Ngân hàng trước cú sốc lãi suất: Gác niềm vui lợi nhuận, chú tâm chất lượng tài sản

Cầu tín dụng thấp, cân đối vốn không tối ưu sẽ dẫn đến giảm hiệu quả kinh doanh… Các ngân hàng buộc phải thận trọng, tập trung giảm áp lực tài chính, chấp nhận tăng trưởng thấp.

Động thái bất ngờ: Hạ lãi suất

Thời điểm đầu năm 2023, sau cuộc họp vào 2 ngày 1 và 2/2/2023, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã thông báo nâng lãi suất tham chiếu thêm 25 điểm cơ bản (0,25 điểm %), đưa mức lãi suất lên mức 4,5-4,75%. Đây là mức lãi suất cao nhất kể từ cuối năm 2007. Với nhận định lạm phát “đã giảm phần nào nhưng vẫn cao”, FED “đưa ra rất ít dấu hiệu” cho thấy sẽ sớm kết thúc lộ trình thắt chặt chính sách. Khi FED tăng lãi suất, dòng vốn quốc tế có xu hướng chảy về thị trường Mỹ và các đồng tiền yếu hơn sẽ phải có mức tăng lớn hơn. Theo đó, dù thời điểm đầu năm 2022, lãi suất chính sách tại Việt Nam vốn đã là 4% nhưng việc tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là tất yếu, để đảm bảo giảm rủi ro cho đồng VND và giảm áp lực lên tỷ giá.

“Với rất ít dấu hiệu FED sẽ sớm kết thúc chính sách ‘diều hâu’ nên các dự báo thời điểm đầu năm vẫn hướng về việc NHNN duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Do đó, thị trường không khỏi bất ngờ trước quyết định hạ lãi suất và liên tục giảm lãi suất điều hành 4 lần trong 4 tháng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.

Phân tích về hành động của NHNN, bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Khối Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu, Ngân hàng HSBC cho rằng, trong bối cảnh những thách thức kinh tế ngày càng gia tăng, chính phủ Việt Nam đã tăng cường nỗ lực đưa ra các biện pháp kích cầu kinh tế. Về mặt tiền tệ, NHNN đã có hàng loạt động thái bất ngờ, trong chưa đầy 3 tháng đã cắt giảm lãi suất điều hành ba lần, mỗi lần hạ 50 điểm cơ bản.

Còn ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam nhận định, trước đà tăng trưởng yếu của nền kinh tế, NHNN đã hành động quyết liệt hơn dự đoán. “Với những hành động này, NHNN đã thiên về chính sách nới lỏng hơn”, ông Quang nói.

Với việc NHNN liên tục giảm lãi suất điều hành 4 lần trong 4 tháng gần đây, các ngân hàng thương mại (NHTM) đều thực hiện các chính sách mạnh tay cắt giảm lãi cho vay, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Các NHTM đã thực hiện giảm đồng loạt 0,5-1 điểm phần trăm lãi suất cho vay với các khoản vay hiện hữu và vay mới; hoặc giảm từ 1 điểm % trở lên với các khoản vay phục vụ tiêu dùng có tài sản bảo đảm, bổ sung vốn lưu động, hoặc vay mới phục vụ hoạt động kinh doanh sản xuất.

Hệ luỵ từ nhiều yếu tố không thuận lợi

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, các ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất cho vay, nhưng tín dụng vẫn không tăng như kỳ vọng.

“Lãi suất huy động vốn đang giảm dần, nhưng hệ thống ngân hàng thương mại dù rất muốn cũng không thể giảm nhanh và mạnh hơn, vì còn phụ thuộc vào các yếu tố khác của kinh tế vĩ mô, mối quan hệ của tỷ giá và lãi suất các đồng tiền khác. Và vấn đề được các lãnh đạo ngân hàng quan tâm nhất hiện nay đó là tăng trưởng tín dụng thấp sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, bao gồm khó khăn trong thực hiện mục tiêu của đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu khó giữ ở mức thấp. 

“Các ngân hàng vẫn đang từng bước giảm lãi suất cho vay, nhưng dòng tiền trong sản xuất - kinh doanh giữa các doanh nghiệp bị ách tắc dẫn đến tác động dây chuyền, khiến doanh nghiệp không có dòng tiền trả nợ đúng hạn lẫn nhau và các tổ chức tín dụng đương nhiên không đứng ngoài câu chuyện công nợ này. Bài toán kinh doanh có quá nhiều yếu tố không thuận lợi”, bà Phượng nhấn mạnh.

