Ngân hàng liên tục báo lãi: Có thực không?
TS Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ băn khoăn về việc các ngân hàng liên tục báo lãi lớn trong khi kinh tế đình trệ, doanh nghiệp giải thể gia tăng.
Trao đổi trên Tạp chí Nhà đầu tư, chuyên gia tài chính-ngân hàng - TS Nguyễn Trí Hiếu đã đề cập đến bức tranh lợi nhuận của ngân hàng.
Theo đó, trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021, các ngân hàng vẫn báo lãi lớn. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, trước sự khác biệt trong giảm lãi suất, cũng như tăng trưởng tín dụng, huy động sẽ có sự phân hoá trong lợi nhuận ngân hàng nửa cuối năm 2021.
Trên khía cạnh sổ sách, lợi nhuận ngân hàng vẫn sẽ tăng nhưng sẽ không tăng mạnh như 6 tháng đầu năm. Nguyên nhân phần lớn đến từ tín dụng vẫn tăng trưởng, cùng với đó là việc giãn thời gian trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 03 và thông tư bổ sung Thông tư 03 đang được NHNN thiết kế.
"Tuy nhiên, nếu nhìn trên thực tế, chúng ta sẽ thấy hình ảnh bức tranh lợi nhuận ngân hàng "ảm đạm" hơn nhiều. Tôi thực sự băn khoăn, tại sao trong điều kiện nền kinh tế đình trệ, doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động không ngừng gia tăng mà các ngân hàng vẫn liên tục báo lãi lớn? Số lãi đó liệu có thực? Và nếu nó là thực thì quả là nghịch lý.
Ngân hàng kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận dựa trên sự tăng trưởng của nền kinh tế, sự phát triển của doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, khi rất nhiều thành phố lớn "đóng băng" (những thành phố này đóng góp tỷ trọng đa số trong GDP), mà các ngân hàng vẫn có những con số đẹp trên báo cáo tài chính thì cần xem lại cách hạch toán nợ xấu, lãi dự thu trong khoảng 1 năm trở lại đây", TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích, đồng thời cho rằng, lợi nhuận thực của các ngân hàng thấp hơn nhiều so với những con số trên sổ sách.
"Khi cả nền kinh tế lao đao, doanh nghiệp ngừng hoạt động, ngân hàng không thể báo lãi mãi được", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 10-12% cả năm 2021 là không quá khó, tuy nhiên, vị chuyên gia lưu ý, điều đáng quan tâm hơn cả thời điểm hiện tại, không phải là con số chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là tín dụng thực sự đang chảy về đâu và bao nhiêu trong số đó đang chịu tác động bởi dịch bệnh COVID-19?
"Cần có những thống kê tổng quát và chính thống từ phía NHNN về những doanh nghiệp đang có dư nợ ngân hàng chịu tác động bởi dịch bệnh. Cũng như cần những con số tổng hợp về số dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh là bao nhiêu để từ đó dự liệu được những tác động lên toàn ngành cả năm 2021 và những năm tiếp tới.
NHNN cũng nên xem xét lại về các cam kết giảm lãi suất hay đồng hành cùng doanh nghiệp của các ngân hàng. Có thể các ngân hàng không dám tăng lãi suất nhưng việc giảm lãi suất sẽ có sự khác biệt trong các nhóm ngân hàng.
Nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước sẽ buộc phải giảm lãi suất cho vay để thực hiện chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, cũng không phải tất cả các đối tượng có dư nợ đều được thụ hưởng mà chỉ là một số nhóm. Còn về phía các NHTM tư nhân thì để giảm lãi suất không hề đơn giản vì còn phụ thuộc vào lãi suất huy động, cân đối vốn.
Trên thực tế, do tác động của đại dịch COVID-19, nhiều người dân buộc phải rút tiền tiết kiệm ra sinh sống, doanh nghiệp cũng phải rút tiền ra để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh vay ngân hàng khó khăn hơn. Tính đến tháng 6/2021, huy động vốn ngân hàng chỉ tăng 3,13% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4,35%), trong khi tăng trưởng tín dụng là 5,47% cho thấy sự bất cân xứng. Không sớm thì muộn các ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất huy động để hút tiền gửi trở lại.
Tính tới cuối tháng 6, tổng số tiền 27 ngân hàng niêm yết tiền gửi của các ngân hàng tại NHNN đã giảm 10% so với đầu năm, xuống mức 308.662 tỷ đồng, tương đương khoảng 4% tổng số tiền gửi huy động khách hàng, cho thấy dòng tiền nhàn rỗi tại các nhà bằng cũng đang cạn dần", ông Hiếu phân tích.
Theo thống kê của FiinGroup, tính đến ngày 31/7, 26 ngân hàng thương mại (chiếm 99,5% vốn hóa ngành) đã công bố kết quả kinh doanh, hoặc ước tính cho quý II/2021. Thời gian dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 gần như kéo dài hết quý II nhưng các ngân hàng vẫn có thu nhập từ hoạt động kinh doanh duy trì tăng mạnh.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 4.938 tỷ đồng, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân sụt giảm chủ yếu do phải trích lập dự phòng rủi ro và chi phí hoạt động tăng mạnh.
Tương tự, Vietinbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 2.800 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước, và chỉ bằng 56% so với dự kiến đề ra. BIDV ngược lại với 2 ngân hàng lớn trên, lợi nhuận tăng tới 86% trong quý II, đạt 4.726 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Vietinbank là 11.536 tỷ đồng, còn BIDV đạt 8.122 tỷ đồng.
Khối ngân hàng tư nhân có Techcombank, VPBank vượt mặt 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Quý II, Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 6.000 tỷ đồng, VPBank 5.031 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, hai nhà băng này đạt lợi nhuận lần lượt 11.536 tỷ đồng và 9.037 tỷ đồng. Techcombank vươn lên vị trí thứ 2, VPBank đứng thứ 4.
Tính chung 6 tháng đầu năm, Saigonbank là ngân hàng đầu tiên công bố hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Lợi nhuận trước thuế lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 137 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành xong kế hoạch cả năm. Đây cũng là ngân hàng cổ phần đầu tiên, tuy nhiên đến nay vốn điều lệ lại khiêm tốn nhất hệ thống, 3.080 tỷ đồng.
Một số ngân hàng cổ phần nhỏ và ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng 3-5 lần, như Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam MSB (3.119 tỷ đồng), lần đầu lọt nhóm 10 nhà băng dẫn đầu lợi nhuận toàn ngành. Nhóm 10 ngân hàng lãi lớn, còn có Ngân hàng TMCP Quân đội MBBank (7.986 tỷ đồng), Ngân hàng TPCM Á Châu ACB (6.352 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM HDBank (4.193 tỷ đồng), Ngân hàng Quốc tế VIB (3.954 tỷ đồng).
Theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Ngân hàng ACB (ACBS) thời gian qua, các ngân hàng tư nhân có thể tăng trưởng lợi nhuận cao hơn nhóm quốc doanh, do nhóm 4 ngân hàng thương mại cổ phần lớn chịu áp lực giảm lãi suất cho vay, giảm lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp. Đáng chú ý, dịch bệnh khiến lãi suất huy động, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng, qua đó giúp biên độ lãi ròng (NIM) cải thiện, và lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng mạnh mẽ.
Ngoài ra, lợi nhuận ngân hàng đang được tạm tính trên cả các khoản dự thu của khách hàng. Nếu khách hàng không trả được nợ thì ngân hàng phải thoái thu, lúc đó sẽ không được ghi nhận vào lợi nhuận nữa, ACBS dự báo.