Nhận diện dòng vốn FDI qua các con số

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sự phục hồi của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam những tháng cuối năm đã khiến dòng vốn này trong cả năm 2023 tăng mạnh và triển vọng 2024 là rất khả quan.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo số liệu tính đến ngày 20/12/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ. Cùng với đó, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022. Đây là mức giải ngân kỷ lục kể từ trước tới nay.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong tổng vốn đăng ký hơn 36,6 tỷ USD, thì vốn đăng ký mới đạt gần 20,19 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ. Số dự án đăng ký mới cũng đạt 3.188 dự án, tăng 56,6%.

Ngoài vốn đăng ký mới, năm 2023 cũng ghi nhận 1.262 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 14% so với cùng kỳ), với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 7,88 tỷ USD (giảm 22,1% so với cùng kỳ).

Vốn đầu tư thông qua góp vốn mua cổ phần đạt hơn 8,5 tỷ USD, tăng 65,7% so với cùng kỳ. Nhờ quy mô vốn góp tăng nên dù lượt giao dịch góp vốn, mua cổ phần trong năm 2023 chỉ đạt 3.451 lượt, giảm 3,2% so với cùng kỳ, nhưng vốn góp lại tăng cao.

Về địa bàn đầu tư, theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài như: TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai. Riêng 10 địa phương này đã chiếm tới 78,6% số dự án mới và 74,4% số vốn của cả nước trong năm 2023.

Về lĩnh vực đầu tư, năm 2023, vốn FDI đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 23,5 tỷ USD, chiếm 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 39,9% so với cùng kỳ. Kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỷ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4,8% so với cùng kỳ.

Các ngành sản xuất, phân phối điện; tài chính - ngân hàng xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 2,37 tỷ USD (tăng 4,9%) và gần 1,56 tỷ USD (gấp gần 27 lần).

Nhận diện dòng vốn FDI qua các con số - Ảnh 1

Nhận diện dòng vốn FDI qua các con số - Ảnh 2

Xét về đối tác, trong năm 2023, đã có 111 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 6,8 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 5,4% so với cùng kỳ 2022; Nhật Bản đứng thứ hai với gần 6,57 tỷ USD, chiếm hơn 17,9% tổng vốn đầu tư, tăng 37,3% so với cùng kỳ.

Tiếp theo, Hồng Kông đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,68 tỷ USD, chiếm gần 12,8% tổng vốn đầu tư, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ. Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan... đứng ở các vị trí tiếp theo.

Xét về số dự án, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 22,2%). Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 25,9%) và góp vốn, mua cổ phần (chiếm 27,8%).

Bước sang năm 2024, những tín hiệu đầu năm cũng cho thấy năm nay là năm tích cực trong thu hút FDI.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, ngay trong tháng 1/2024 đã có hơn 2,36 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023 và số giải ngân đạt 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cục Đầu tư nước ngoài kỳ vọng, năm 2024, vốn đầu tư thực hiện có thể đạt khoảng 23,5 tỷ USD, tăng 1,3% so với năm 2023. Nếu kịch bản này xảy ra, kỷ lục mới sẽ được thiết lập. Trong khi đó, số vốn đăng ký được Cục Đầu tư nước ngoài dự ước khoảng 36 - 37 tỷ USD, tương đương năm 2023. Dù không có sự tăng tốc, song đây là một con số rất có ý nghĩa trong bối cảnh dòng đầu tư toàn cầu được dự báo tiếp tục chậm lại trong năm 2024.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cơ hội thu hút đầu tư FDI trong năm 2024 đang mở ra như năm 2008, thời điểm Việt Nam vừa tham gia WTO. Các yếu tố như cuộc chiến kiểm soát công nghệ lõi, công nghệ chip… đang mở ra cơ hội cho Việt Nam trong thu hút FDI công nghệ cao.

Nhận diện dòng vốn FDI qua các con số - Ảnh 3

Nói về nỗ thu hút vốn FDI trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Trí Dũng nhấn mạnh, Việt Nam cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách đầu tư nước ngoài phù hợp với xu hướng đầu tư toàn cầu, trong đó đặc biệt quan tâm đến các ngành, lĩnh vực có khả năng đóng góp cho quá trình xanh hóa nền kinh tế, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số như: năng lượng tái tạo, xử lý rác thải, phát triển đô thị xanh, nông nghiệp sạch, nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là khâu thực thi các thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan… Đồng thời, sớm ban hành các chính sách phù hợp để thích ứng hiệu quả, linh hoạt trước tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo niềm tin của nhà đầu tư, duy trì sự hấp dẫn của môi trường đầu tư.

Huyền Trang

Theo VietnamFinance