Ngân hàng trước cú sốc lãi suất: Gác niềm vui lợi nhuận, chú tâm chất lượng tài sản - Ảnh 1

Mặc dù NHNN và các NHTM đã chủ động hạ lãi suất, tuy nhiên, áp lực của thị trường và nền kinh tế đối với việc tiếp tục hạ lãi suất được các chuyên gia kinh tế nhận định là “rất ghê gớm”. Theo đó, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Standard Chartered dự báo NHNN sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản nữa xuống còn 4% vào quý III và giữ nguyên cho đến cuối năm 2025.

Chuyên gia của HSBC Yun Liu nêu quan điểm: “Trong khi lạm phát hạ nhiệt, tỷ giá VND tương đối ổn định cũng hỗ trợ cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, khi rủi ro lạm phát gia tăng kéo dài, VND có thể phải đối mặt với áp lực rủi ro sụt giá do lãi suất thực đang ‘xói mòn’ ”.

Bà Phượng thì nhận định: “Lãi suất đang giảm, nhưng lãi suất huy động luỹ kế trong 10 tháng trước vẫn cao nên bình quân lãi suất đầu vào cao, trong khi tín dụng tăng trưởng thấp. Trong khi đó, tỷ lệ huy động vốn tăng nhanh hơn, cao hơn so với tăng trưởng của dư nợ. Nói cách khác, cầu tín dụng thấp, cân đối vốn không tối ưu sẽ dẫn đến giảm hiệu quả kinh doanh và là chỉ báo sớm cho việc nợ xấu sẽ gia tăng. Dự kiến, nợ xấu năm 2023 sẽ lớn và để chống đỡ, các ngân hàng buộc phải thận trọng, tập trung giảm áp lực tài chính, chấp nhận tăng trưởng thấp. An toàn là yếu tố được đặt lên hàng đầu”.

Chỉ báo từ các kết quả kinh doanh

LPBank khép lại quý II với lợi nhuận trước thuế đạt 880 tỷ đồng. Lũy kế đến 30/6/2023, lợi nhuận trước thuế LPBank ở mức 2.446 tỷ đồng, giảm 31,8% so với cùng kỳ năm 2022. BacABank báo cáo tài chính quý II/2023 với lợi nhuận trước thuế đạt 139 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) 6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 3.400 tỷ đồng, thấp hơn so với mức 3.788 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Con số này chưa đạt 50% kế hoạch so với mức lợi nhuận cả năm dự kiến của TPBank trong năm 2023 là 8.700 tỷ đồng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết: “Có những ngân hàng lớn như BIDV… qua việc giảm lãi suất đã giảm lợi nhuận hơn 2.000 tỷ đồng. Bản thân VPBank đã giảm lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng”.

“Tín dụng gặp khó dù vừa qua lãi suất cho vay đã hạ nhiệt để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, đầu vào vẫn đang còn số dư vốn huy động với lãi suất cao từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023, do vậy, thu nhập lãi thuần của các ngân hàng bị ảnh hưởng là điều dễ hiểu”, một lãnh đạo cao cấp LPBank nói.

Sự suy giảm về lợi nhuận của một số ngân hàng phần nào cho thấy thực tế kinh doanh kém sắc của ngành trong bối cảnh tín dụng tăng thấp khi điều kiện cho vay thắt chặt hơn ở lĩnh vực bất động sản và cầu tín dụng thấp ở nhóm doanh nghiệp xuất khẩu do thiếu đơn hàng, NIM thu hẹp và áp lực trích lập dự phòng gia tăng ở nhiều ngân hàng.

Một trong những nguyên nhân chính của sự giảm tốc này đến từ hoạt động xử lý nợ xấu để thu hồi vốn của các ngân hàng đang tiếp tục gặp khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng. Trong khi đó, bất động sản lại là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay.

Thậm chí, VCBS dự đoán tình hình này còn kéo sang cả năm 2024 khi rủi ro nợ xấu có thể tăng trở lại. Cụ thể, nhóm ngân hàng chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu và nợ tái cơ cấu được kiểm soát ở mức vừa phải; nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cao và có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể đối mặt rủi ro nợ xấu và áp lực trích lập tăng cao trong năm 2024.

Thực tế này cho thấy, từ niềm vui lợi nhuận liên tục tăng trưởng với con số nghìn đến chục nghìn tỷ trong mấy năm qua, thì với cú sốc lãi suất, các ngân hàng phải quay lại với câu chuyện nền tảng đó là chất lượng và mức độ an toàn tài sản.

Mai Dung

Theo VietnamFinance