Nguy cơ “bức tường cao ốc” ven biển Nha Trang
KTS Trần Minh Tùng - Phó Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Trường Đại học Xây dựng cho rằng, đề xuất xây dựng cao ốc ven biển không phải là không có cơ sở, tuy nhiên cần phải xem xét cẩn trọng.
Nằm trong định hướng điều chỉnh cục bộ một số khu vực trong đồ án quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2025, UBND tỉnh Khánh Hòa mong muốn tạo ra các điểm nhấn phát triển đô thị, cho phép xây dựng các cao ốc, trung tâm thương mại 50-60 tầng dọc bờ biển, thậm chí không giới hạn chiều cao.
- Vậy quan điểm của ông về chính sách tạm gọi là “bức tường cao ốc” này?
Cách “làm đô thị” phổ biến của Việt Nam thường theo chủ nghĩa bình quân, “cào bằng” sự phát triển các khu vực, kể cả khu vực hấp dẫn lẫn kém hấp dẫn trong đô thị. Rõ ràng, trên thực tế trong một đô thị luôn có những khu vực hấp dẫn hơn các khu vực khác do đặc thù địa lý hoặc lịch sử phát triển.
Từ câu chuyện này cho thấy, Nha Trang đang mong muốn điều chỉnh quy hoạch để cho phép khu vực ven biển được cho là hấp dẫn nhất có thể phát triển mạnh mẽ hơn, giúp cho khu vực hấp dẫn đó trở thành những không gian kích thích tăng trưởng đô thị.
Trong đô thị xuất hiện những khu vực “đô thị nén” (compact city) tập trung nhiều hoạt động kinh tế, có nghĩa là thay vì phát triển dàn trải thì các hoạt động được nén vào trong một khu vực “đặc biệt” cho phép có mật độ xây dựng, tầng cao cao hơn.
Chẳng hạn như Paris có khu La Défense tập trung nhiều tòa nhà chọc trời với các tháp văn phòng hiện đại bên cạnh Paris cổ bị giới hạn về mật độ và tầng cao. Từ đó, tôi cho rằng tỉnh Khánh Hòa mong muốn tạo ra khu vực phát triển ven biển là một đề xuất có cơ sở của chính quyền tỉnh.
- Nhưng liệu điều đó có ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân Nha Trang, thưa ông?
Nếu xét vào điều kiện thực tế của Nha Trang thì khu vực đề xuất điều chỉnh tương đối nhạy cảm, bởi từ xưa tới nay đặc trưng lớn nhất của thành phố này là biển và kinh tế biển. Tương tự như Đà Nẵng, có lẽ các nhà làm đô thị cũng mong muốn tạo ra mặt đứng hướng biển hấp dẫn.
Tuy nhiên, cần chú ý lợi thế biển là của tất cả người dân, nên nếu tập trung một loạt các dãy cao ốc với mật độ cao sẽ giống như tạo nên một bức tường rào lớn ngăn cách thành phố với biển. Tôi đang hình dung, nếu không có sự kiểm soát, dần dần các dự án cao ốc ven biển sẽ tư hữu hóa các bãi biển. Bãi biển trở thành sở hữu riêng của các dự án thay vì sở hữu chung.
Bên cạnh đó, hiện nay dù mới có một số các tòa cao ốc thì con đường đẹp nhất của thành phố Nha Trang là đường Trần Phú, ven biển đã luôn trong tình trạng quá tải, nếu tiếp tục tập trung cao ốc về khu vực này thì sẽ phá vỡ sự cân bằng mật độ và hạ tầng đô thị.
Mặt khác, một mặt đứng hướng biển với hàng loạt các tòa nhà cao tầng, dù đẹp nhưng cũng sẽ che chắn phần nào gió từ biển vào thành phố cũng như các điểm nhìn từ thành phố ra biển. Do đó, cần phải xem xét một cách cẩn trọng để tránh hình thành các rào chắn vật lý giữa thành phố và biển. Về lâu dài, Nha Trang có thể sẽ đối mặt với mâu thuẫn lợi ích của người dân và lợi nhuận của các tập đoàn kinh tế.
- Ngoài Đà Nẵng, ông có từng tìm hiểu tại một đô thị thế giới tương tự Nha Trang?
Trên thế giới có rất nhiều thành phố biển như Nha Trang, nhưng một trong những kinh nghiệm chúng ta cần học hỏi đó là nguyên tắc “biển là của mọi người”. Cách thiết kế đô thị phổ biến là càng gần biển, công trình càng thấp dần để không chỉ lớp công trình sát biển được hưởng mà các lớp sâu phía trong cũng có thể nhìn thấy biển.
Chúng ta có thể học tập kinh nghiệm Auckland của New Zealand. Trước đây, một phần bờ biển của thành phố này bị chiếm dụng bởi các ngành công nghiệp biển, tuy nhiên sau đó chính quyèn thành phố đã di dời và cải tạo khu vực đó trở thành một dải không gian công cộng hấp dẫn cho người dân thành phố.
Trở lại câu chuyện quy hoạch của Nha Trang, thành phố này đang có một cơ hội quý giá là quỹ đất của sân bay Nha Trang cũ không còn sử dụng. Chúng ta nên làm gì với diện tích đó? Kịch bản thứ nhất, nếu chúng ta chấp nhận đánh đổi việc khai thác bờ biển cho mục đích tăng trưởng kinh tế đô thị thì nên dành phần diện tích này để hình thành không gian công cộng “bù lại” cho người dân thành phố.
Kịch bản thứ hai, thành phố sẽ dành riêng khu vực này để đầu tư xây mới, biến thành một khu vực tương tự như La Défense của Paris đã đề cập ở trên - một “tiểu đô thị nén” trong lòng đô thị, nơi mà các dự án được “tự do” phát triển.
- Xin cảm ơn ông!
Theo HỒNG HƯƠNG/Diễn Đàn Doanh Nghiệp