Năm nút thắt khiến DN Việt 'chưa thể lớn' trên sân chơi FTA tỷ USD
Việt Nam đã tham gia 20 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó có 16 FTA đã đi vào hiệu lực. Các Hiệp định này đã và đang đem lại nhiều cơ hội và kết quả tích cực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, các doanh nghiệp chưa tận dụng hết dư địa mà các FTA này mang lại.
Theo số liệu thống kê, tỷ trọng của thị trường EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực hầu như không tăng hoặc tăng không đáng kể.
Cụ thể, năm 2021, tỷ trọng của thị trường EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 11,9%, tăng lên 12,6% vào năm 2022 rồi giảm xuống 12,3% năm 2023. Đối với thị trường Vương quốc Anh, tỷ trọng tương ứng là 1,72% trong năm 2021, giảm xuống 1,6% trong năm 2022 và tăng lên 1,7% vào năm 2023.
Thị trường Canada cũng ghi nhận xu hướng tương tự với tỷ trọng tương ứng là 1,55% vào năm 2021, tăng lên 1,7% vào năm 2022 rồi giảm xuống 1,6% trong năm 2023.
Thêm vào đó, tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi đối với nhiều FTA quan trọng, đặc biệt các FTA như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA dù có thay đổi tích cực nhưng còn nhiều dư địa phát triển, ví dụ như với Hiệp định CPTPP tỷ lệ tận dụng trong năm 2023 là 6,3%, EVFTA là 35,2%, UKVFTA là 32,4%.

Cánh cửa đã mở, nhưng không phải ai cũng bước qua được. Tại các diễn đàn thực thi các FTA trong thời qua, nhìn chung các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng đều đã chỉ ra 5 vấn đề then chốt khiến doanh nghiệp Việt chưa thể “lớn” lên cùng các hiệp định thương mại tự do.
Thứ nhất là về nguồn nguyên liệu. Đây có thể nói là vướng mắc hàng đầu đối với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường FTA, dù là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hay công nghiệp. Vướng mắc về nguyên liệu mà các doanh nghiệp phải đối mặt rất đa dạng từ chất lượng, giá thành cho đến nguồn gốc xuất xứ.
Thứ hai là thiếu thông tin thị trường, khách hàng và đơn hàng không ổn định. Thực tế cho thấy phần lớn các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp khó khăn trong việc kết nối thị trường, tìm kiếm đối tác và khách hàng tại thị trường nước ngoài. Ngay cả các doanh nghiệp lớn khi thị trường khó khăn (điển hình như năm 2023) cũng phải vật lộn, đấu tranh tìm kiếm đơn hàng để duy trì hoạt động.
Thứ ba là khó tiếp cận tín dụng và vốn vay. Việc tiếp cận nguồn vốn để mở rộng sản xuất và đầu tư vẫn là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Theo khảo sát của VCCI năm 2022, có đến 55,6% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng. Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cũng đánh giá có khoảng 70% DNVVN tại Việt Nam không thể hoặc rất khó tiếp cận được nguồn tài chính cần thiết.
Thứ tư là khó khăn trong đáp ứng tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu. Việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định của thị trường nhập khẩu đang là thách thức ngày càng lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản không chỉ yêu cầu sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm dịch nghiêm ngặt, mà còn đặt ra các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, giảm phát thải carbon, sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường.
Cuối cùng là xây dựng thương hiệu. Hiện nay, doanh nghiệp Việt chủ yếu tập trung vào sản xuất mà chưa đầu tư vào chiến lược xây dựng thương hiệu. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm Việt trên thị trường quốc tế, dù chất lượng sản phẩm không thua kém các đối thủ.

Để vượt qua 5 vướng mắc kể trên, theo chuyên gia từ Công ty Tư vấn Đầu tư và Tận dụng FTA (KTPC), các doanh nghiệp có thể thực hiện kết hợp nhiều giải pháp khác nhau. Về cơ bản, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp cần xác định được định hướng, trọng tâm thị trường và các FTA mà mình muốn tận dụng, từ đó xác định được cụ thể các giải pháp phù hợp để xử lý cho từng nhóm vấn đề.
Ví dụ, nếu doanh nghiệp xác định EU là thị trường trọng điểm thì vấn đề nguyên liệu đặt ra là gì (với EU nhiều khi chất lượng, giá cả chưa đủ mà còn phải nguồn gốc, quy trình làm ra…), kiếm khách hàng ở EU như thế nào, các nguồn tín dụng hỗ trợ sang EU ở đâu, quy định và tiêu chuẩn của mặt hàng xuất khẩu là gì rồi nếu muốn xây dựng thương hiệu lâu dài thì phải kết nối với đối tác nào v.v.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ nguồn lực để tự làm hết. “Chúng tôi gặp nhiều doanh nghiệp mất cả năm loay hoay với hồ sơ xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, rồi cuối cùng bỏ cuộc”, đại diện KTPC chia sẻ. Với đội ngũ chuyên gia từng tham gia đàm phán các FTA, KTPC đang hỗ trợ hàng trăm doanh nghiệp rút ngắn lộ trình, tiết kiệm thời gian và tối ưu hóa chi phí.
"Các FTA không tự tạo ra lợi ích – doanh nghiệp phải chủ động đi tìm và nắm lấy. Trong bối cảnh thế giới đang tái định hình chuỗi cung ứng, các FTA chính là đòn bẩy để doanh nghiệp Việt tham gia vào sân chơi toàn cầu. Nhưng nếu không chuẩn bị đủ kỹ lưỡng, doanh nghiệp rất dễ bị 'bật bãi' ngay từ vòng gửi xe" - Đại diện KTPC nhấn mạnh.