủi ro và giảm thiểu tác động từ căng thẳng thương mại với Mỹ.

Ngoài ra, Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến lược tự chủ công nghệ, trong bối cảnh bị Mỹ siết chặt nguồn cung bán dẫn, công nghệ lõi và trí tuệ nhân tạo.

Theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, tổng mức đầu tư công nghệ của nước này trong năm 2024 đạt hơn 3.200 tỷ nhân dân tệ (khoảng 445 tỷ USD), tăng gần 12% so với năm trước. Bắc Kinh cho rằng, phát triển năng lực công nghệ nội địa là cách hiệu quả nhất để chống lại các lệnh trừng phạt và hạn chế từ phương Tây.

Cuối cùng, Trung Quốc tin rằng trật tự toàn cầu đang dịch chuyển và Mỹ không còn là “trọng tài tối cao” như trước. Việc Mỹ mất dần ảnh hưởng tại các tổ chức quốc tế như WTO, cùng với làn sóng ủng hộ đa cực hóa tại nhiều khu vực, khiến Bắc Kinh tin rằng họ có thêm dư địa để phản kháng.

Chiến lược “ngoại giao linh hoạt” với các nước đang phát triển, đồng thời củng cố quan hệ với các cường quốc khu vực khác, giúp Trung Quốc tạo thành “tuyến phòng thủ địa chiến lược” nhằm đối phó hiệu quả với các sức ép từ phương Tây.

Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc hôm 9/4 đã công bố sách trắng có tựa đề "Lập trường của Trung Quốc về một số vấn đề liên quan đến quan hệ kinh tế và thương mại Trung Quốc-Hoa Kỳ".

Theo tài liệu, để đáp trả các động thái của Mỹ, Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp đối phó mạnh mẽ để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình và vẫn cam kết giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại và tham vấn, với nhiều vòng tham vấn với phía Mỹ để ổn định quan hệ kinh tế và thương mại song phương.

Sách trắng cho biết phía Trung Quốc luôn khẳng định quan hệ kinh tế và thương mại Trung - Mỹ mang tính cùng có lợi và đôi bên cùng có lợi.

Là hai nước lớn ở các giai đoạn phát triển khác nhau với chế độ kinh tế khác nhau, Trung Quốc và Mỹ có những khác biệt và xung đột trong hợp tác kinh tế và thương mại là điều tự nhiên. Theo văn kiện, điều quan trọng là phải tôn trọng lợi ích cốt lõi và mối quan tâm lớn của nhau, đồng thời tìm ra giải pháp thích hợp để giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại và tham vấn.

Hải Lâm

Theo Vietnamfinance