Nhận diện rủi ro và điều chỉnh cần thiết để lành mạnh hóa thị trường chứng khoán

Nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia thuộc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận định: Những rủi ro trên lĩnh vực ngân hàng, thị trường chứng khoán (TTCK) đang được nhận diện và có những điều chỉnh cần thiết để lành mạnh hóa thị trường.

Sáng 25/5, ngân hàng ADB và BIDV (chủ trì là Viện Đào tạo và Nghiên cứu trực thuộc BIDV) đồng tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2021 và triển vọng 2022” tại Hà Nội.

Đây là lần đầu tiên một định chế tài chính Việt Nam phối hợp với ADB thực hiện báo cáo đánh giá toàn cảnh thị trường tài chính Việt Nam bao gồm các lĩnh vực ngân hàng – chứng khoán – bảo hiểm.

Báo cáo là kết quả nghiên cứu nghiêm túc, công phu, khoa học, có chiều sâu của Nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia ADB và BIDV.

Hội thảo công bố Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2021 và triển vọng 2022”. (Ảnh: Hà Anh)  
Hội thảo công bố Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2021 và triển vọng 2022”. (Ảnh: Hà Anh)  

Báo cáo nhấn mạnh: Kinh tế thế giới phục hồi nhanh trong năm 2021 (tăng 6,1%) sau khi suy giảm mạnh năm 2020 (-3,1%); tuy nhiên, dịch bệnh còn phức tạp khiến hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng tiếp tục diễn ra; giá cả hàng hóa và dịch vụ, lạm phát toàn cầu tăng cao (từ mức 2% năm 2020 lên 3,8% năm 2021); buộc các nước tính đến thu hẹp chính sách tài khóa, tiền tệ, tăng lãi suất, khiến đà phục hồi chậm lại và rủi ro tài chính – tiền tệ gia tăng, nhưng về cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát.

Bước sang năm 2022, với bối cảnh vĩ mô và địa chính trị phức tạp hơn, TTCK toàn cầu biến động mạnh, trở lại đà giảm điểm trong khi khu vực ngân hàng và bảo hiểm toàn cầu tiếp tục phục hồi, dù chậm hơn.

Với Việt Nam, trong bối cảnh quốc tế như trên và dịch bệnh phức tạp, kinh tế năm 2020-2021 khó khăn, tăng trưởng thấp. Tuy nhiên, nền kinh tế đang phục hồi khá nhanh nhờ thay đổi chiến lược phòng chống dịch phù hợp.

Dự báo, thị trường tài chính Việt Nam sẽ duy trì đà tăng trưởng tích cực nhờ kinh tế vĩ mô ổn định, một số chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được triển khai (khoảng 4% GDP trong hai năm 2022-2023), một số lĩnh vực, ngành nghề vẫn phát triển tốt; năng lực tài chính của các định chế tài chính được tăng cường trong những năm qua, khả năng thích ứng, đa dạng hóa hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số và tiết giảm chi phí, gia cố phòng chống rủi ro…

Thời gian qua, thị trường ngân hàng xuất hiện rủi ro như nợ xấu tiềm ẩn gia tăng, tội phạm tài chính tăng; TTCK sau giai đoạn phát triển nhanh đang có những điều chỉnh giảm điểm, xuất hiện thao túng giá, vi phạm công bố thông tin, cho vay ký quỹ tăng nhanh, nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính nhiều, tâm lý đám đông dẫn dắt…

“Những rủi ro này đã được các cơ quan quản lý nhận diện và đang có những chính sách, giải pháp khắc phục nhằm ổn định, lành mạnh hóa thị trường. Trong lĩnh vực bảo hiểm, tỷ lệ chi trả bảo hiểm dự báo sẽ tăng lên khi kinh tế phục hồi và tiến trình chuyển đổi số của ngành bảo hiểm còn chậm”, báo cáo nhấn mạnh.

Nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia ADB và BIDV nhận định, năm 2022, kinh tế thế giới dự báo sẽ tiếp tục phục hồi nhưng sẽ chậm hơn (tăng trưởng 3,2- 3,6%) do diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, chiến sự Nga – Ukraina nổ ra cùng với các lệnh trừng phạt, tiếp tục đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả hàng hóa và dịch vụ, lạm phát toàn cầu tăng cao (từ mức 3,8% năm 2021 có thể lên 6% năm 2022).

Điều này buộc các nước chính thức thu hẹp chính sách tài khóa, tiền tệ, tăng lãi suất, khiến đà phục hồi chậm lại và rủi ro tài chính – tiền tệ gia tăng. TTCK có điều chỉnh giảm điểm (từ đầu năm đến nay, chỉ số chứng khoán toàn cầu – MSCI ACWI giảm 13%), tiến tới ổn định hơn.

Với Việt Nam, với tiến trình mở cửa nền kinh tế, kiên định chiến lược “sống chung an toàn với COVID-19”, nhiều giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực từ chiến sự Nga – Ukraina và kiểm soát đà tăng giá cả, lạm phát, cùng với việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH 2022-2023…, kinh tế Việt Nam dự báo sẽ phục hồi tốt hơn trong năm 2022, tăng trưởng có thể đạt 5,5-6% (kịch bản cơ sở) và cao hơn trong năm 2023.

Tuy nhiên, lạm phát tăng khá mạnh, có thể lên mức 3,8-4,2% năm 2022 và duy trì mức 4% năm 2023.

Đối với TTCK, thị trường cổ phiếu dự báo sẽ có những điều chỉnh cần thiết, đi vào ổn định hơn, lành mạnh hơn, với VNIndex có thể tăng nhẹ (+ 8% đạt 1.610 điểm, theo kịch bản tích cực) hoặc giảm nhẹ (-4% về mức 1.440 điểm, theo kịch bản tiêu cực).

Khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) dự kiến không đổi so với 2021 do quy mô đáo hạn TPCP thấp hơn so với các năm trước, góp phần làm giảm áp lực phát hành thêm TPCP để cơ cấu lại nợ công.

Thị trường TPDN dự báo sẽ tiếp tục phát triển theo hướng minh bạch, lành mạnh hơn khi các quy định được ban hành theo hướng chặt chẽ hơn cùng với tăng cường quản lý, giám sát để giảm bớt rủi ro cho các chủ thể tham gia thị trường.

Hà Anh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam