Ngậm ngùi cắt lỗ căn hộ vì lựa chọn sai thị trường đầu tư

(CL&CS)-Giữa năm 2019, anh Phan Đình Tuấn (TP.HCM) xuống tiền đầu tư vào 2 căn hộ chung cư cùng vài người bạn với kỳ vọng sẽ thu được khoản lợi nhuận rủng rỉnh, thế nhưng thực tế thì không “chiều lòng người” như anh kỳ vọng vì chọn sai thời điểm, sai thị trường.

Ngậm ngùi cắt lỗ căn hộ vì lựa chọn sai thị trường đầu tư - Ảnh 1

Định lướt sóng nhưng sóng “tắt”

Anh Tuấn cho biết, vào thời điểm quyết định “giải ngân” vào 2 căn hộ chung cư tại TP.Cần Thơ hồi năm 2019, anh và bạn xác định chiến lược đầu tư là “đánh nhanh rút gọn”. Số tiền “rót” vào 2 căn hộ chung cư này là 4,6 tỷ đồng, 1 căn 2,1 tỷ đồng; 1 căn 2,5 tỷ đồng. Anh Tuấn và bạn đã có sẵn 50% (2,3 tỷ đồng) nên chỉ cần vay ngân hàng thêm 2,3 tỷ đồng nữa.

“Thời điểm đó, thị trường bất động sản rất sôi động, nhu cầu lớn, giao dịch mua đi bán lại tương đối dễ dàng, vay vốn ngân hàng cũng thuận lợi. Chúng tôi tính toán chỉ cần khoảng 3 tháng là có thể bán, chốt lời 10 - 20% nhẹ nhàng rồi nhanh chóng đi ‘săn hàng’ mới”, anh Tuấn nhớ lại.

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa đủ cả nên anh Tuấn và bạn rất tự tin vào khả năng thắng lợi ở khoản đầu tư của mình. Tuy nhiên, điều mà anh không thể lường trước được là vào cuối năm 2019, đại dịch Covid-19 xuất hiện và nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu khiến nền kinh tế thế giới “tắc nghẽn”. 

Trong đó, bất động sản là một trong những lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng nhất khi các công trường xây dựng dừng lại, nguồn cung và thanh khoản “lao dốc”, giao dịch bất động sản “đóng băng” khiến mọi kế hoạch đã tính toán trước của anh Tuấn đi chệch hướng hoàn toàn.

Suốt 2 năm đại dịch, anh Tuấn không ngừng đăng tin rao bán 2 căn hộ chung cư của mình nhưng không “thoát” được hàng, anh và bạn lâm vào tình thế vô cùng khó khăn.

“Dịch bệnh khiến công việc của chúng tôi bị ảnh hưởng không ít, tài chính cũng không được dư dả như trước. Chúng tôi vừa phải xoay xở đủ cách để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống khi thu nhập, vừa phải ‘gánh’ cục nợ ngân hàng. Nhiều đồng nghiệp của tôi, người thì ‘cắn răng’ bán cắt lỗ, người thì cố gắng ‘gồng’ qua thời kỳ dịch bệnh và chờ đợi thị trường hồi phục”, anh Tuấn chia sẻ.

Giữa anh Tuấn và bạn cũng nảy sinh mâu thuẫn. Anh Tuấn thì mong muốn mau chóng “thoát” hàng và thu hồi vốn để giải quyết “gánh nặng” nợ ngân hàng, còn bạn của anh muốn giữ hàng để chờ thị trường tạo lập chu kỳ mới rồi mới bán chứ không muốn cắt lỗ. Sau khi bàn bạc, cân đo đong đếm lợi - hại, cả hai đi đến quyết định bán cắt lỗ.

“2 tháng trước chúng tôi đã bán thành công 1 căn với khoản lỗ chấp nhận được. Căn còn lại chúng tôi vẫn đang tiếp tục rao bán, cũng có một số khách hàng hỏi mua, hầu hết trả giá thấp hơn giá mua ban đầu nên chúng tôi đang cân nhắc mức giá nào ít lỗ nhất. Nhìn chung tình hình đã tích cực hơn trước, chúng tôi như trút được gánh nặng”, anh Tuấn nói.

Chọn sai thị trường đầu tư

Nhìn lại thất bại trong việc đầu tư của mình, anh Tuấn cho rằng, mình đã đưa ra 2 lựa chọn sai lầm. Thứ nhất là chọn sai thời điểm đầu tư, nhưng “việc đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu là yếu tố bất khả kháng, không thể làm gì được”. Thứ hai là chọn sai thị trường đầu tư. Theo anh Tuấn, đây mới chính là sai lầm lớn nhất trong khoản đầu tư này.

“Cá nhân tôi cho rằng, việc lựa chọn thị trường đề đầu tư là rất quan trọng. Thị trường bất động sản không sốt nóng trên cả nước mà chỉ tập trung tại một số tỉnh thành có tốc độ phát triển cao, mật độ dân số và thu nhập của người dân cao, cơ sở hạ tầng đồng bộ và bài bản thuận tiện cho phát triển kinh tế xã hội… chỉ khi thỏa mãn các điều kiện này thì đầu tư có tỷ lệ thành công cao. Nếu không thì triển vọng tăng giá không khả quan vì nhu cầu cũng như lượng giao dịch thấp”.

Anh Tuấn phân tích, Cần Thơ là địa phương “đất rộng, người thưa”. Do đó, người dân sống ở đây chuộng nhà mặt đất gần vườn tược, không gian thoáng dẫn, gần gũi thiên nhiên hơn là dọn về sống tại các căn hộ chung cư không gian “bí bách” hơn nhiều. Đây là “chướng ngại vật” lớn trong việc tìm đầu ra cho phân khúc căn hộ chung cư.

Ngoài ra, theo anh Tuấn, một sai lầm nữa mà anh và bạn mình phạm phải trong thương vụ đầu tư này là phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng trong khi nguồn vốn dài hạn không vững. Khi “sóng tắt”, thị trường không đi theo kế hoạch, các khoản vay trở thành gánh nặng.

“Không chuẩn bị đủ nguồn vốn dài hạn, vay khá nhiều nên khi tình hình thị trường khó khăn kéo dài, chúng tôi không chịu nổi lãi vay ngân hàng, đành phải bán cắt lỗ trước khi thị trường kịp phục hồi và ổn định trở lại”, anh Tuấn nói.

Theo Chất lượng và Cuộc sống