Nhận diện tiềm năng loạt cổ phiếu ngân hàng dưới giá trị sổ sách
Đặt tương quan P/B và ROE vào đồ thị để so sánh, có thể thấy 4 cổ phiếu ngân hàng gồm SHB, MSB, OCB và TCB có mức độ hấp dẫn cao.
“Đãi cát” tìm cổ phiếu ngân hàng dưới giá trị sổ sách
Kể từ đầu năm tới nay, chỉ số VN-Index đã tăng khoảng 20%, nhiều cổ phiếu tăng 50%, thậm chí 100%. Nếu như thời điểm đầu năm, khá nhiều cổ phiếu nói chung và cổ phiếu ngân hàng nói riêng có giá trị vốn hóa thấp hơn giá trị sổ sách thì đến nay, lượng cổ phiếu dưới giá trị sổ sách đã giảm đáng kể. Theo dữ liệu từ FiinTrade, hệ số P/B (giá trị vốn hóa/giá trị sổ sách) toàn sàn HoSE thời điểm mở phiên đầu năm là 1,62 lần, đã tăng lên 1,81 lần vào thời điểm mở phiên 29/8.
Trong bối cảnh đó, vẫn có một số cổ phiếu ngân hàng có giá trị vốn hóa thấp hơn giá trị sổ sách (tức là P/B nhỏ hơn 1), bao gồm: SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội, MSB của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam, OCB của Ngân hàng TMCP Phương Đông, ABB của Ngân hàng TMCP An Bình, BVB của Ngân hàng TMCP Bản Việt, VAB của Ngân hàng TMCP Việt Á và TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam. Việc hệ số P/B thấp, ở mức dưới 1 lần, là một trong những chỉ báo cho thấy ngân hàng đang được định giá “rẻ”.
Trong số các cổ phiếu ngân hàng trên, VAB có hệ số P/B thấp nhất. Theo số liệu giá trị vốn hóa tính đến thời điểm mở phiên 29/8 và giá trị sổ sách tính đến hết quý II/2023, hệ số P/B của VAB chỉ ở mức 0,56 lần. Cao hơn một chút là ABB với P/B ở mức 0,67 lần. Các cổ phiếu còn lại đều có mức P/B từ 0,9 đến dưới 1 lần. Cụ thể, BVB ở mức 0,9 lần, SHB ở mức 0,92 lần, MSB và OCB đều ở mức 0,93 lần còn TCB ở mức 0,99 lần.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào hệ số P/B để đánh giá mức độ hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng thì còn nhiều thiếu sót. Cùng với P/B thấp, ngân hàng cũng cần có hiệu quả kinh doanh ở mức tốt; nếu hiệu quả kinh doanh kém thì việc cổ phiếu bị định giá thấp cũng là hợp lý.
Để đo lường hiệu quả kinh doanh, đồng thời kết hợp với hệ số định giá P/B, không chỉ tiêu nào hợp lý hơn tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA). Tính toán từ báo cáo tài chính hợp nhất của các ngân hàng cho thấy, ROEA 4 quý gần nhất của SHB là cao nhất, ở mức 17,9%; kế đó là MSB với mức 17,5%; OCB với mức 16,3% và TCB ở mức 15,5%. Nhóm thấp hơn gồm: VAB (11,6%), ABB (4,4%) và BVB (2,2%).
Đặt tương quan P/B và ROE vào đồ thị để so sánh, có thể thấy 4 cổ phiếu ngân hàng gồm SHB, MSB, OCB và TCB có mức độ hấp dẫn cao khi P/B nhỏ hơn 1 và ROEA lớn hơn 15%.
Nhận diện tiềm năng
Trong số 4 cổ phiếu ngân hàng trên, TCB tỏ ra lép vế nhất về tăng trưởng lợi nhuận trong quý II cũng như 6 tháng đầu năm nay. Cụ thể, lợi nhuận quý vừa qua của TCB giảm tới 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 6 tháng, lợi nhuận giảm 21,4%. Với kế hoạch kinh doanh cả năm 2023 giảm 13% so với năm ngoái, TCB đã hoàn thành 51% kế hoạch năm sau 6 tháng.
Trên thực tế, NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần, thể hiện biên lợi nhuận trong hoạt động tín dụng) của TCB suy giảm mạnh trong quý vừa qua. Theo nhận định của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, việc NIM của TCB trong nhóm giảm mạnh nhất ngành có liên quan đến việc thị trường trái phiếu và bất động sản gặp khó khăn về thanh khoản trong thời gian qua.
Bù lại, TCB lại tỏ ra vượt trội về chất lượng tài sản trong nhóm 4 ngân hàng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay mặc dù đã tăng từ 0,72% cuối năm 2022 lên 1,07% cuối quý II/2023 và tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm tương ứng từ 157% xuống 116%, nhưng vẫn tích cực hơn hẳn 3 ngân hàng còn lại.
Việc tỷ lệ nợ xấu gia tăng và tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm là xu hướng chung của ngành ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn. Thống kê của VNDIRECT cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất đã tăng từ mức 1,9% cuối quý I/2023 lên 2,1% cuối quý II/2023, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm tương ứng từ 106% xuống 98%.
Như vậy, vấn đề lớn nhất khiến cổ phiếu TCB bị định giá thấp hiện nay là triển vọng kinh doanh trong bối cảnh thị trường trái phiếu và bất động sản còn nhiều khó khăn.
Số liệu tài chính 10 quý gần đây cho thấy, quý vừa qua là quý thứ hai liên tiếp TCB ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với quý trước đó. Mặc dù NIM vẫn ở mức thấp kỷ lục 10 quý nhưng tình hình được kỳ vọng sẽ cải thiện hơn trong thời gian tới khi áp lực đáo hạn nguồn tiền huy động lãi suất cao giai đoạn trước giảm dần; cùng với đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tiếp tục hồi phục. Đây là những tín hiệu hỗ trợ cho triển vọng cải thiện kết quả kinh doanh của TCB trong thời gian tới.
Với các ngân hàng còn lại, MSB là ngân hàng có sự đồng đều ở cả kết quả kinh doanh và chất lượng tài sản. Theo đó, trong nhóm 4 ngân hàng, tăng trưởng lợi nhuận quý II và 6 tháng đầu năm 2023 của MSB chỉ thua OCB, trong khi chất lượng tài sản (thể hiện qua tỷ lệ nợ xấu nội bảng và tỷ lệ bao phủ nợ xấu nội bảng) chỉ kém hơn TCB. Tuy nhiên, hiện chưa có câu chuyện làm chất xúc tác (catalyst) cho đà tăng của cổ phiếu MSB.
Ngược lại, SHB lại đang được hỗ trợ bởi câu chuyện bán vốn cho nước ngoài. Cụ thể, theo nguồn tin của Reuters, SHB đang đàm phán bán 20% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài với định giá ngân hàng có thể mức 2-2,2 tỷ USD (hiện giá trị vốn hóa của SHB ở mức khoảng 1,82 tỷ USD). Một số nhà đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiếp cận SHB trong thương vụ này. Nguồn tin cũng cho biết, thỏa thuận này dự kiến sẽ được hoàn tất trong năm nay hoặc đầu năm 2024 và cần được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.
Với OCB, câu chuyện hiện tại là thực hiện kế hoạch kinh doanh tham vọng sau khi đã chậm lại ở năm ngoái. Trong năm nay, OCB đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng tới 37%. Trong 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận của ngân hàng này đã tăng trưởng 47%; riêng quý II tăng trưởng tới 75% so với cùng kỳ năm ngoái.