Nhà đầu tư ngoại 'khao khát' nắm quyền chi phối doanh nghiệp Nhà nước
- Nhiều nhà đầu tư ngoại gặp trở ngại trên đường trở thành đối tác chiến lược của các "ông lớn" Nhà nước ở khâu đàm phán giá và tỷ lệ mua.
Theo Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, 8 tháng đầu năm có 33 doanh nghiệp Nhà nước được phê duyệt phương án cổ phần hoá với giá trị thực tế hơn 80.600 tỷ đồng, gấp 3 lần vốn điều lệ. Trung bình giá trị của mỗi doanh nghiệp khoảng 2.400 tỷ, cao hơn nhiều giá trị bình quân giai đoạn thoái vốn trước.
Một số cái tên được "điểm danh" trong danh sách này, gồm Tổng công ty cao su, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2)...
Lượng hàng bán lớn nhưng nhìn lại quá trình thoái vốn, cổ phần hóa vừa qua Uỷ ban Kinh tế đánh giá, thoái vốn còn rất nhiều tồn tại như tiến độ sắp xếp, cổ phần hoá của một số bộ, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu và kế hoạch đề ra.
Tỷ lệ vốn Nhà nước ở các công ty cổ phần còn cao do lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án kế hoạch; số đơn vị thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối khi cổ phần hoá (trên 49%) còn lớn, đã làm giảm mức độ hấp dẫn nhà đầu tư.
Hàng hóa dồi dào nhưng cơ chế tỷ lệ sở hữu vẫn bó hẹp khiến vốn thoái của doanh nghiệp Nhà nước không hấp dẫn nhà đầu tư ngoại.
Trong khi đó, ông Tony Foster – Giám đốc điều hành Công ty luật Freshfields (Anh) cho rằng, thực tế các nhà đầu tư ngoại gặp trở ngại nhất trên con đường trở thành đối tác chiến lược của các "ông lớn" Nhà nước ở khâu đàm phán giá và tỷ lệ mua. Ví dụ, Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) bán lần đầu và lần hai đều không thành công cùng vì lý do không thỏa thuận được giá. Phải mất gần 5 năm chờ đợi, đến cuối 2011 ngân hàng này mới bán thành công đợt một với mức 15% cổ phần cho Tập đoàn tài chính Mizuho của Nhật.
Tương tự, dẫn câu chuyện của MobiFone, ông Tony cho biết, tổng công ty này lần đầu lên kế hoạch bán vốn cách đây đã 12 năm nhưng đến nay nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu rồi đi mà chưa có tiến triển nào rõ nét. Hay trường hợp của Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOil) dù kế hoạch bán 20% cổ phần cho cổ đông chiến lược từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn phải trì hoãn.
Ông chỉ ra nguyên do các giao dịch bán cổ phần chiến lược của "ông lớn nhà nước" chưa hiệu quả, là tỷ lệ chào bán nhỏ, quy trình không minh bạch, tài sản và các quyền không rõ ràng, giá bán khó thỏa thuận do việc định giá chưa phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Cần làm rõ tài sản nào được tính vào giá trị công ty, đất đai? Trong khi giá niêm yết thì chỉ dựa vào một phần rất nhỏ cổ phần trên sàn nên dễ bị thao túng.
"Nếu Nhà nước vẫn giữ quy định 'cứng' như bán 10% cổ phần chỉ có giá trị trong đầu tư tài chính và không có hiệu quả về đầu tư chiến lược", Giám đốc Công ty luật Freshfields bình luận, và khuyến nghị. Nhà nước sẽ bán được giá cao hơn nếu cho phép bán cổ phần chi phối diễn ra song song với quá trình sửa đổi các quy định của pháp luật và minh bạch các quy trình thực hiện.
“Chính phủ cần xem xét sửa đổi các quy định pháp luật để cho phép nhà đầu tư ngoại nắm giữ trên 49% cổ phần trong các doanh nghiệp cổ phần hoá hay thoái vốn Nhà nước”, ông Tony kiến nghị.
Vấn đề mà Giám đốc điều hành Công ty luật Freshfields nêu ra cũng trùng với quan điểm của Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khi chỉ ra nghịch lý của quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, là dù 96,5% doanh nghiệp đã được cổ phần hoá nhưng có 8% số vốn Nhà nước được chuyển giao cho khu vực tư nhân.
Nguyên nhân của tồn tại này, theo ông Thiên là do tỷ lệ vốn Nhà nước được phép bán rất hạn chế, may mắn lắm cũng chỉ là 49%. “Với tỷ lệ nắm giữ cổ phần hạn chế các doanh nghiệp tư nhân bị loại khỏi quyền tham gia điều hành chứ chưa nói đến quyền chi phối doanh nghiệp”, ông Thiên lý giải. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư tư nhân, gồm cả các doanh nghiệp nước ngoài, ít mặn mà với việc mua doanh nghiệp Nhà nước.
Một vấn đề nữa được các nhà đầu tư nước ngoài chỉ ra đó là định giá doanh nghiệp thực tế. Ông Johnathan Ooi, chuyên gia về mua bán và sáp nhập (M&A) đến từ Công ty PriceWaterhouse Coopers cho biết, giữa các nhà đầu tư và doanh nghiệp cổ phần hóa có sự khác biệt trong cách hiểu về định giá.
Tâm lý chung của các đối tác mà ông tham gia tư vấn khi muốn đầu tư làm cổ đông chiến lược với các doanh nghiệp cổ phần hóa là mong mỏi gắn bó lâu dài để cùng phát triển công ty chứ không chỉ mua cổ phần để thu phần lợi nhuận giá cổ phiếu.
"Đa số họ muốn được tham gia ban điều hành, cao hơn nữa là quyền kiểm soát doanh nghiệp có tiếng nói đủ sức nặng trong năng cao quản trị doanh nghiệp. Cho nên một khi chỉ bán cho họ ở mức 10-15-20% thì động cơ của họ không đủ cao", ông Johnathan bình luận.
Do đó cần một đơn vị đánh giá độc lập tiến hành việc định giá dựa trên các chuẩn mực quốc tế được chấp nhận bởi các nhà đầu tư quốc tế. "Nhà đầu tư chỉ quyết định đầu tư khi thấy được sự cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận", ông Johnathan Ooi nói.
>>> Nhiều ngân hàng Trung Quốc, Đài Loan cung cấp vốn cho Vingroup
>>> Mitsubishi Corp "nhảy" vào siêu dự án bất động sản 1,9 tỷ USD của Bitexco
Theo Anh Minh
VnExpress
Link nguồn: https://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/nha-dau-tu-ngoai-khao-khat-nam-quyen-chi-phoi-doanh-nghiep-nha-nuoc-3638734.html