Nhật Bản rơi vào suy thoái: Chính sách tiền tệ sớm đảo chiều?

Theo số liệu thống kê chính thức công bố ngày 15 tháng 2, Nhật Bản - từng là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - đã ghi nhận hai quý tăng trưởng âm liên tiếp, đáp ứng định nghĩa về một cuộc suy thoái kinh tế.

Thời kỳ suy thoái hiện hữu

Trong quý 4 vừa qua, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của đất nước mặt trời mọc chứng kiến mức giảm hàng năm 0,4%, sau khi giảm 3,3% trong quý 3 theo số liệu công bố lần hai.

Theo dữ liệu trên Trading economics, dữ liệu cho thấy GDP của Nhật Bản bất ngờ giảm 0,1% so với quý trước trong quý 4 năm 2023, thấp hơn mức dự báo của thị trường là 0,3%.

Nhật Bản rơi vào suy thoái: Chính sách tiền tệ sớm đảo chiều? - Ảnh 1

GDP của Nhật Bản năm 2021 đến 2024 (Hình ảnh từ: Trading economics)

Nền kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái lần đầu tiên sau 5 năm, do tiêu dùng tư nhân, chiếm hơn một nửa nền kinh tế, giảm trong quý thứ ba liên tiếp trong bối cảnh áp lực chi phí gia tăng và những khó khăn toàn cầu kéo dài (-0,2% so với -0,3% trong Quý 3).

Nhật Bản nhập khẩu 94% năng lượng cơ bản mà nước này tiêu thụ. Đối với nhu cầu lương thực-thực phẩm, tỷ trọng được đáp ứng thông qua nhập khẩu là 63%. Bởi vậy, khi đồng yên mất giá, chi phí nhập khẩu của nước này tăng mạnh, đẩy sinh hoạt phí lên cao làm tăng lạm phát. Năm nay, đồng yên đã mất giá 6,6% so với USD, trở thành đồng tiền giảm giá mạnh nhất trong số 10 đồng tiền của các nước công nghiệp phát triển.

Theo Bloomberg, Lạm phát mạnh nhất trong nhiều thập kỷ đang đè nặng lên chi tiêu của các hộ gia đình và doanh nghiệp tại Nhật Bản. Cả người tiêu dùng và các công ty đều cắt giảm chi tiêu trong ba quý liên tiếp do tiền lương không theo kịp giá cả.

Bên cạnh tiêu dùng, các cấu phần khác của GDP cũng chứng kiến sự sụt giảm so với quý trước đó. Chi đầu tư giảm (-0,1% so với - 0,6%) trong khi đầu tư công tiếp tục giảm (-0,7% so với -1,0%).

Về mặt tích cực, thương mại ròng đóng góp tích cực, với xuất khẩu (2,6% so với 0,9%) tăng mạnh hơn nhập khẩu (1,7% so với 1,0%). Đồng Yên suy yếu đã giúp cho hàng hóa Nhật Bản rẻ hơn qua đó thúc đẩy xuất khẩu của quốc gia này tăng trưởng dương và là điểm sáng hiếm hoi trong quý 4.

Dù kinh tế Nhật suy thoái, thị trường chứng khoán nước này đang trong xu hướng tăng trưởng mạnh, với chỉ số Nikkei 225 đang ở vùng cao nhất kể từ năm 1990. Ngoài ra, một số chuyên gia dự báo nền kinh tế Nhật sẽ khởi sắc trong những tháng tới.

Bà Min Joo Kang, nhà kinh tế cấp cao của ngân hàng ING nhận định rằng dù kết quả tăng trưởng quý IV năm ngoái gây thất vọng nhưng kinh tế Nhật Bản có thể hồi phục trong quý I năm nay.

Theo các chuyên gia của Capital Economics, số liệu GDP quý 4 của Nhật Bản rất có thể sẽ được điều chỉnh tăng trong lần công bố thứ hai vào tháng 3, và sẽ không ngăn được việc BOJ chấm dứt chính sách lãi suất âm vào tháng 4.

