Ngân hàng cần giảm thêm lãi suất cho vay

Nhiều ngân hàng đã tung ra các gói vay ưu đãi, hạ lãi vay cơ sở nhằm giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, lãi vay hiện vẫn cao, chưa giảm tương xứng với lãi suất huy động. Để thúc đẩy doanh nghiệp, người dân vay vốn, ngân hàng cần hạ lãi vay hơn nữa.

Ngân hàng cần giảm thêm lãi suất cho vay - Ảnh 1

Ngân hàng đua nhau tung gói vay ưu đãi, hạ lãi vay cơ sở

Gần đây, nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, áp dụng với cả khách hàng hiện hữu và cả dư nợ mới.

Mới đây nhất, ngày 8/3, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) thực hiện giảm lãi suất cho vay từ 1,5-2%/năm, đồng thời đưa ra thị trường những giải pháp vay mới với lãi suất ưu đãi dành cho cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, đến cuối tháng 2/2023, tổng cộng đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân; lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới giảm khoảng 0,43%/năm so với cuối năm 2022.

Như vậy, đến nay, có 23 ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay.

Không chỉ giảm lãi vay cho khách hàng hiện hữu, các ngân hàng đang triển khai hàng loạt gói vay mới với lãi suất ưu đãi.

Đơn cử, ACB từ 23/2 bắt đầu áp dụng gói tín dụng 20.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp với mức giảm từ 1-3%/năm.

BIDV cũng vừa đưa ra 2 gói tín dụng 100.000 nghìn tỷ đồng và 30.000 nghìn tỷ đồng với lãi suất từ 8-10,9% để hỗ trợ khách hàng vay vốn sản xuất kinh doanh. 

Tương tự, VPBank vừa dành ra 7.000 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí cả doanh nghiệp siêu nhỏ. Mức lãi vay sẽ được giảm từ 0,5-1,5%/năm

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng mới công bố triển khai chương trình giảm lãi suất cho vay khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ đồng/năm với lãi suất ưu đãi giảm đến 1%.

Một gói ưu đãi có tổng giá trị khoảng 3.000 tỷ đồng với mức giảm lãi suất cho vay tối đa 1% vừa được SeABank triển khai nhằm hỗ trợ các cá nhân, hộ kinh doanh, cơ sở kinh doanh có nhu cầu vay vốn ngắn hạn tối đa 12 tháng.

Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng dành khoảng 25.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với lãi suất cho vay ngắn hạn từ 8-12%/năm với mục tiêu triển khai vốn tín dụng hướng đến những nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ trong năm 2023.

Agribank có chương trình giảm 3%/năm cho khách hàng có dư nợ kinh doanh bất động sản gặp khó khăn. VietinBank đang triển khai gói 100.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng vay vốn với lãi suất chỉ từ 7,1%/năm. Techcombank cũng có chương trình giảm lãi suất 2% cho các khách hàng hiện hữu, với giá trị 30.000 tỷ đồng.

Bên cạnh các gói hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, hàng loạt ngân hàng còn điều chỉnh giảm lãi suất cơ sở để tính lãi suất cho vay.

Lãi suất cơ sở là dấu mốc để ngân hàng tính lãi suất cho vay. Thông thường, các ngân hàng sẽ tính lãi suất cho vay theo công thức lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ 3-4%. Như vậy, nếu lãi suất cơ sở giảm thì lãi suất cho vay sẽ hạ.

Chẳng hạn, tại Sacombank, lãi suất cơ sở cao nhất đối với các khoản vay trung và dài hạn của khách hàng cá nhân giảm từ mức 10,4% xuống còn 10%/năm, áp dụng từ ngày 6/3.

Tại Techcombank, từ ngày 9/3/2023, lãi suất cơ sở đối với các gói vay của khách hàng doanh nghiệp có kỳ hạn 1-12 tháng áp dụng ở mức 10,23-11,53%/năm, trước đó là 10,25-10,85%/năm. 

Lãi suất cơ sở tại SeABank đối với các khoản vay giải ngân và ký hợp đồng tín dụng, khế ước nhận nợ của khách hàng cá nhân giảm 1% xuống 11%/năm

SHB cũng mới áp dụng lãi suất cơ sở từ 10,7-11%/năm đối với các khoản tín dụng của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp có kỳ hạn dưới 12 tháng.

Lãi suất cho vay cần giảm hơn nữa

Ngân hàng cần giảm thêm lãi suất cho vay - Ảnh 2


Tại một cuộc họp mới đây, NHNN yêu cầu hệ thống các ngân hàng giảm lãi suất huy động từ ngày 6/3. Ngay từ đầu tháng 3, nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất tiền gửi với mức giảm từ 0,2-0,5%/năm.

Theo giới chuyên gia, việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các ngân hàng giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Động thái tích cực này được đánh giá sẽ giúp các doanh nghiệp, cá nhân giảm được chi phí “giá vốn” và dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn hơn.

Liên quan đến chuyện tiếp cận vốn vay, NHNN vừa có văn bản yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố và các ngân hàng thương mại có các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong vay vốn cho người dân, doanh nghiệp; phải tổ chức đối thoại trực tiếp để tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp ngay trong tháng 2 này; đặc biệt là phải nắm rõ nguyên nhân các doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay ở ngân hàng nào, do doanh nghiệp không đủ điều kiện hay ngân hàng không cho vay.

Giới phân tích nhận định, mặc dù lãi suất huy động đã giảm trên diện rộng nhưng lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng. Lãi suất tiền gửi huy động cao mà không cho vay được thì sẽ không thu được lợi nhuận. Vì vậy, lãi suất cho vay cần giảm thêm để thúc đẩy người dân, doanh nghiệp vay vốn.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu đang gặp khó khăn về nguồn vốn, nhất là lãi suất đi vay. Lãi suất cao đã đẩy giá thành lên mặt bằng giá mới, hơn nữa sẽ giảm sức cạnh tranh khi xuất khẩu vào các nước.

Lãi suất quá cao sẽ làm tăng chi phí đầu vào, doanh nghiệp gặp khó trong triển khai mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng, hạn chế mở rộng kinh doanh khiến nhu cầu vay vốn thấp.

Theo nhóm phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam, dù lãi suất huy động đã giảm ít nhiều, nhưng lãi suất cho vay sẽ có độ trễ nhất định vì phụ thuộc vào cung cầu vốn. Ngoài ra, lãi suất cho vay còn phụ thuộc vào nhu cầu của các ngân hàng khi thấy rủi ro tín dụng cao, có thể họ yêu cầu NIM chênh lệch huy động cao để có dư địa, sau đó trích lập dự phòng.

Để giảm lãi suất cho vay trở thành xu hướng và trên diện rộng, Công ty chứng khoán KB Việt Nam cho rằng ngành ngân hàng cần triển khai đồng bộ các giải pháp để kéo mặt bằng lãi suất cho vay về quanh khoảng 10%/năm mới hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp và nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn tác động cả ở thị trường trong nước lẫn quốc tế.

Mai Anh

VietnamFinance