Người mất đất phải tìm nơi ở mới, kẻ đang trong ngõ hẻm lại được ra mặt phố: Chuyên gia hiến kế tạo sự công bằng khi mở rộng đường Láng

Sau khi được mở rộng với số vốn hơn 17.000 tỷ đồng, Hà Nội sẽ lại có thêm một tuyến đường được mệnh danh đắt nhất hành tinh”.

Thời gian qua, Thủ đô Hà Nội "xôn xao" về việc tuyến đường Ngã Tư Sở - Cầu Giấy - một trong những tuyến đường thường xuyên ách tắc nhất thành phố chuẩn bị mở rộng. 

Theo đó, Sở GTVT Hà Nội đề xuất chủ trương cải tạo, mở rộng Vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy (đường Láng), dự kiến có tổng đầu tư trên 21.000 tỷ đồng, trong đó, đoạn dưới thấp hơn 17.000 tỷ đồng và đoạn trên cao gần 3.900 tỷ đồng.

Do tổng mức đầu tư lớn nên Sở GTVT đề xuất tách thành hai dự án, trong đó ưu tiên cải tạo mở rộng Vành đai 2 dưới thấp dài khoảng 3,8km, điểm đầu tại nút giao Ngã Tư Sở và điểm cuối tại nút giao Cầu Giấy. Chi phí dự kiến hơn 17.000 tỷ đồng gồm giải phóng mặt bằng 16.700 tỷ đồng, xây lắp 541 tỷ đồng. Khi cải tạo xong, đường Láng sẽ rộng 53,5m, vận tốc thiết kế 80km/giờ và là trục chính đô thị.

Còn Vành đai 2 trên cao, đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy có chiều dài 3,8km, rộng 19m, đáp ứng vận tốc 80km/giờ, có tổng mức đầu tư dự kiến gần 3.900 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2026-2030.

Để tối ưu kinh phí giải phóng mặt bằng dự án, các chuyên gia kiến nghị thành phố thu hồi đất hai bên đường Láng để bán đấu giá lấy kinh phí làm đường.

Người mất đất phải tìm nơi ở mới, kẻ đang trong ngõ hẻm lại được ra mặt phố: Chuyên gia hiến kế tạo sự công bằng khi mở rộng đường Láng - Ảnh 1

Theo thông tin từ VTC News, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải) đánh giá, việc đầu tư nâng cấp tuyến đường Láng cả phía trên và phía dưới giúp khép kín Vành đai 2, giao thông nội thành Hà Nội sẽ thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho rằng, với mức đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng Hà Nội sẽ lại có thêm một tuyến đường được mệnh danh "đắt nhất hành tinh”.

Bên cạnh chi phí khổng lồ, ông Thanh cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng làm không tốt cũng gây nên những hệ lụy xấu.

Trước đây, khi Hà Nội xây dựng, mở rộng những "đường đắt nhất hành tinh" như Hoàng Cầu - Voi Phục, Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái, Nguyễn Văn Huyên, Ô Chợ Dừa, Xã Đàn - Kim Liên…, dư luận đặt nhiều nghi vấn về vấn đề tiêu cực trong quá trình giải tỏa.

Ông Thanh chia sẻ: “Người mất đất phải tìm nơi ở mới, kẻ đang trong ngõ hẻm thì được ra mặt phố, chênh lệch địa tô rất lớn, gấp vài chục lần, rất bất hợp lý".

Vị chuyên gia phân tích thêm, khi Nhà nước mở đường mới hoặc mở rộng đường cũ, giá đất hai bên đường tăng lên rất nhiều lần so với trước. Những người bị thu hồi đất để làm đường thường không được hưởng lợi từ việc mở đường này.

Ngược lại, những người không bị giải phóng mặt bằng bỗng dưng được hưởng một món lợi lớn từ việc giá đất tăng mà không phải đóng một khoản thuế, phí nào. Trong khi đó, Nhà nước bỏ tiền ra làm đường, đầu tư hạ tầng nhưng không có cơ chế để thu lại khoảng chênh lệch khổng lồ này.

Người mất đất phải tìm nơi ở mới, kẻ đang trong ngõ hẻm lại được ra mặt phố: Chuyên gia hiến kế tạo sự công bằng khi mở rộng đường Láng - Ảnh 2

Để giải quyết sự bất cập này, ông Thanh đề xuất thu hồi diện tích đất liền kề công trình hạ tầng để bán đấu giá.

Ví dụ như việc quy hoạch ở Trung Quốc, bất kể là mở đường mới ở đất trống hay mở rộng đường sẵn có trong khu dân cư đông đúc, chủ trương của họ là không có bất cứ hộ gia đình hay cá nhân nào được lợi trên những con đường mới.

Để thực hiện hóa chủ trương này, Trung Quốc quy định khi mở một con đường mới, sau khi giải tỏa lộ giới, sẽ tiếp tục giải tỏa hai bên đường 50-100m, sau đó phân thành từng lô lớn vài nghìn mét vuông bán đấu giá. Những lô đất lớn này quy hoạch xây các khối nhà lớn, hiện đại. Đó cũng là cách bổ sung nguồn vốn để mở rộng đường mà không tốn quá nhiều ngân sách Nhà nước.

Phương Hà

Theo Chất lượng và cuộc sống