Ngân hàng Nhà nước bán hàng chục tỷ USD để hỗ trợ tỷ giá
Trước xu hướng đồng USD tăng mạnh và nhu cầu mua USD của các ngân hàng thương mại gia tăng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được cho là đã phải bán ra một lượng lớn USD nhằm ổn định tỷ giá.
Báo cáo thị trường của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, từ đầu năm đến nay, ước tính, NHNN có thể đã bán hơn 18 tỷ USD cho các ngân hàng thương mại thông qua hợp đồng kỳ hạn và giao ngay.
Theo VCSC, áp lực thanh khoản đẩy lãi suất liên ngân hàng lên mức cao nhất trong 10 năm. Giai đoạn tháng 6 và nửa đầu tháng 7, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần dao động quanh mức 1% do thanh khoản trong hệ thống dồi dào. Nhưng từ cuối tháng 7, lãi suất liên ngân hàng bắt đầu tăng. Tới ngày 7/9, lãi suất liên ngân hàng lên mức cao nhất trong 10 năm với kỳ hạn 1 tuần quanh mức 6% do thanh khoản hệ thống giảm mạnh.
VCSC cho rằng, việc thanh khoản hệ thống giảm mạnh. NHNN đã rút lượng lớn VND ra khỏi hệ thống thông qua phát hành tín phiếu. Từ tháng 6, NHNN đã quay trở lại phát hành tín phiếu sau hơn 2 năm để hút thanh khoản dư thừa trong bối cảnh hạn mức tín dụng đối với các ngân hàng chưa được gia tăng.
Bên cạnh đó, đồng USD tăng mạnh và nhu cầu mua USD của các ngân hàng gia tăng đã khiến NHNN phải bán lượng lớn USD các ngân hàng thương mại để hỗ trợ tỷ giá.
VCSC ước tính NHNN có thể đã bán hơn 18 tỷ USD cho các ngân hàng thương mại thông qua hợp đồng kỳ hạn và giao ngay. Trong đó, có khoảng 12 tỷ USD đã giao và đã đáo hạn tính từ đầu năm, dẫn đến khoảng 280.000 tỷ đồng đã được hút ra khỏi hệ thống ngân hàng. Đáng chú ý, chỉ riêng trong nửa cuối tháng 8, các ngân hàng có thể đã mua trên 2 tỷ USD từ NHNN, trong khi có khoảng 2 tỷ USD hợp đồng kỳ hạn đáo hạn, dẫn đến khoảng 100.000 tỷ đồng đã được hút ra khỏi hệ thống.
Trong khi đó, tại báo cáo triển vọng thị trường tháng 9 mới công bố của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), công ty này ước tính, NHNN đã bán ra khoảng 21 tỷ USD từ đầu năm 2022 từ nguồn dự trữ ngoại hối, tương đương 19% tổng dự trữ, đưa dự trữ hiện tại ở mức ước tính 89 tỷ USD và đã giảm tỷ lệ bao phủ nhập khẩu xuống còn khoảng 12 tuần, vẫn nằm trong ngưỡng an toàn.
Chỉ tính riêng trong tháng 8/2022, NHNN đã bán ra hơn 3 tỷ USD, tức là đã gián tiếp hút hơn 70 nghìn tỷ đồng khỏi hệ thống. Luỹ kế cả tháng 8, NHNN đã hút ròng hơn 75 nghìn tỷ đồng qua kênh tín phiếu, reverse repo OMO và bán USD.
Theo nhận định từ VNDIRECT sau quyết định của FED, USD mạnh hơn đã gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam. Tại thời điểm ngày 21/09/2022, chỉ số USD (đo lường sức mạnh của đồng đô la Mỹ so với rổ tiền tệ) đạt 110,6 điểm (+15,6% so với cùng kỳ năm ngoái. USD mạnh hơn khiến tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng tăng khoảng 3,8% sso với cùng kỳ năm ngoái lên 23.688 đồng, mức cao nhất lịch sử.
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm do NHNN ấn định cho cặp tỷ giá USD/VND ở mức 23.316, tăng 0,7% so với cuối năm 2021 và tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng khoảng 2,7% kể từ đầu năm 2022.
VNDIRECT cho rằng tỷ giá hối đoái sẽ tiếp tục chịu áp lực trong những tháng cuối năm 2022 do đồng USD neo cao khi FED duy trì lộ trình tăng lãi suất. Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố hỗ trợ tỷ giá, bao gồm dòng vốn FDI mạnh hơn, tăng thặng dư thương mại cải thiện, dự báo đạt khoảng 8,9 tỷ USD trongnăm 2022, thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối đạt ngưỡng an toàn (tương đương 3,3 tháng nhập khẩu).
VNDIRECT, dự báo tỷ giá USD/VND có thể mất giá khoảng 3,5 - 4% so với đồng USD trong năm 2022.