Nga biến dự trữ đồng USD trong kho về 0

Moscow đã hoàn toàn loại bỏ đồng USD khỏi kho dự trữ ngoại hối của mình như một động thái cho thấy sẵn sàng ứng phó với mọi trừng phạt Mỹ.

Hôm 7/7, Bộ Tài chính Nga ra thông báo cho hay, nước này đã loại bỏ đồng tiền của Mỹ khỏi Quỹ Tài sản Quốc gia của mình.

Nga đưa dự trữ USD trong kho ngoại hối về mức 0.  
Nga đưa dự trữ USD trong kho ngoại hối về mức 0.  
 

Thay vào đó, tỷ trọng của đồng euro, đồng nhân dân tệ và dự trữ vàng trong kho đã tăng lên.

Cụ thể, tỷ trọng USD trong quỹ giảm từ 35% xuống 0, trong khi tỷ trọng của đồng bảng Anh giảm xuống còn 5%. Tỷ trọng của đồng euro và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc lần lượt tăng lên 39,7% và 30,4%. Theo tuyên bố chính thức của Bộ Tài chính, tỷ trọng của đồng yen Nhật ở mức 4,7% và tỷ trọng của vàng là 20,2%.

“Các hoạt động chuyển đổi này được thực hiện với các khoản tiền ngoại tệ của Quỹ Tài sản Quốc gia thuộc Ngân hàng Trung ương Nga kể từ ngày 1/7/2021, cũng như với các quỹ ngân sách liên bang bằng ngoại tệ tương đương 31,6 tỷ rúp” - tuyên bố nêu rõ.

Bộ Tài chính Nga chỉ ra rằng, đồng nhân dân tệ và đồng euro được coi là một sự thay thế cho đồng USD "như đồng tiền của các đối tác kinh tế nước ngoài hàng đầu của Nga", trong khi vàng được coi là "tài sản có khả năng bảo vệ các khoản đầu tư của Quỹ Tài sản Quốc gia khỏi rủi ro lạm phát".

Cơ quan này giải thích, các bước đi mới nhất là nhằm "đảm bảo sự an toàn của các Quỹ Tài sản Quốc gia trong bối cảnh kinh tế vĩ mô và xu hướng địa chính trị trong những năm gần đây, và các quyết định nhằm phi USD hóa nền kinh tế Nga".

Một trong những mục tiêu của việc này là Moscow có thể ứng phó với các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và giao dịch không sử dụng đồng USD.

Động thái đưa dự trữ USD về mức 0 cũng cho thấy sự đề phòng của Moscow trước khả năng áp đặt các lệnh trừng phạt mới trong tương lai của Mỹ. Bất chấp các tín hiệu cải thiện quan hệ song phương thì Mỹ vẫn phát đi những khả năng trừng phạt Nga. Điều này buộc Moscow phải có sự phòng vệ.

Thứ trưởng Ngoại giao Alexander Pankin từng giải thích về quyết định giảm dự trữ bằng đồng USD là do căng thẳng chính trị giữa Washington và các quốc gia khác đang làm xói mòn niềm tin vào đồng bạc xanh trên toàn cầu.

Ông Pankin nói rằng các biện pháp trừng phạt và chính sách kinh tế không thể đoán trước của Mỹ đã đặt ra câu hỏi về độ tin cậy và sự tiện lợi của việc sử dụng đồng tiền Mỹ làm đồng tiền ưu tiên của các giao dịch.

Do đó, các quốc gia hiện đang ở trong thế "buộc phải thực hiện các biện pháp chống lại nguy cơ thiệt hại kinh tế và giao dịch bị gián đoạn”. Việc từ chối đồng USD chính là do bản thân Mỹ gây ra.

Việc sử dụng các loại tiền tệ khác, ngoài đồng USD trong thương mại ngày càng trở nên thuận tiện trong chương trình nghị sự quốc tế cũng bởi do chính sách yêu thích trừng phạt kinh tế mà Mỹ gây ra.

Hải Lâm

Theo Đất Việt