Người Việt 'cuồng' mua vàng, quản lý thế nào cho thuận?
Khi nhu cầu đầu tư và tích trữ vàng của người dân vẫn duy trì ở mức cao, thị trường vàng trở nên sôi động nhưng cũng tiềm ẩn nhiều biến động. Chính vì vậy, việc đưa ra các giải pháp quản lý hiệu quả không chỉ giúp ổn định thị trường mà còn góp phần đảm bảo sự minh bạch, hạn chế rủi ro và bảo vệ quyền lợi của người dân.
Người Việt vẫn "chuộng" vàng
Bước sang năm 2025, tâm lý phòng thủ vẫn chi phối nhiều quyết định tài chính của người dân khi nhiều người vẫn lựa chọn đầu tư vào vàng. Kể từ đầu năm đến nay, thị trường vàng tiếp tục sôi động khi nhu cầu mua, bán vàng của người dân vẫn ở mức cao.
Nhu cầu mua vàng của người dân cũng được thể hiện rõ nét trong ngày vía Thần tài năm nay. Ngay từ sáng sớm ngày Vía Thần tài, nhiều người đã xếp hàng để đợi mua vàng. Không chỉ là một nghi thức cầu may, cơn sốt mua vàng còn phản ánh sâu sắc tâm lý chuộng tích trữ tài sản an toàn của người dân.
![Nhu cầu mua vàng của người dân vẫn ở mức cao. Nhu cầu mua vàng của người dân vẫn ở mức cao.](https://media.tinnhanhnhadat.vn/images/upload/2025/02/08/via-than-tai-8-1638.jpg)
Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng năm 2024 của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy, nhu cầu tiêu thụ vàng toàn cầu trong năm qua đạt 4.974,5 tấn, tăng gần 1% so với năm 2023. Đồng thời, đây cũng là mức cao nhất kể từ năm 2011.
Trong đó, Việt Nam là quốc gia tiêu thụ vàng nhiều nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2024, nhu cầu tiêu thụ vàng tại Việt Nam đạt 55,3 tấn. Trong đó, nhu cầu vàng miếng, vàng thỏi và vàng xu tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, lên 42,1 tấn – đồng thời cũng là mức cao nhất kể từ năm 2016.
Còn theo thống kê của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), 2024 là năm vàng trong nước tăng mạnh nhất trong vòng 14 năm trở lại đây.
Theo đó, giá vàng miếng SJC tăng 12,6% trong khi vàng nhẫn tăng đến 34% khi chạm đỉnh lịch sử. Mức sinh lời của vàng vượt xa hiệu suất sinh lời của tiền gửi tiết kiệm, chứng khoán hay USD. Điều này cũng khiến dòng tiền đầu tư chảy mạnh vào vàng.
Tuy nhiên, làn sóng trên cũng đã để lộ ra những bất ổn trên thị trường vàng. Nhu cầu của người dân tăng mạnh khiến thị trường vàng thường xuyên rơi vào cảnh thiếu cung. Hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng khi không có đủ nguồn cung cho khách hàng. Người dân cũng gặp khó khăn khi có tiền cũng không mua được vàng.
Quản lý thị trường vàng, vì thế, trở thành vấn đề nóng được đưa ra thảo luận, chất vấn tại nhiều phiên họp của Chính phủ và NHNN.
Trong văn bản trả lời cử tri sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, NHNN cho biết đã thực hiện nhiều giải pháp quản lý thị trường trong năm 2024, như triển khai các phiên đấu thầu vàng miếng và bán vàng miếng trực tiếp với khối lượng phù hợp; phối hợp các bộ, ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng;…
Đến nay, quản lý thị trường vàng vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của NHNN. Trong nhiệm vụ ngành ngân hàng mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, nhà điều hành sẽ tiếp tục theo dõi sát thị trường vàng, triển khai các giải pháp ổn định thị trường vàng theo quy định của pháp luật, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Trước đó, tại Chỉ thị số 03/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương giám sát chặt chẽ, triển khai các giải pháp ổn định thị trường vàng; khẩn trương tổng kết, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trình Chính phủ trong quý II/2025.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng yêu cầu việc điều hành một số mặt hàng, lĩnh vực như xăng dầu, vàng, đất đai… trong năm 2025 phải "thật tốt, thật chủ động, thật cụ thể và thật hiệu quả”.
Hướng nào quản lý thị trường vàng trong 2025?
Cũng trong văn bản trả lời cử tri, NHNN khẳng định giá mua, bán vàng do các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng chủ động niêm yết. NHNN chỉ thực hiện can thiệp nhằm hướng tới sự ổn định của thị trường vàng, không can thiệp vào giá vàng trong nước.
Thực tiễn trên thế giới, các ngân hàng trung ương cũng không quản lý giá vàng mà giá vàng do cung, cầu thị trường quyết định.
![Nhiều ý kiến cho rằng nên thành lập sàn giao dịch vàng. Nhiều ý kiến cho rằng nên thành lập sàn giao dịch vàng.](https://media.tinnhanhnhadat.vn/images/upload/2025/02/08/gia-vang-1639.jpg)
Tuy nhiên, thị trường vàng Việt Nam có nhiều điểm khác biệt. Thay vì giao dịch tại các sàn vàng như nhiều quốc gia khác, người dân trong nước chủ yếu giao dịch tại các tiệm vàng. Mức giá mua và giá bán do các tiệm vàng ấn định. Thậm chí, rủi ro luôn bị đẩy về phía người mua khi giá bán ra bao giờ cũng cao hơn đáng kể so với mức giá mua vào của các tiệm vàng.
Chính vì thế, nhiều chuyên gia khuyến nghị nên lập sàn giao dịch vàng để tăng tính minh bạch trên thị trường. Hơn nữa, trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, việc lập sàn giao dịch vàng sẽ là một trong những yếu tố giúp các trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam tăng sức cạnh tranh với các quốc gia khác.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, NHNN đang nghiên cứu khả năng thành lập sàn giao dịch vàng Việt Nam. Tuy nhiên, việc có nên lập sàn giao dịch vàng hay không cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng với các bộ ngành khác.
Bên cạnh đó, như nhiệm vụ mà Chính phủ đề ra, sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng cũng trở thành vấn đề cấp thiết.
Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam đã kiến nghị sửa đổi Nghị định 24 nhằm cho phép tự do kinh doanh vàng trang sức. Cụ thể, Nghị định 24 quy định các điều kiện đối với sản xuất và kinh doanh vàng trang sức. Do đó, theo đề xuất của Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, nên loại bỏ các hạn chế đối với vàng trang sức và coi đây như một hàng hóa bình thường mà không cần bất kỳ điều kiện kinh doanh nào.
Trong khi đó, một số chuyên gia kiến nghị nên “mở cửa” nhập khẩu vàng. Trong chia sẻ với VietnamFinance, TS Lê Xuân Nghĩa đề xuất sửa đổi NĐ24 theo hướng cho phép một số ngân hàng thương mại nhà nước và cả các doanh nghiệp đủ năng lực nhập khẩu vàng hằng năm theo quy định về số lượng (hạn ngạch).