Nhà đầu tư ‘ngó lơ’ chứng khoán, thanh khoản xuống thấp ‘thảm hại’

Thị trường chứng khoán diễn biến ảm đạm khi thanh khoản xuống mức cực thấp. Tuy nhiên, vẫn có số ít cổ phiếu gây ấn tượng đặc biệt, điển hình là SSB và VNZ.

Chỉ số VN-Index tiếp tục giằng co trong biên độ hẹp trong phiên 12/9, với mức tăng kết phiên chỉ trên 3 điểm. Nhưng điểm đáng chú ý hơn là thanh khoản trên sàn chứng khoán cực thấp.

Cụ thể, trên sàn HoSE, khối lượng khớp lệnh chỉ đạt 381 triệu cổ phiếu, thấp nhất trong vòng hơn một năm qua. Giá trị giao dịch chỉ vỏn vẹn 9.287 tỷ đồng, trong khi trung bình 3 tháng qua là trên 15.000 tỷ đồng, tức là thấp hơn khoảng 40%.

Nhà đầu tư ‘ngó lơ’ chứng khoán, thanh khoản xuống thấp ‘thảm hại’ - Ảnh 1

Nhiều nhà đầu tư cho rằng việc thanh khoản xuống thấp đến mức “thảm hại” là do tình hình bão, lũ, lụt tại miền Bắc ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp, doanh nhân và người dân qua đó ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, mặt khác tâm lý “phòng thủ” trong bối cảnh thiên tai hoành hành cũng khiến những người có tiền chọn “đứng ngoài quan sát”.

Tuy nhiên, dẫu sao, việc nhà đầu tư “ngó lơ” thị trường chứng khoán cũng cho thấy kênh đầu tư này đang thiếu sự hấp dẫn, trong bối cảnh các yếu tố thuận lợi và bất lợi đan xen và đang khá cân bằng. Nếu giá cổ phiếu không trở nên hấp dẫn, khó lòng kích hoạt được dòng tiền tham gia vào thị trường trong ngắn hạn.

Về diễn biến thị trường, cổ phiếu SSB của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và cổ phiếu VNZ của Công ty Cổ phần VNG gây ấn tượng đặc biệt trong phiên.

Với SSB, cổ phiếu này mất 5,94% giá trị, đánh dấu phiên giảm mạnh thứ ba liên tiếp với mức giảm tổng cộng lên đến gần 17%. Trong khi đó, cổ phiếu VNZ ghi nhận phiên tăng kịch trần thứ hai liên tiếp, sau khi VNG công bố thông tin về việc nhà sáng lập Lê Hồng Minh vẫn đang là Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật của VNG, đồng thời khẳng định việc hoạt động, sản xuất và quản trị tại VNG vẫn đang diễn ra bình thường.

Đối với các nhóm ngành, ngân hàng trở thành trụ đỡ chính cho thị trường khi đa số cổ phiếu ghi nhận sắc xanh, trong đó VCB, VPB, ACB, VIB, TPB đều tăng trên 1%. Các ngành sản xuất, năng lượng, công nghệ cũng nghiêng về sắc xanh nhưng biên độ biến động nhìn chung không lớn.

Cổ phiếu chứng khoán và bất động sản giao dịch kém khả quan nhưng các mã đa số cũng chỉ giảm nhẹ, ngoại trừ một số cái tên như NVL giảm 3,8% (tiếp tục lao dốc sau thông tin bị cắt margin), DXG gảm 2,01%, SGR giảm kịch sàn.

Thanh Long

Theo VietnamFinance