Vốn FDI tăng tốc vào thị trường bất động sản Việt Nam

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/12/2023, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ. Trong đó, bất động sản là một trong đích đến quan trọng của dòng vốn này vào thị trường.

 

Nguồn: Tổng Cục thống kê
Nguồn: Tổng Cục thống kê

Vào quý 4/2023, thị trường ghi nhận lượng đầu tư lớn từ doanh nghiệp nước ngoài vào bất động sản. Trong đó phải kể đến như Công ty hữu hạn Tập Đoàn Deli (Deli Group) từ Trung Quốc đầu tư 270 triệu USD, sử dụng diện tích đất khoảng 21,2 ha tại khu công nghiệp Đại An mở rộng tại Hải Dương. Tập đoàn Hyosung của Hàn Quốc sẽ xây dựng nhà máy sản xuất sợi và vật liệu carbon có tổng vốn đầu tư khoảng 720 triệu USD tại khu công nghiệp Phú Mỹ 2 thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hay như doanh nghiệp sản xuất đồ uống lớn nhất tại Hàn Quốc, Tập đoàn HiteJinro đã đầu tư nhà máy hơn 8,2ha, có giá trị hơn 100 triệu USD tại khu công nghiệp Liên Hà Thái, tỉnh Thái Bình.

Đối với lĩnh vực bán lẻ, thị trường cũng ghi nhận những hoạt động sôi động từ khối ngoại. Vào tháng 9/2023, Lotte đã chính thức mở cửa Lotte Mall West Lake Hà Nội với diện tích hơn 354 nghìn m2 tổng diện tích sàn/tổng diện tích mặt sàn.

Đồng thời, THISO đã mở đại siêu thị Emart thứ 3 tại TP.HCM và dự kiến sẽ đầu tư tại khu vực phía Bắc sau khi mua khu đất rộng 2,4 ha tại Tây Hồ Tây, Hà Nội.

Bước sang năm 2024, dòng vốn FDI tiếp tục chảy về Việt Nam. Tính lũy kế đến ngày 20/01/2024, cả nước có 39.377 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 471,9 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 298,66 tỷ USD, bằng gần 63,3% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Trong các ngành lĩnh vực đầu tư, vốn ngoại đổ nhiều nhất vào kinh doanh bất động sản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 1,27 tỷ USD, chiếm 53,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp 2 lần so với cùng kỳ. Vốn ngoại đổ mạnh vào lĩnh vực BĐS của Việt Nam cho thấy ngành này đang đón nhận dòng vốn mới, triển vọng tích cực khi năm 2023, số vốn cấp mới cho ngành BĐS cũng đạt hơn 4,67 tỷ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4,8% so với năm 2022.

Một trong số các dự án thu hút vốn FDI từ đầu năm 2024 kể đến như: ngày 8/1, UBND tỉnh Đồng Nai trao giấy chứng nhận đầu tư 8 dự án FDI bao gồm 4 dự án đầu tư mới (tổng vốn đăng ký 156,4 triệu USD) và 5 dự án tăng vốn đầu tư (217 triệu USD). Hay vào ngày 13/1, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 5 dự án FDI với tổng mức đăng ký đầu tư hơn 310 triệu USD.

Trung Quốc dẫn đầu đối tác về số dự án đầu tư mới

Với 1,2 tỷ USD trên tổng số hơn 2,36 tỷ USD đầu tư FDI vào Việt Nam, lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiếp tục là điểm đến của dòng vốn ngoại ngay trong tháng 1/2024.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 1,4 tỷ USD, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư, tăng 72,8% so với cùng kỳ 2023; Nhật Bản đứng thứ hai với gần 297 triệu USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 7 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo là Samoa, Trung Quốc, Hồng Kông,…

Tuy nhiên, xét về số dự án Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm gần 19%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 26,7%) và GVMCP (chiếm 25,3%).

Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 867 triệu USD, chiếm 36,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp 39,7 lần so với cùng kỳ năm 2023 . Bà Rịa – Vũng Tàu đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 282 triệu USD, chiếm 11,9% tổng vốn đầu tư cả nước. Tiếp theo lần lượt là Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai,…

Nếu xét về số dự án, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 42,1%) và GVMCP (chiếm 78,2%). Bắc Ninh dẫn đầu về số lượt dự án điều chỉnh vốn (chiếm 16%).

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, nối tiếp xu hướng đầu tư cuối năm 2023, tổng vốn đầu tư đăng ký tháng 1 năm 2024 tiếp tục tăng mạnh, tăng 40,2% so với cùng kỳ và tăng 8,1% so với thời điểm cuối năm 2023.

Còn theo ước tính của ông Trần Thăng Long và đội ngũ phân tích nghiên cứu của CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, giải ngân vốn FDI năm 2024 sẽ đạt khoảng 24,8 tỷ USD (tăng 7,05% so với năm trước) ở kịch bản 1 và 25,9 tỷ USD (tăng 12,0% so với năm trước) ở kịch bản 2. Ở cả hai kịch bản, tăng trưởng FDI đều tăng so với năm 2023.

Ông Huỳnh Minh Tuấn - Chủ tịch HĐQT CTCP FIDT - đánh giá: "Chúng ta có một năm kỷ lục về vốn FDI đăng ký và giải ngân. Năm 2024 tôi dự báo tiếp tục là một năm kỷ lục nữa khi vị thế về địa chính trị, trung tâm sản xuất tăng lên rất rõ".

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê - cũng cho rằng, kết quả thu hút FDI năm 2023 là xu hướng lạc quan và tin tưởng dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Hà Thu

Theo Chất lượng và cuộc sống