Loạt ngân hàng báo lãi 'khủng' trong 6 tháng đầu năm: Mừng và lo...
6 tháng đầu năm 2021, loạt ngân hàng như MB, Techcombank, Nam A Bank, ABBank,... báo lãi khủng. Tuy nhiên chất lượng tài sản lại có dấu hiệu suy giảm khi nợ xấu và lãi dự thu của ngân hàng tăng nhanh.
Lãi dự thu tăng tại MB, Techcombank
Thời gian qua, báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021 của nhiều ngân hàng đã hé lộ những khoản lãi dự thu – là nguồn thu lãi trong tương lai mà một số chuyên gia nhận định là nguồn ghi nhận "lãi ảo" trên sổ sách, không phản ánh đúng lợi nhuận từ kinh doanh bắt đầu có dấu hiệu tăng.
Cụ thể, tại ngân hàng MB, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm tăng 56% so với cùng kỳ, đạt hơn 7.986 tỷ đồng; lãi sau thuế tăng 53%, đạt gần 6.397 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế cổ đông ngân hàng mẹ tăng 55% đạt gần 6.149 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trên bảng cân đối kế toán, tính đến 30/6/2021 khoản mục lãi thu tại MB (lãi dự thu) tăng 20% so với đầu năm, lên mức 4.554 tỷ đồng. Tỷ lệ lãi, phí phải thu/tổng tài sản theo đó đã tăng từ 0,76% hồi đầu năm lên gần 1%.
Các khoản phải thu tại MB cũng tăng 16,6%, lên gần 21.000 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, ngân hàng này đã nâng dự phòng rủi ro tăng 28% so với cùng kỳ, trích lập hơn 4.240 tỷ đồng để đối phó với nợ xấu.
Tương tự, tại Techcombank báo lãi trước thuế 6 tháng đầu năm tăng 71% so với cùng kỳ, đạt hơn 11.536 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 73%, ghi nhận hơn 9.283 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại thời điểm 30/6/2021 các khoản phải thu tăng 42,4%, lên gần 23.500 tỷ đồng; lãi dự thu tại Techcombank cũng tăng 10%, ghi nhận 5.736 tỷ đồng; chi phí dự phòng tại Techcombank cũng tăng 20% lên mức 1.211 tỷ đồng.
Một số ngân hàng quy mô nhỏ cũng ghi nhận lợi nhuận khủng song lãi dự thu tăng nhanh.
Cụ thể, tại Saigonbank 6 tháng đầu năm đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trong năm 2021 với lãi trước và sau thuế nửa đầu năm tăng 9%, đạt gần 137 tỷ đồng và hơn 109 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi dự thu tại Saigonbank tăng 26% lên mức 244 tỷ đồng. Trong kỳ, ngân hàng này đã phải tăng dự phòng rủi ro gấp 5,1 lần.
Tương tự, lợi nhuận tại Viet Capital Bank tăng trưởng ấn tượng nhờ thu nhập lãi thuần và tăng trưởng của mảng dịch vụ. Do đó, 6 tháng đầu năm, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận sau thuê tăng gấp 5,4 lần cùng kỳ, đạt gần 270 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tính đến 30/6/2021 lãi dự thu tại Viet Capital Bank tăng nhẹ 7,5% so với đầu năm, lên mức gần 1.003 tỷ đồng. Như vậy, lãi dự thu cao gấp 3,7 lần lợi nhuận sau thuế.
Về lý thuyết, lãi dự thu là khoản lãi mà ngân hàng dự kiến thu được trong tương lai từ các tài sản sinh lời, trong đó bao gồm cho vay khách hàng. Dù ngân hàng chưa thu được tiền thật từ khoản này, nhưng vẫn được ghi nhận vào vào kết quả hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, khi tỷ lệ này quá lớn, hoặc tăng quá nhanh và đặc biệt là cô đặc trong một khoảng thời gian dài thì dễ trở thành một dấu hiệu cảnh báo về chất lượng tài sản, nợ xấu tiềm ẩn cũng như chất lượng lợi nhuận của nhà băng. Do đó, lãi dự thu có liên quan mật thiết đến lợi nhuận, tăng trưởng tín dụng và cả nợ xấu thực.
Theo nguyên tắc thận trọng thì ngân hàng chỉ tính lãi dự thu cho nợ nhóm 1. Bởi các khoản nợ khi bắt đầu chuyển sang nhóm 2 trở đi sẽ xuất hiện rủi ro về khả năng thu hồi. Do đó, ngân hàng phải ngưng dự thu lãi nếu nợ đó quá hạn 10 ngày, hay bắt đầu chuyển sang nợ nhóm 2.
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ngân hàng nào cũng tuân thủ đúng theo nguyên tắc này. Họ không thực hiện chuyển nhóm nợ đối với những khoản thu quá hạn, không thoái lãi dự thu đối với các trường hợp khó có khả năng thu hồi, từ đó, làm tăng lãi ảo, đồng thời, con số nợ xấu không được thể hiện một cách chính xác và cụ thể trên báo cáo tài chính.
Lãi dự thu và nợ xấu đều tăng ở Nam A Bank, ABBank
Đáng chú ý, tính đến 30/6/2021, nhiều ngân hàng ghi nhận lãi dự thu cùng nợ xấu đều tăng so với đầu năm.
Đơn cử, tại ABBank báo lãi trước và sau thuế 6 tháng tăng lần lượt 88% và 90% so với cùng kỳ, ghi nhận hơn 1.191 tỷ đồng và gần 953 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến cuối quý 2/2021 lãi dự thu tại ABBank tăng 26% so với đầu năm, ghi nhận gần 979 tỷ đồng, cao hơn cả lãi sau thuế.
Tổng nợ xấu tại ABBank cũng tăng 18% so với đầu năm, lên gần 1.557 tỷ dồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất 90% lên mức 396 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn tăng 39% hơn 866 tỷ đồng. Kết quả kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 2,09% hồi đầu năm lên 2,32%.
Cùng hoàn cảnh, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận Nam A Bank gấp 5,4 lần cùng kỳ khi ghi nhận gần 1.074 tỷ đồng lãi trước thuế và gần 858 tỷ đồng lãi sau thuế.
Tuy nhiên, lãi dự thu tại Nam A Bank bất ngờ tăng 22% so với đầu năm, lên mức gần 3.212 tỷ đồng, cao gấp 3,7 lần lãi sau thuế. Nợ xấu tuyệt đối của Nam A Bank tăng mạnh so với đầu năm, lên mức 1.362 tỷ đồng, tương đương tăng 83%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng gấp 2,3 lần đầu năm, lên mức gần 1.053 tỷ đồng; nợ nghi ngờ tăng 54% lên gần 211 tỷ đồng. Kết quả, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,83% lên 1,42%.
Hay tại TPBank, tuy báo lãi trước và sau thuế đều tăng 48% so với nửa đầu năm 2020, đạt gần 3.007 tỷ đồng và 2.407 tỷ đồng. Thế nhưng, lãi dự thu tại TPBank tăng nhẹ 3% so với đầu năm, ghi nhận 1.733 tỷ đồng. Nợ xấu cũng tăng 7% lên mức 1.519 tỷ đồng.
Trong đó, nợ có khả năng mất vốn giảm 30% về mức 300 tỷ đồng nhưng nợ dưới tiêu chuẩn lại tăng 32%,lên 871 tỷ đồng và nợ nghi ngờ tăng 5% lên gần 348 tỷ đồng.
Ngoài TPBank, Nam A Bank, nợ xấu tại MSB cũng tăng 18% so với đầu năm, chiếm gần 1.845 tỷ đồng. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng 47% lên 578 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 13% lên mức gần 977 tỷ đồng. Do đó, léo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tăng từ mức 1,96% lên 2,02%.
Đồng thời, lãi dự thu tại MSB cũng tăng nhẹ 3% so với đầu năm, lên mức 2.731 tỷ đồng. Được biết, 6 tháng đầu năm, MSB ghi nhận hơn 3.119 tỷ đồng lãi trước thuế và gần 2.479 tỷ đồng lãi sau thuế, cùng gấp 3,2 lần cùng kỳ năm trước.
Không chỉ nợ xấu ở các ngân hàng đang tăng lên, mà ngay tại Công ty Trách nhiệm hữu hạng một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) việc xử lý nợ xấu, tốc độ thu nợ chậm.
Theo các chuyên gia, nợ xấu tại nhiều ngân hàng sẽ tiếp tục tăng mạnh khi hết thời hạn giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.