Nguyễn Thái Luyện và Địa ốc Alibaba đã “gài bẫy” khách hàng, lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng như thế nào?
Tính đến thời điểm đưa ra xét xử ngày 12/8/2022, Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba (Địa ốc Alibaba) đã lừa đảo 4.316 khách hàng để chiếm đoạt tài sản số tiền lên đến 2.264 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra là, Nguyễn Thái Luyện (chủ tịch HĐQT Địa ốc Alibaba) và “tay chân” của mình đã dùng mánh khóe, chiêu trò gì để “lùa” hàng nghìn người “sập bẫy”?
Lập cả một “hệ sinh thái” để lừa đảo
Để phục vụ cho kế hoạch lừa đảo tinh vi của mình, Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm đã tạo ra một “hệ sinh thái” Alibaba với hàng chục công ty con. Các công ty con này được sử dụng vào mục đích “vẽ” các dự án bất động sản không có thật.
Theo cáo trạng, Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba được thành lập ngày 5/5/2016 (trụ sở tại 321 Điện Biên Phủ, P. 15, Q. Bình Thạnh, TP.HCM) với vốn điều lệ ban đầu là 01 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó, Công ty này đã có 3 lần thay đổi vốn điều lệ. Đến tháng 9/2017, vốn điều lệ của Công ty đã tăng vọt lên 1.600 tỷ đồng. Trong đó, 49,5% vốn điều lệ do Giám đốc Nguyễn Thái Lĩnh (em trai của Nguyễn Thái Luyện) nắm giữ; 49,5% do Võ Thị Thanh Mai (vợ của Luyện) nắm giữ; Luyện chỉ nắm giữ 1% nhưng lại là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc điều hành mọi hoạt động của Địa ốc Alibaba.
Trong quá trình hoạt động, Địa ốc Alibaba đã lập ra 21 công ty con hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Các công ty này đều được đứng tên những người thân trong gia đình của Nguyễn Thái Luyện.
Trong đó, Luyện giữ chức chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Địa ốc Ali; Võ Thị Thanh Mai, vợ Luyện, giữ chức Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại địa ốc Xanh, Công ty Cổ phần Địa ốc Long Thành Ali, Công ty Cổ phần Alibaba Law Firm, Công ty TNHH Xây dựng Maluna.
Ngoài ra, “hệ sinh thái” của Địa ốc Alibaba còn gồm các công ty: Công ty Cổ phần Vận tải Alibaba, Công ty Cổ phần Địa ốc Tia Chớp, Công ty cổ phần Địa ốc đầu tư và phát triển Sparta Land, Công ty Cổ phần Bất động sản địa ốc Chiến Thắng, Công ty Cổ phần Địa ốc Chiến Binh Thép, Công ty Cổ phần Bất động sản Big Bang, Công ty Cổ phần Bất động sản địa ốc Ali Land, Công ty Cổ phần Địa ốc Đầu tư và phát triển TL Land, Công ty Cổ phần Sunnyland, Công ty Cổ phần Địa ốc Long Thành Capital, Công ty TNHH Thời trang Ali33, Công ty Cổ phần Ali Xanh, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Địa ốc Xanh, Công ty Cổ phần Địa ốc và Đầu tư phát triển 108, Công ty TNHH Truyền thông Ali, Công ty Cổ phần Địa ốc Long Thành Ali, Công ty TNHH Giải pháp tài chính MTV Ali, Công ty Cổ phần Địa ốc Long Thành Capital.
Vẽ dự án “ma”, bán “tiền tươi”
Chiêu trò lừa đảo của Nguyễn Thái Luyện là mua đất nông nghiệp nhưng giao cho các công ty con đứng quyền nhận chuyển nhượng, ủy quyền cho công ty. Sau đó, Luyện chỉ đạo nhân viên “vẽ” hàng loạt dự án “ma” để chào bán cho khách hàng.
Đơn cử, năm 2018, Luyện thành lập Công ty Cổ phần Địa ốc Tia Chớp, trụ sở tại 52, Quốc lộ 51, Ấp Tập Phước, Xã Long Phước, Huyện Long Thành, Đồng Nai. Sau khi mua đất nông nghiệp của các hộ dân ở huyện Long Thành, Luyện giao cho 3 cá nhân gồm Trương Thị Hồng Ngọc (Tổng Giám đốc CTCP Địa ốc Tia Chớp), Bùi Đức Minh (Tổng Giám đốc CTCP Địa ốc Đầu tư và Phát triển TL Land) và Nguyễn Thái Lĩnh (em trai của Luyện) đứng tên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Sau đó, Luyện chỉ đạo 3 cá nhân này ủy quyền cho CTCP Địa ốc Tia Chớp làm chủ đầu tư 4 dự án gồm: Alibaba Phước Bình Central Park, Alibaba Phước Bình Central Park 2, Alibaba Phước Thái Capital và Alibaba Long Phước Industry. Tiếp theo, Luyện chỉ đạo nhân viên cấp dưới tự vẽ dự án “ma” bằng hình thức phân lô tách thửa đất nông nghiệp và chào bán dưới hình thức hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Tại dự án Alibaba Phước Bình Central Park 2 (Quốc lộ 51, Xã Long Phước, Huyện Long Thành, Đồng Nai), nhân viên của Luyện đã chia 2 thửa đất có tổng diện tích hơn 55.000m2 thành 334 nền/lô, mỗi nền diện tích khoảng 100m2.
