Nhận lãi từ GDFI lớn hơn ngân hàng, khách hàng có vi phạm pháp luật?
Giả sử việc đề xuất mức lãi do phía GDFI tự đưa vào hợp đồng với mục đích cam kết sinh lời cao, thì lỗi không hoàn toàn nằm về phía nhà đầu tư.
Như VietnamFinance thông tin, sau khi bức tâm thư được lan truyền với nội dung, các mảng đầu tư vốn là nguồn thu lợi chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI đã không còn mang lại lợi nhuận như kỳ vọng. Hàng chục khách hàng đã đến trụ sở Công ty GFDI túc trực để đòi quyền lợi.
Đáng chú ý, người dân đã ký với Công ty GFDI một bản hợp đồng vay tài sản. Trong đó, người dân đồng ý cho doanh nghiệp này vay một khoản tiền với một lãi suất nhất định.
Lãi suất tùy theo mỗi hợp đồng mà người dân cho Công ty GFDI. Cụ thể, có hợp đồng sẽ ký với lãi suất 3% cho 3 tháng hay có hợp đồng kỳ với lãi suất 12% cho một năm. Điều đáng lưu ý là khi chuyển tiền cho doanh nghiệp này, người dân cho biết không có hoá đơn chứng từ.
Tuy nhiên trên thực tế, một số người dân cho biết họ nhận được lãi cao hơn nhiều so với lãi suất đã ý với Công ty GFDI khoảng trên 30% tuỳ theo hợp đồng.
Cụ thể, anh T.T.T.V (trú quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) cho biết, cách đây gần 4 năm, anh và cùng một người bạn góp vốn đầu tư vào công ty với số tiền 120 triệu đồng. Lãi suất năm đầu tiên mà 2 người nhận được là 60 triệu đồng.
Thấy lãi cao nên anh V. tiếp tục đầu tư thêm 3 hợp đồng nữa và đã nhiều lần nhận lãi suất. Tháng 10 vừa rồi là đến kỳ đáo hạn, anh V. tính rút hết nhưng nhân viên công ty bảo tặng thêm lãi suất.
Tuy nhiên, do có việc gia đình nên anh rút 1 hợp đồng, còn lại 3 hợp đồng, với tổng số tiền 450 triệu đồng. Ba hợp đồng này đến Tết sẽ đáo hạn và tiền lãi là 200 triệu đồng.
Theo anh V. những năm đầu mới tham gia, lãi suất 50%/năm và sau đó giảm dần xuống 45%, 40%/năm… Khi làm hợp đồng, công ty sẽ tính số tiền lãi vào tiền gốc của khách hàng và phần lãi suất trong hợp đồng chỉ để 12%/năm.
Phần lãi vay thỏa thuận vượt quá 20% sẽ không có hiệu lực
Về mặt pháp lý, trao đổi với VietnamFinance, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật nhận định rằng, vụ việc này đặt ra nhiều vấn đề cần được làm rõ.
Thứ nhất, tính hợp pháp của các hợp đồng giữa công ty và nhà đầu tư cần được xem xét kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, các hợp đồng liệu có đảm bảo đầy đủ các yếu tố pháp lý, có đảm bảo điều kiện về mặt hình thức và nội dung theo quy định của Bộ luật dân sự và các văn bản khác liên quan hay không?
Thứ hai, chúng ta cần xem xét mức lãi suất cao mà công ty đưa ra có vi phạm quy định của pháp luật về lãi suất cho vay hay không?.
Thứ ba, trách nhiệm của công ty, của người đại diện pháp luật trong vụ việc này như thế nào?
Liên quan đến việc hưởng lãi suất 30% với tổng tiền gốc là 1 tỷ đồng khi ký kết hợp đồng vay, Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng cần xem xét rõ mức lãi suất này được quy định trong bao lâu. Hiện nay, theo Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, mức lãi suất không được vượt quá 20%/năm.
Nếu vượt quá, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
Tuy nhiên, vụ việc này nếu đây là thỏa thuận dân sự giữa công ty và nhà đầu tư, mức lãi suất này chưa rõ là do bên nào đề xuất. Giả sử việc đề xuất mức lãi này do phía công ty tự đưa vào hợp đồng với mục đích cam kết sinh lời cao để thu hút vốn đầu tư, lỗi không hoàn toàn nằm về phía nhà đầu tư.
Trong trường hợp này, hợp đồng có thể xem xét xử lý theo hướng hợp đồng vô hiệu một phần theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Theo đó, phần lãi vay thỏa thuận vượt quá 20% sẽ không có hiệu lực. Việc thỏa thuận vượt quá 20% không phải là cơ sở dẫn đến hợp đồng vô hiệu hoàn toàn, vì nhà đầu tư thực chất đã góp tiền vào công ty với mong muốn sinh lợi nhuận và mong muốn này xuất phát từ lời giới thiệu của công ty.
Nói thêm về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình nhìn nhận, hoạt động kinh doanh của công ty là do công ty quyết định, còn việc ký kết hợp đồng thỏa thuận với khách hàng thuộc một phạm trù khác, trong đó các bên đã xác lập rõ quyền và nghĩa vụ của mình. Việc không còn lợi nhuận từ các khoản đầu tư không đồng nghĩa với việc công ty có quyền từ chối các nghĩa vụ đã cam kết khi nhận tiền của các nhà đầu tư.
Nếu hoạt động kinh doanh không hiệu quả và công ty buộc phải thực hiện thủ tục phá sản, thì ngay trước đó công ty vẫn cần thực hiện các nghĩa vụ trả nợ đối với các nhà đầu tư theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Phá sản.
Về phía các nhà đầu tư, họ có quyền đòi lại số tiền đã đầu tư và có thể khởi kiện công ty ra tòa để bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, quá trình này có thể kéo dài và tốn kém.
Vậy nên chăng cần có những chính sách hỗ trợ pháp lý để giúp các nhà đầu tư bảo vệ quyền lợi một cách hiệu quả. Vụ việc này giống như một bài học cảnh tỉnh về rủi ro của các hình thức đầu tư không minh bạch.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin về công ty, về dự án đầu tư trước khi quyết định. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Về lâu dài, những vụ việc tương tự cần có một cơ chế giám sát chặt chẽ đối với các hoạt động huy động vốn của các công ty, đặc biệt là các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của người dân về các rủi ro khi đầu tư, khuyến khích người dân lựa chọn các hình thức đầu tư an toàn và có sự bảo đảm của pháp luật