Cùng quan điểm lạc quan, Goldman Sachs ngày 15/1 dự báo kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 1% trong quý 1/2024. “Chúng tôi dự báo chi tiêu của du khách quốc tế tới Nhật Bản sẽ chậm lại so với giai đoạn tháng 10-12, nhưng xu hướng vẫn là tăng”, một báo cáo của ngân hàng Mỹ nhận định.

Đảo chiều chính sách cứu tăng trưởng

Liệu việc Nhật Bản rơi vào suy thoái kỹ thuật sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.

Cuộc suy thoái bất ngờ làm phức tạp thêm bức tranh đối với Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Kazuo Ueda . Trong khi các ngân hàng trung ương thường muốn tránh tăng lãi suất khi nền kinh tế của họ đang suy thoái, Ueda dường như tập trung hơn vào xu hướng lạm phát và tiền lương dài hạn hơn là số liệu tăng trưởng kinh tế hàng quý.

Lạm phát của Nhật Bản hiện đang ở vùng cao nhất trong 10 năm trở lại đây và cách xa mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.

Nhật Bản rơi vào suy thoái: Chính sách tiền tệ sớm đảo chiều? - Ảnh 2

                           CPI Nhật Bản (Hình ảnh từ Trading Economics)

Theo Bloomberg, hầu hết các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát vào tháng 1 đều dự báo ngân hàng trung ương Nhật Bản sẽ tăng lãi suất vào tháng 4. Sự thu hẹp của nền kinh tế có thể không đủ để làm chệch hướng BOJ khỏi khung thời gian đó. Ueda cho biết các điều kiện tài chính sẽ vẫn phù hợp ngay cả khi ông loại bỏ lãi suất âm cuối cùng trên thế giới. Việc tăng lãi suất vẫn có thể khiến lãi suất ở mức 0.

Ngoài việc nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2007, ngân hàng này sẽ phải tìm cách giải quyết bảng cân đối kế toán của mình và với tốc độ như thế nào sau một thập kỷ thực hiện QE với mức độ khổng lồ để hỗ trợ nền kinh tế Nhật Bản khỏi giảm phát kéo dài. Tỷ lệ bảng cân đối kế toán của BOJ so với nền kinh tế là lớn nhất thế giới, ngân hàng này sở hữu khoảng một nửa thị trường nợ trị giá 1.200 nghìn tỷ Yên (8 nghìn tỷ USD) của quốc gia. Đây cũng là cổ đông lớn nhất trên thị trường chứng khoán địa phương.

Việc thay đổi bảng cân đối kế toán cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách kiểm soát đường cong lợi suất của Nhật Bản (YCC).

Chính sách này hoạt động bằng cách các ngân hàng trung ương sẽ mua trái phiếu để giữ lợi suất tại các thời gian đáo hạn bình quân ở mức mong muốn – giới hạn sự gia tăng của chi phí đi vay. Lợi suất được giới hạn ở một mức cụ thể dọc theo đường cong kỳ hạn.  Với chinh sách này BOJ có thể kiểm soát được lợi suất ở các kỳ hạn phù hợp với mục tiêu của chính sách tiền tệ trong từng  giai đoạn khác nhau.

Trong hướng dẫn thay đổi của mình, BOJ có thể chỉ ra mức trần lãi suất mới, thay thế mức tham chiếu 1% hiện tại cho lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm. Hoặc các nhà chức trách có thể bỏ qua điều đó và tiếp tục đánh dấu số lượng trái phiếu ước tính mà họ định mua mỗi tháng. Điểm mấu chốt là ngân hàng sẽ mang lại sự linh hoạt cao hơn cho những người tham gia thị trường trong việc quyết định mức lãi suất trong khi tiếp tục can thiệp khi lãi suất tăng quá nhanh.

Gia Huy

Theo VietnamFinance