Nga bị loại khỏi SWIFT, đồng ruble thấp kỷ lục, USD tăng giá
Mỹ và phương Tây dồn dập áp lệnh trừng phạt lên Nga, đồng ruble của nước này sụt giảm tới gần 30% giá trị, xuống mức thấp kỷ lục. Tuy nhiên khi RUB trượt giá, thì đồng USD lại đang tăng mạnh giá trị và được nhiều nhà đầu tư tích trữ.
Theo dữ liệu của Factset, trong phiên giao dịch sáng 28/2, đồng ruble đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại so với đồng USD khi giảm 29% giá trị, xuống còn 119 ruble/1 USD.
Mới đây, Đức và các đồng minh phương Tây đã nhất trí đưa Nga ra khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), đồng thời hạn chế khả năng hỗ trợ đồng ruble của ngân hàng trung ương Nga.
Tuyên bố chung của các lãnh đạo Ủy ban châu Âu, Mỹ, Pháp, Đức, Italia, Anh, Canada cho biết, việc Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT sẽ khiến các ngân hàng của nước này "mất kết nối với hệ thống tài chính quốc tế và bị tổn hại năng lực hoạt động toàn cầu".
Nga cho tới nay vẫn phụ thuộc vào SWIFT để liên kết chặt chẽ với các tổ chức tài chính trên toàn cầu bởi hệ thống này kết nối hơn 11.000 ngân hàng tại hơn 200 quốc gia và có gần 32 triệu giao dịch mỗi ngày.
Theo giới phân tích, tình trạng đồng RUB trượt giá đã nằm trong kịch bản. Trong trường hợp giá trị đồng nội tệ vượt ngoài tầm kiểm soát, Ngân hàng Trung ương Nga có thể sớm tăng lãi suất và bán vàng.
“Nếu bán vàng, Nga sẽ giao dịch với những chính phủ có mối quan hệ thân thiện. Nhưng khả năng này đang thu hẹp dần. Với tôi, đồng RUB có thể chưa chạm đáy, không ngoại trừ khả năng tình hình sẽ chuyển biến tiêu cực”, Bipan Rai, chiến lược gia vĩ mô cấp cao tại CIBC Capital Markets, nhận xét.
Diễn biến giá của RUB cũng khiến nhiều người dân Nga lo lắng. Bất chấp tỉ giá hối đoái tại ngân hàng cao hơn 1/3 lần so với phiên đóng cửa hôm 25/2, người dân Nga vẫn quyết định xếp hàng dài ở các điểm rút và đổi tiền.
Tuy nhiên, trái ngược với sự sụt giảm chưa từng có trong tiền sử của đồng ruble. Giá trị đồng USD đang vượt trội so với hầu hết ngoại tệ trên thế giới. Xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục thúc đẩy nhu cầu dự trữ USD. Dự trữ tại các kho bạc Mỹ thời gian qua cũng tăng mạnh.
Trong Nhóm 10 đơn vị tiền tệ (G10 - nhóm tiền tệ phổ biến, có thanh khoản cao và được giao dịch nhiều nhất), đồng NOK của Na Uy và đồng SEK của Thụy Điển đã giảm 2%. Bên cạnh đó, nội tệ của Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ thuộc nhóm các thị trường mới nổi đang bị bán tháo gần đây.
“USD là vua, mang lại tính thanh khoản và trú ẩn an toàn. Khi khó khăn xuất hiện, bạn cần tìm chỗ ẩn nấp”, Rodrigo Catril, chiến lược gia tiền tệ tại National Australia Bank, cho biết.
Đồng USD đã tăng 0,6% vào ngày 28/2, mức tăng này trong tuần trước là 0,4%. Trước các động thái trừng phạt Nga của phương Tây, giới đầu tư đang đẩy mạnh hoạt động trú ẩn do áp lực lạm phát.
“Chúng ta vẫn đang ở trong những ngày đầu của cuộc khủng hoảng. Thị trường sẽ còn đối mặt với khoảng thời gian dài biến động. Bất kỳ rủi ro nào cũng có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn cho đến khi một giải pháp giải quyết khủng hoảng được đưa ra”, Win Thin, Trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ toàn cầu tại Brown Brothers Harriman & Co, nhận xét.
SWIFT quan trọng đối với Nga chủ yếu vì hệ thống này cho phép các công ty năng lượng của họ nhận tiền bán dầu và khí đốt trên toàn thế giới. Cùng với các đợt trừng phạt trước đó được phương Tây áp lên nhiều ngân hàng Nga, việc bị loại khỏi SWIFT khiến các công ty xuất khẩu của nước này gần như không thể giao thương với quốc tế.
Ngoài việc ngắt Nga khỏi SWIFT, những cá nhân và thể chế tại Nga và các nước khác ủng hộ Moscow trong cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine cũng được điểm mặt trong danh sách trừng phạt của Mỹ và châu Âu.