Nghịch lý: Thanh khoản không tăng nhưng giá bất động sản vẫn ‘tăng bất chấp’ tại nhiều địa phương

Theo báo cáo mới nhất của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong quý I/2022 giá bất động sản liên tục tăng bất chấp Covid-19 tại nhiều địa phương.

 

Nghịch lý: Thanh khoản không tăng nhưng giá bất động sản vẫn ‘tăng bất chấp’ tại nhiều địa phương - Ảnh 1

Quý I/2022, trong khi các ngành kinh doanh, dịch vụ nhìn chung gặp nhiều khó khăn, đặc biệt sau những biến cố bất ngờ về địa chính trị thì bất động sản Việt Nam vẫn thu hút dòng tiền đáng kể.

Trong quý vừa qua, nhờ ăn theo quy hoạch các dự án, giá đất nền tại nhiều nơi tăng mạnh. Bất chấp việc thanh khoản ‘dè dặt’, giá nhà vẫn tăng phi mã.

Thực tế, tại khu vực Đông Anh (Hà Nội) – nơi có quỹ đất dồi dào, tiềm năng phát triển hạ tầng bậc nhất TP. Hà Nội, giá đất tăng mạnh, đất đấu giá vị trí trung tâm 100 triệu đồng/m2, thậm trí có nơi đạt đỉnh điểm lên đến 200 triệu/m2, đất thổ cư thì giao động từ 50 – 60 triệu đồng/m2…

Ở TP Hồ Chí Minh, giá đất nền tại dự án Thủ Thiêm Villa có giá khoảng 125,3 triệu đồng/m2, The EverRich III có giá khoảng 117,5 triệu đồng/m2, Đông Tăng Long có giá khoảng 64,4 triệu đồng/m2, Hoàng Anh Minh Tuấn có giá khoảng 91,5 triệu đồng/m2, Kim Sơn giá khoảng 136,5 triệu đồng/m2, KDC Kiến Á giá khoảng 70,1 triệu đồng/m2.

Nhìn chung, các dự án đất nền tại TP Hồ Chí Minh có quy mô nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu ở huyện ngoại thành như: Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè… Phân khúc đất nền tại TP Hồ Chí Minh chủ yếu ghi nhận tại dự án cũ, đã có từ những năm trước.

Trong khi đó, tại các khu vực vùng ven TP Hồ Chí Minh như Long An hay Đồng Nai lại đang là những ngôi sao mới trong xu hướng đầu tư nhiều phân khúc. Việc phát triển TP Thủ Đức, tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ cùng vị trí địa lý thuận lợi, giúp các địa phương lột xác từng ngày, mang đến triển vọng cho việc phát triển bất động sản, nhất là nhà ở.

Hay như tại Lâm Đồng, nhu cầu về bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản sinh thái của các hộ gia đình thế hệ Y đã tăng đáng kể sau thời gian phong tỏa vì Covid-19.

Với Vũng Tàu, thị trường vẫn có nhu cầu lớn với nhà phố giá 5 – 10 tỷ đồng và căn hộ chung cư 2 – 3 tỷ đồng do lực lượng người lao động từ ngoại tỉnh chưa có nhà vẫn còn cao. Đặc biệt tỉnh này đang thu hút nhiều lao động về các khu công nghiệp nên nhu cầu nhà ở mức giá vừa phải vẫn còn lớn.

Còn Tại các tỉnh Tây Nam Bộ, tình hình mua bán đất thổ cư, đất trong dân vẫn diễn ra khá sôi nổi. Thanh khoản nhanh tập trung ở một số sản phẩm căn nhỏ, diện tích dưới 40 m2, trong hẻm nhỏ thuộc nội đô thành phố, mức giá thấp hơn 2 tỷ đồng.

Trở lại với khu vực phía Bắc, cũng theo VARS, Hòa Bình, Vĩnh Phúc và Bắc Giang là ba tỉnh có dấu hiệu hồi phục tích cực nhất trong phân khúc bất động sản nhà ở. Nguyên nhân là do các nhà đầu tư đổ về tìm kiếm nguồn cung thay thế cho thị trường Hà Nội, vốn đã bắt đầu khan hiếm.

Tại Hải Phòng và Quảng Ninh, tuyến đường cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế này với TP Hà Nội cũng đã kéo theo các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư bất động sản.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho rằng, giá bất động sản tăng bất chấp dịch COVID-19 là do quá trình hình thành các đô thị mới được đẩy mạnh, dòng tiền tìm nơi trú ẩn an toàn, trong khi đó nguồn cung thiếu hụt.

Trước mắt đã xuất hiện bong bóng cục bộ; giá đất nền các khu vực tăng theo các dự án; giá nhà tăng nhưng thanh khoản không tăng tương xứng… Tuy nhiên, theo VARS, chính sách tín dụng thận trọng đã giữ cho thị trường vẫn ổn định về tổng thể. Cơ quan chức năng đang tập trung mạnh vào cùng cố thể chế và hành lang pháp lý.

VARS cũng dự báo, trong năm 2022, nguồn cung mới sẽ tăng so với 2021. Tăng trưởng chung cả thị trường sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn bởi các cơ chế, chính sách. Trong đó, phân khúc cao cấp và đất nền vẫn sẽ có sức hấp thụ tốt, do phù hợp hơn với nhu cầu tài sản trú ẩn. Kéo theo đó, mức giá sẽ tiếp tục tăng, tuy có thể không còn mạnh như giai đoạn trước. Giá căn hộ bình dân và có thể cả trung cấp được dự báo sẽ tăng chậm hơn để duy trì lượng hấp thụ.

An Nhiên

Theo Kinh doanh và phát triển