Tại dự án Alibaba Phước Thái Capital (Xã Phước Thái, Huyện Long Thành, Đồng Nai) cũng được tách thửa thành 46 nền, mỗi nền diện tích 100m2. Trong khi đó, tại dự án Alibaba Long Phước Industry được Luyện và “tay chân” tách từ 4 thửa đất thành 316 nền/lô, mỗi nền cũng có diện tích 100m2.
Cũng tại tỉnh Đồng Nai, CTCP Địa ốc Chiến Binh Thép còn vẽ thêm dự án Alibaba Center Town (Xã Long Phước, Huyện Long Thành) với phương thức tương tự.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm cũng thực hiện “mánh khóe” tương tự tại 2 dự án: Alibaba Phú Mỹ Central City và Alibaba Phú Mỹ Central City 2 (đều tại Hắc Dịch, Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Ngoài ra, cũng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các công ty con của Địa ốc Alibaba còn “vẽ” thêm hàng loạt dự án: Alibaba Tân Thành Center City, Alibaba Tân Thành Center City 6, Alibaba Tân Thành Homy City, Alibaba Tóc Tiên Residence 3…
Tại tỉnh Bình Thuận, CTCP Địa ốc đầu tư và phát triển TL Land thuộc “hệ sinh thái” Địa ốc Alibaba đã tự “vẽ” ra dự án Alibaba Venice City (Huyện Hàm Tân).
Tổng cộng, Nguyễn Thái Luyện và các công ty thuộc “họ hàng” Địa ốc Alibaba đã “vẽ” ra 58 dự án “ma” và chào bán cho khách hàng. Các dự án tập trung tại 3 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận.
Theo cáo trạng, Nguyễn Thái Luyện đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của khách hàng để xây dựng một hệ thống kinh doanh bất động sản “ảo” theo mô hình đa cấp từ những lô đất nền tại 58 dự án “ma” nêu trên.
Quy trình đưa khách hàng “vào tròng” của Địa ốc Alibaba
Cơ quan điều tra đã vạch trần quy trình 5 bước giúp Nguyễn Thái Luyện lừa đảo hàng nghìn khách hàng và chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng.
Bước 1: Nguyễn Thái Luyện sử dụng phần lớn tiền chiếm đoạt từ khách chỉ đạo các cá nhân trong đường dây lừa đảo của mình đứng tên nhận chuyển nhượng số lượng lớn đất nông nghiệp tại 3 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận.
Bước 2: Các cá nhân đứng tên nhận chuyển nhượng đất lập hợp đồng ủy quyền cho các pháp nhân do Nguyễn Thái Luyện thành lập để những công ty này tự vẽ ra các dự án “ma” tại các địa phương kể trên.
Bước 3: Nhận ủy quyền xong, các pháp nhân nêu trên, với danh nghĩa chủ đầu tư tiến hành phân lô tách thửa với diện tích từ 100m2 trở lên rồi quảng cáo rầm rộ để chào bán sản phẩm.
Bước 4: Nguyễn Thái Luyện chỉ đạo các chủ đầu tư ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, giao cho Địa ốc Alibaba trở thành đại lý phân phối đất nền trong các dự án “ma” cho khách hàng với mục đích che đậy những “dấu vết” phạm pháp của các dự án này. Ngoài ra, Luyện còn chỉ đạo tạo ra những giao dịch đất ảo nhằm “che mắt” khách hàng rằng dự án đầy đủ tính pháp lý, đủ điều kiện chuyển nhượng, từ đó kêu gọi khách hàng “móc hầu bao” vào các dự án “ma” của Luyện.
Bước 5: Khi đã dụ khách hàng “sập bẫy, Luyện chỉ đạo các pháp nhân đứng tên đã nếu ký hợp đồng thỏa thuận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng, còn tiền khách hàng nộp “chảy về túi” của Địa ốc Alibaba và Luyện.
Ngoài ra, Nguyễn Thái Luyện còn hấp dẫn khách hàng bằng cách tung ra chiêu ưu đãi đánh vào lòng tham bằng cách cam kết mua lại đất với giá cao hơn 30% sau 12 tháng, hoặc cao hơn 38% sau 15 tháng kể từ ngày khách hàng nộp tiền. Ngoài ra, Luyện còn cam kết thuê lại đất từ khách hàng với giá 2%/tháng kể từ ngày khách hàng ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.
Chưa hết, để “đánh bóng” thương hiệu “ảo” của Địa ốc Alibaba nhằm thu hút nhiều khách hàng “sập bẫy” hơn, Luyện đã lập ra website www.tapdoandiaocalibaba.com để đăng tin quảng cáo các dự án “ma”. Hiện tại, tên miền này không còn hoạt động.
Đáng chú ý, tại một số thửa đất, mặc dù lô đất nông nghiệp đang thuộc quyền sở hữu của người dân, đường dây của Luyện vẫn ngang nhiên đặt tên dự án, tiến hành phân lô, chia nền, chào bán để thu hút tiền từ khách hàng.
Hầu hết khách hàng mua đất dưới dạng đất nền thổ cư từ Địa ốc Alibaba đều không nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như Công ty cam kết. Thay vào đó, khách hàng sẽ được Địa ốc Alibaba chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.
Bằng quy trình 5 bước tinh vi này, Địa ốc Alibaba và Nguyễn Thái Luyện đã “bẫy” được 4.316 khách hàng, qua đó chiếm đoạt 2.264 tỷ đồng.