Nhanh như xây cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo
Có mặt tại công trường xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo vào những ngày này, thật khó để tưởng tượng cách đây 1 năm, nơi đây vẫn chưa có dấu chân người. Minh chứng cho tốc độ “thần tốc” của tuyến cao tốc này là việc dự án đã giải ngân vượt kế hoạch vốn ngân sách nhà nước bố trí cho dự án trong năm 2022 - điều mà nhiều dự án hạ tầng giao thông không làm nổi.
Cuối tháng 10/2022, Tạp chí Đầu tư Tài chính có dịp theo chân các cán bộ, kỹ sư của Tập đoàn Đèo Cả để tận mắt chứng kiến và cảm nhận không khí thi công khẩn trương trên công trường xây dựng cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo đi qua địa bàn 3 tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Cách đây khoảng một năm, nơi đây chỉ là bao la đồi núi chưa có dấu chân người, nhưng đến nay khu vực này đã trở thành một đại công trường với bạt ngàn máy móc, thiết bị và công nhân.
Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), với tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng do Tập đoàn Đèo Cả - Tổng công ty Đầu tư xây dựng 194 làm nhà đầu tư. Dự án được khởi công vào tháng 11/2021, thời gian thi công 24 tháng, riêng hạng mục hầm Núi Vung là 30 tháng.
Sau hơn 1 năm tổ chức thi công, tính đến cuối tháng 10/2022, khối lượng thi công toàn dự án đạt hơn 2.200 tỷ đồng (tương đương 30% khối lượng), cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu. Trong đó, phân đoạn do Tập đoàn Đèo Cả đảm nhiệm thi công (Km92+260-Km134+000) sản lượng đạt 1.418 tỷ đồng (31,19%), vượt 5% kế hoạch. Còn lại, phân đoạn do Tổng công ty Đầu tư xây dựng 194 thi công (Km54+000-Km92+260) đạt 789,55 tỷ đồng (26%). Nhà đầu tư đặt mục tiêu đưa dự án về đích sớm hơn dự kiến khoảng 3 tháng.
Có mặt tại đại công trường Cam Lâm - Vĩnh Hảo những ngày này, ấn tượng lớn nhất là tinh thần lao động của hơn 500 cán bộ, kỹ sư, tư vấn giám sát, công nhân, người lao động, chia 3 ca, 4 kíp/ngày và hơn 100 đầu máy móc thiết bị kỹ thuật phục vụ đào hầm các loại…
Sự khẩn trương của dự án không chỉ nằm ngoài công trường mà còn thể hiện ở tốc độ giải ngân vốn. Theo chia sẻ của ông Đặng Tiến Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo (doanh nghiệp dự án), dự án hiện đã giải ngân vượt kế hoạch vốn ngân sách nhà nước bố trí trong năm 2022 và từ nay đến cuối năm theo nhu cầu thi công thì cần phải bổ sung thêm. Hiện nhà đầu tư cũng đã có kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải xem xét bổ sung nguồn vốn ngân sách nhà nước cho dự án để kịp thời giải ngân cho các gói thầu nhằm đáp ứng nhu cầu vốn để nhà thầu thực hiện dự án.
Nói về một số khó khăn hiện tại cần tháo gỡ tại dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, ông Thắng nhấn mạnh đến vấn đề giá nguyên vật liệu tăng đột biến. Theo đó, chi phí dự phòng giá nguyên vật liệu của dự án gần như không bù đắp được giá cả tăng đột biến như thời gian qua. Hiện tại, các dự án đầu tư công đã có chủ trương điều chỉnh giá đối với nguyên vật liệu tăng giá đột biến, nhưng các dự án PPP lại chưa có chủ trương. Điều này gây khó khăn cho các nhà đầu tư và là nguyên nhân làm giảm sự thu hút của hình thức đầu tư này.
Liên quan đến các vấn đề về lãi suất cho vay, ông Thắng cho biết lãi suất huy động tăng liên tục trong thời gian qua, kéo theo lãi suất tín dụng cho xây dựng các dự án hạ tầng giao thông cũng tăng theo và dự kiến sẽ còn tăng tiếp trong thời gian tới. Điều này cũng gây áp lực rất lớn cho các nhà đầu tư và nhà thầu trong các dự án PPP giao thông, dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo cũng không ngoại lệ.
Đầu tháng 11 này, Công ty Cổ phần cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã có văn bản gửi đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đăng ký bổ sung vốn ngân sách nhà nước năm 2022 cho dự án. Cụ thể, doanh nghiệp đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Ban quản lý dự án 85 xem xét bổ sung 200 tỷ đồng vào kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2022 thuộc phần vốn nhà nước (VGF) đối với dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công công trình. Đến nay, đây là dự án cao tốc Bắc - Nam duy nhất xin thêm vốn đầu tư công để giải ngân.