Nhà phố Hà Nội 'ế ẩm': Chủ nhà chấp nhận giảm giá để cứu mình

Nhiều mặt bằng kinh doanh trên các khu vực đất vàng của Hà Nội đang trong tình trạng ế ẩm, treo biển cho thuê trong thời gian dài mà không tìm được khách.

Trong bối cảnh kinh tế và xã hội hiện nay, thị trường cho thuê mặt bằng nhà phố tại Hà Nội đang trải qua những biến động lớn, khác biệt đáng kể so với thị trường TP. HCM. Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc kinh doanh kênh Batdongsan, cho biết theo dữ liệu từ 2-3 năm trở lại đây, trong khi TP. HCM đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ xu hướng trả mặt bằng kể từ năm 2022, thì Hà Nội chỉ mới đối mặt với làn sóng này từ năm 2023 và rõ rệt hơn vào năm 2024.

"Số lượng tin đăng cho thuê tại các khu vực trung tâm Hà Nội đang tăng lên, trong khi giá thuê không còn tăng mạnh như trước. Điều này phản ánh nhu cầu thuê mặt bằng đang giảm dần, đặc biệt tại các tuyến phố chính, do chi phí thuê không còn tương xứng với hiệu quả kinh doanh của người thuê", ông Tuấn cho hay.

Nhiều mặt bằng kinh doanh trên các "phố vàng" như Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Phố Huế, Bà Triệu, Thái Hà… đang trong tình trạng ế ẩm, treo biển cho thuê trong thời gian dài mà không tìm được khách. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là giá thuê cao, trong khi hoạt động kinh doanh truyền thống gặp khó khăn do sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng và sự phát triển của thương mại điện tử.

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc kinh doanh kênh Batdongsan
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc kinh doanh kênh Batdongsan

Theo ông Tuấn, người tiêu dùng tại Hà Nội ngày càng ưu tiên mua sắm trực tuyến, giảm nhu cầu đến các cửa hàng vật lý, đặc biệt trong lĩnh vực thời trang và bán lẻ. Duy chỉ có lĩnh vực như ẩm thực vẫn duy trì được sự ổn định.

Gíam đốc kinh doanh kênh Batdongsan cũng cho rằng các chủ nhà thường không điều chỉnh giá thuê linh hoạt theo tình hình thị trường. Bên cạnh đó, thời hạn hợp đồng dài, tiền cọc cao và thiếu các điều khoản linh hoạt là những rào cản lớn đối với người thuê.

Ngoài ra, các trung tâm thương mại đang triển khai nhiều chính sách thu hút người thuê, như giảm giá thuê hoặc cung cấp không gian tiện nghi hơn, khiến nhà phố truyền thống cũng gặp thêm khó khăn.

Để giải quyết những vấn đề hiện tại, theo ông Đinh Minh Tuấn, chủ nhà nên áp dụng mô hình cho thuê linh hoạt, kết hợp giá thuê cơ bản thấp và chia sẻ lợi nhuận kinh doanh với người thuê. Điều này giúp giảm áp lực chi phí cố định cho người thuê trong thời gian khó khăn. Đồng thời giảm mức tiền cọc ban đầu để tạo điều kiện cho người thuê dễ dàng tiếp cận mặt bằng hơn.

Đối với các lĩnh vực như ẩm thực hoặc bán lẻ quy mô nhỏ, cần có chính sách ưu đãi để khuyến khích người thuê quay trở lại trung tâm.

Dù thị trường bán lẻ tại Hà Nội được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng nhờ tiêu dùng nội địa và lượng khách du lịch, nhưng điều này không đồng nghĩa với sự phục hồi ngay lập tức của thị trường nhà phố cho thuê. Ông Tuấn nhận định các tuyến phố trung tâm có thể vẫn chịu áp lực lớn do giá thuê cao và thiếu sự linh hoạt trong chính sách.

"Nếu không có sự điều chỉnh kịp thời từ phía chủ nhà, xu hướng trả mặt bằng có thể lan rộng hơn, từ trung tâm ra các khu vực lân cận. Dự báo, năm 2025 vẫn sẽ là một năm đầy thách thức cho phân khúc nhà phố, trong khi các trung tâm thương mại tiếp tục chiếm ưu thế nhờ chính sách thuê cởi mở hơn", ông Tuấn cho hay.

Hoàng Hùng

Theo VietnamFinance