Ngân hàng nào có nợ nhóm 5 tăng mạnh nhất trong quý 1/2021?
Tính đến 31/3/2021, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng đáng kể tại nhiều ngân hàng như ACB, MB, Eximbank, MSB,...Trong đó, nợ nhóm 5 tại BIDV vẫn lớn nhất hệ thống ngân hàng.
Nợ nhóm 5 tại ACB tăng mạnh nhất, BIDV vẫn lớn nhất hệ thống ngân hàng
Theo thống kê từ báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý 1/2021 của 26 ngân hàng, tổng dư nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5 – nhóm nợ nguy hiểm nhất) đến thời điểm 31/3/2021 ở mức hơn 48.322 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với đầu năm.
Trong đó, BIDV tiếp tục là ngân hàng có nợ nhóm 5 cao nhất hệ thống với 16.573 tỷ đồng. Tiếp đến là Vietinbank với 5.626 tỷ đồng; thứ 3 thuộc về Vietcombank với 4.450 tỷ đồng; khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, nợ nhóm 5 tại Sacombank lớn nhất với 4.315 tỷ đồng. Tiếp đến là SHB với 3.649 tỷ đồng.
Tính đến 31/3/2021, ACB là ngân hàng có nợ nhóm 5 tăng mạnh nhất, tăng 53% so với đầu năm, lên 1.858 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ cần chú ý tại nhà băng này tăng mạnh 78% lên 1.026 tỷ đồng.
Đến cuối quý 1/2021, tổng nợ xấu tại ACB tăng mạnh 61% lên 2.954 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 40%, nợ nghi ngờ tăng 94%. Kết quả, lần đầu tiên sau nhiều quý, tỷ lệ nợ xấu của ACB lên gần 1% từ mức 0,59% cuối 2020.
Trong báo cáo phân tích mới đây, SSI Research cho biết ACB đã chủ động phân loại lại nợ của một khách hàng doanh nghiệp lớn có thể gặp khó khăn trong tương lai. Ngoài ra, ACB cũng dự báo có thể cần hơn 2 năm để xử lý tài sản thế chấp liên quan, do đó ngân hàng đã trích lập dự phòng đầy đủ đối với khoản cho vay này (giả định tài sản đảm bảo bằng 0).
Tại ‘ông lớn’ Vietcombank, do ‘nhẹ tay’ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, tính đến 31/3/2021, tổng nợ xấu đã tăng lên 47% so với đầu năm, ghi nhận hơn 7.697 tỷ đồng.
Trong đó, tăng mạnh nhất là nợ nghi ngờ, gấp gần 9 lần so với đầu năm, ghi nhận 1.935 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn cũng tăng vọt 96%, lên mức gần 1.312 tỷ đồng; nợ nhóm 5 tại Vietcombank tăng nhẹ 3% lên mức 4.450 tỷ đồng. Kết quả, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay từ 0,62% hồi đầu năm lên 0,88%.
Ngoài ra, một số ngân hàng có nợ nhóm 5 tăng trong quý đầu năm 2021 như Eximbank tăng 11% lên mức 2.098 tỷ đồng; MSB và OCB tăng 8% ghi nhận 940 tỷ đồng và 752 tỷ đồng; MB cũng tăng 7% ở mức 1.478 tỷ đồng; Nam A Bank tăng 5%;…
Chỉ có 11 ngân hàng trong nhóm khảo sát ghi nhận nợ nhóm 5 giảm gồm Vietinbank, VPBank, Techcombank, SHB, Sacombank, Seabank, ABBank, BacABank, VietBank, KienLongBank, PGBank.
Khó khăn của Covid-19 đã bắt đầu "ngấm" dần?
Các chuyên gia tài chính cho rằng, nợ xấu bắt đầu tăng tại một số ngân hàng, cũng phản ánh bước chuyển nhóm nợ đã bắt đầu có sự dịch chuyển theo quy định của Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Rất có thể các ngân hàng sẽ "phân bổ" nợ xấu theo hướng chuyển nhóm dần trong năm để có tỷ trọng vừa đúng thực tế, vừa khớp quy định phân loại và trích lập cho các nhóm nợ.
Hơn thế, các số liệu này cũng phản ánh rõ khó khăn của Covid-19 đã bắt đầu "ngấm" dần đến nhiều doanh nghiệp, các chủ thể vay.
"Thông tư 03/2021/TT-NHNN cho phép ngân hàng kéo giãn lộ trình trích lập dự phòng xử lý nợ xấu 3 năm là một quyết định chính xác để các ngân hàng lẫn doanh nghiệp dễ thở hơn. Nhưng với tác động của đợt COVID-19 mới, nợ xấu có thể trở nên đáng quan ngại hơn. Nợ xấu năm nay vì thế, sẽ khó "đẹp" như 2020, và điều đó cũng sẽ khiến các nhà băng càng thận trọng hơn đối với các khoản vay. Bởi vậy, các doanh nghiệp phụ thuộc vốn tín dụng cần chuẩn bị kịch bản dự phòng cho vấn đề này", một chuyên gia tài chính đánh giá.