Nhân vật chứng khoán của năm: Ông Sử và chuyện kỳ vọng
Năm 2023, ông Sử nổi lên như một biểu tượng của sự kỳ vọng tích cực thái quá giống như một thời mà “bà bán trà đá cũng chơi chứng”, và thị trường chứng khoán đã phải điều chỉnh lại khi thực tế ngày càng lộ rõ việc không đáp ứng được kỳ vọng.
2023 là một năm nhiều thị phi trên thị trường chứng khoán. Nhiều chuyên gia, môi giới chứng khoán lúc này được giới đầu tư tung hô khi đưa ra nhận định đúng nhưng khi khác, cũng chính các vị chuyên gia, môi giới chứng khoán ấy lại trở thành tâm điểm chỉ trích bởi những nhận định sai lầm trong ngắn hạn, dù rằng có một số nhận định là sát thực tế và rốt cuộc đã được phản ánh vào giá chứng khoán vài tháng sau đó.
Nhưng vượt lên trên tất cả những nhân vật đó, nhà đầu tư 81 tuổi Nguyễn Văn Sử có lẽ mới là nhân vật để lại nhiều ấn tượng nhất với cộng đồng đầu tư trong năm 2023. Lên sóng VTV hồi đầu tháng 9/2023, ông Sử kể về việc rút 200 triệu đồng tiền tiết kiệm để đầu tư chứng khoán, thu lợi nhuận tới 20% sau 1 tháng, sau đó dự định rút tiếp 600 triệu đồng tiền tiết kiệm để rót thêm vào chứng khoán.
Không lâu sau đó, từ ngày 13/9/2023, chỉ số VN-Index bắt đầu chuỗi ngày suy giảm, từ mức mở phiên 1.245 điểm xuống chỉ còn 1.154 điểm vào cuối tháng 9 và tiếp tục giảm xuống 1.028 điểm vào cuối tháng 10, tức là mất hơn 200 điểm sau chưa đầy 2 tháng. Thời kỳ này, trên các diễn đàn - cộng đồng đầu tư chứng khoán, ông Sử nổi lên như một biểu tượng của sự kỳ vọng tích cực thái quá giống như một thời mà “bà bán trà đá cũng chơi chứng”, và thị trường chứng khoán đã phải điều chỉnh lại khi thực tế ngày càng lộ rõ việc không đáp ứng được kỳ vọng. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2023 cơ bản kết thúc vào cuối tháng 10 và theo thống kê từ Công ty Chứng khoán SSI, tổng lợi nhuận sau thuế quý III của các doanh nghiệp niêm yết không những không phục hồi mà còn thấp hơn quý liền trước đó, VN-Index theo đó cũng tạo đáy nửa cuối năm vào phiên cuối tháng 10.
Hay như trong năm 2023, số liệu tăng trưởng GDP Việt Nam theo công bố từ Tổng cục Thống kê tăng dần qua các quý khiến cho giới đầu tư kỳ vọng vào sự phục hồi, dù chậm, của nền kinh tế nói chung và lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết nói riêng, từ đó thúc đẩy giá cổ phiếu. Tuy nhiên thực tế cho thấy kỳ vọng này vẫn quá lạc quan và phải được điều chỉnh lại.
Có thể nói, thị trường chứng khoán vận hành dựa trên sự kỳ vọng và liên tục tự điều chỉnh bằng cách đánh giá lại giá trị của cổ phiếu dựa trên bất kỳ thông tin tài chính mới nào mà nó nhận được.
Có 2 trạng thái kỳ vọng mà nhà đầu tư cần lưu ý: Lạc quan quá mức thì giá cổ phiếu sẽ suy giảm, bi quan quá mức thì giá cổ phiếu sẽ phục hồi. Câu nói phổ biến “hãy tham lam khi người khác sợ hãi, hãy sợ hãi khi người khác tham lam” cũng chung quan điểm như vậy.
Tại sao phương pháp đầu tư giá trị lại có sức sống bền bỉ và thường được các nhà đầu tư lão luyện khuyến khích? Đó là bởi vì nó tận dụng được các lỗi hành vi xuất phát từ tâm lý bi quan quá mức. Các cổ phiếu được định giá thấp là bởi vì kỳ vọng mà giới đầu tư đặt vào nó thấp, đồng nghĩa với việc các cổ phiếu này có xu hướng ít rủi ro hơn các cổ phiếu khác. Ngược lại, những cổ phiếu là “ngôi sao” trên thị trường chứng khoán, được “bảo trợ” bởi kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực trong quá khứ, mang lại cho nhà đầu tư sự thoải mái và tự tin khi đầu tư, thường được đặt kỳ vọng cao, rủi ro không đáp ứng được kỳ vọng theo đó cũng cao và nếu điều này xảy ra, giá cổ phiếu sẽ suy giảm.
