Ngân hàng tiếp tục lãi lớn: 'Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm'
Thách thức lớn nhất với lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2023 là cầu tín dụng giảm trong khi chi phí tín dụng cao hơn và nợ xấu gia tăng. Nhưng mùa ĐHĐCĐ năm nay đang cho thấy một điều khá ngược khi các ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận cao hơn so với thực tế hoạt động của doanh nghiệp và thực trạng nền kinh tế.
Doanh nghiệp khó khăn bủa vây
Trước câu hỏi về tình hình kinh doanh, ông Phan Thanh Tịnh, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Việt Âu, Đồng Nai nói: “Từ Tết đến giờ, các đơn đặt hàng giảm dần. Tình trạng hiện tại khá bi đát”. Ông cho biết thêm các công ty chuyên sản xuất các sản phẩm thuốc thú y - thủy sản tại khu vực Đồng Nai cũng đều “chung cảnh ngộ” này.
Một cán bộ tín dụng của VietinBank tại Hà Nội cho hay lượng khách hàng mà người này quản lý chủ yếu là thương mại nên dòng tiền vẫn đều đều, không tăng hay giảm mạnh, nhưng một số ít doanh nghiệp sản xuất thì khá cầm chừng về việc vay vốn.
Số liệu đáng chú ý được Tổng cục Thống kê công bố là số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong quý I/2023 giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022 (56.946 doanh nghiệp). Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới là 33.905, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022; số vốn đăng ký thành lập cũng giảm 34,1% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 23.041, cũng giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Ở chiều ngược lại, trong quý I/2023 có 60.241 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 71,1%). Cụ thể, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 42.858, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2022; số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 12.766, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2022; và số doanh nghiệp giải thể là 4.617, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê, nhận định những khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt đã được thể hiện rõ qua những số liệu về tình hình đăng ký doanh nghiệp quý I/2023 khi lần đầu tiên trong các quý I từ trước đến nay, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (60.241 doanh nghiệp) cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (56.946 doanh nghiệp).
Cũng theo Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt bao gồm: sự giảm sút tiêu dùng của các nước trên thế giới; chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm ở một số ngành như ngành dệt, may, da giày, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế, sản xuất kim loại…
“Giá xăng dầu liên tục biến động, chi phí logistics quá cao; lãi suất ngân hàng điều chỉnh tăng khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng 5% - 10% và đặc biệt là những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp…”, lãnh đạo Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng cho biết.
Bà Dorsati Madani chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định: “Triển vọng trong ngắn hạn vẫn thuận lợi nhưng Việt Nam đối mặt với rủi ro”. Cụ thể, bà Dorsati Madani cho rằng, do những khó khăn trong nước và bên ngoài, GDP dự kiến tăng trưởng 6,3% trong năm 2023. Mặc dù du lịch tiếp tục phục hồi nhưng tăng trưởng khu vực dịch vụ sẽ chậm lại do hiệu ứng xuất phát điểm thấp hậu Covid-19 yếu dần. Nhu cầu trong nước dự kiến sẽ bị ảnh hưởng do lạm phát có thể tăng cao hơn trong năm 2023 (bình quân 4,5%), khiến cho sức mua của các hộ gia đình bị xói mòn. “Lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến đầu tư tư nhân”, bà Dorsati Madani nhấn mạnh.
Ngân hàng chờ tin vui
Trong nỗ lực giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần điều chỉnh giảm một số loại lãi suất điều hành định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay.
Theo bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc phân tích VNDirect, nhìn chung, lãi suất hạ nhiệt là tin tốt đối với nền kinh tế cũng như hầu hết các hoạt động của doanh nghiệp, một mặt vừa kích thích nhu cầu sử dụng vốn, mặt khác hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn. Việc giảm lãi suất đầu vào chắc chắn sẽ giúp giảm bớt áp lực chi phí vốn đang đè nặng lên ngân hàng trong thời gian gần đây, từ đó tạo cơ sở để các ngân hàng giảm lãi suất đầu ra, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. “Tôi cho rằng, mặt bằng lãi suất đầu ra trung bình sẽ giảm 1% - 1,5%/năm trong thời gian tới, song rất khó kỳ vọng lãi suất quay trở về mặt bằng của giai đoạn 2021 - 2022”, bà Hiền nhận định.
Cùng với room tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp cho các tổ chức tín dụng, các ngân hàng chắc chắn hơn về mục tiêu lợi nhuận năm 2023. Được biết, Vietcombank đặt lợi nhuận trước thuế 2023 tăng tối thiểu 12% so với năm 2022, ước tính ngân hàng sẽ tiếp tục nâng kỷ lục mới về lợi nhuận lên trên 40 nghìn tỷ đồng.
Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 của MB cho biết, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 15% so với năm 2022, đạt 26.100 tỷ đồng. VPBank cũng đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2023 đạt 24.003 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2022. Còn VIB đặt mục tiêu lãi trước thuế năm 2023 đạt 12.200 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2022. Sacombank có kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 9.500 tỷ đồng, tăng 50% so với năm trước. Ban lãnh đạo TPBank cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu lợi nhuận tăng 11% đạt mức 8.700 tỷ đồng so với năm 2022. OCB cũng dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2022. ABBank công bố mục tiêu lãi trước thuế năm 2023 tăng mạnh 68% so với năm 2022, đạt 2.826 tỷ đồng.
Đến các ngân hàng quy mô nhỏ cũng đưa ra kế hoạch lợi nhuận khủng như Vietbank công bố kế hoạch lợi nhuận trước thuế 960 tỷ đồng, tăng 46% so với năm trước và Saigonbank dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt 300 tỷ đồng, tăng 26,5% so với năm trước.
Dù các ngân hàng có thận trọng trước các khó khăn vĩ mô và hoạt động của doanh nghiệp trong việc đề ra tốc độ tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn mức trung bình những năm qua, tuy nhiên lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng đến hàng chục nghìn tỷ đồng vẫn tiếp tục tăng lên. Đó như 2 thái cực giữa thực tế hoạt động của doanh nghiệp, nền kinh tế với hoạt động của ngân hàng. Và có lẽ không sai khi có chuyên gia so sánh đó như “người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm”.