Bậc thầy đầu tư Benjamin Graham từng lưu ý: “Việc ưu tiên một doanh nghiệp lớn và được quản lý tốt, có thành tích tốt và được kỳ vọng sẽ tăng thu nhập trong tương lai là điều tự nhiên và đúng đắn. Nhưng những kỳ vọng này, dù có vẻ có cơ sở, nhưng lại thường không thành hiện thực. Nhiều doanh nghiệp hàng đầu của ngày hôm qua đã lùi xa về thứ hạng. Ngày mai có thể câu chuyện tương tự sẽ diễn ra”.
Tầm quan trọng của kỳ vọng trong đầu tư chứng khoán không chỉ thể hiện ở góc độ định tính như tâm lý hay hành vi mà còn thể hiện trong công thức tính toán định lượng. Cụ thể, theo phương pháp chiết khấu dòng tiền, giá trị của cổ phiếu sẽ tỷ lệ thuận với quy mô dòng tiền tự do trong tương lai; do đó, để tính được giá trị cổ phiếu theo phương pháp này thì phải ước tính được dòng tiền tự do của doanh nghiệp trong tương lai và sự ước tính này chính là sự kỳ vọng; nếu dòng tiền tự do thực tế thấp hơn kỳ vọng thì giá trị của cổ phiếu cũng sẽ suy giảm.
Nhiều nhà đầu tư tại Việt Nam hiện nay khá chuyên tâm vào việc giải mã sự kỳ vọng, nhất là các nhà đầu tư có tham gia mua bán hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số VN30 (thường được gọi là đầu tư chứng khoán phái sinh). Sau khi nhận diện được sự kỳ vọng chung của thị trường, họ đi sâu vào phân tích xem kỳ vọng đó là tích cực quá mức hay bi quan quá mức hay không. Nếu cho rằng kỳ vọng của thị trường hiện tại là quá cao so với thực tế đang diễn ra, họ có thể đặt cược giá xuống (Short); và ngược lại, nếu cho rằng kỳ vọng của thị trường quá thấp so với thực tế, họ có thể đặt cược giá lên (Long), hoặc mua vào cổ phiếu trên thị trường cơ sở.
Trên thị trường chứng khoán thế giới, nhất là ở các quốc gia phát triển như Mỹ, các kỳ vọng được đo lường và công bố rất bài bản, có độ tin cậy cao (chẳng hạn như tỷ lệ thất nghiệp kỳ vọng, tăng trưởng GDP kỳ vọng, lạm phát kỳ vọng, chỉ số sản xuất kỳ vọng, chỉ số bán lẻ kỳ vọng, khả năng FED tăng/giữ nguyên/giảm lãi suất…). Tuy nhiên tại Việt Nam, việc đo lường kỳ vọng dường như rất hời hợt. Nói một cách bi hài, dữ liệu kỳ vọng mà nhà đầu tư Việt Nam theo dõi nhiều nhất hiện nay là… nhóm 5 dòng kẻ (quan điểm của 5 công ty chứng khoán về xu hướng VN-Index hàng ngày, chia thành 3 loại ý kiến: Tích cực, Trung lập, Tiêu cực). Đây được mệnh danh là “chỉ báo ngược uy tín” trên thị trường chứng khoán Việt Nam bởi thường xuyên VN-Index diễn biến ngược với kỳ vọng của các công ty chứng khoán.
Việc nhận diện và quản lý kỳ vọng là rất khó, không chỉ đối với ông Sử mà còn đối với cả các chuyên gia và cả những nhà đầu tư lão làng, bởi tương lai luôn là một ẩn số, đó là chưa kể đến ảnh hưởng của cảm xúc đến quyết định đầu tư. Sự ra đời của các phương pháp đầu tư chính là để quản lý cảm xúc nói riêng và quản lý sự kỳ vọng nói chung, dựa trên việc phân tích các yếu tố cơ bản hoặc/và kỹ thuật. Nếu đầu tư không có phương pháp, không dễ quản lý được sự kỳ vọng, quyết định đầu tư bị chi phối bởi cảm xúc, do đó khó lòng tồn tại được lâu dài trên thị trường chứng khoán.