Nhiều băn khoăn với đánh thuế bất động sản thứ hai

Những ngày qua, câu chuyện về việc thu thuế bất động sản thứ hai được dư luận bàn tán khá nhiều sau khi UBND TP.Hồ Chí Minh đề xuất thí điểm thu loại thuế này nhằm tăng thu ngân sách và hạn chế tình trạng đầu cơ nhà đất.

 

Nhiều băn khoăn với đánh thuế bất động sản thứ hai - Ảnh 1
 

Còn nhiều điều băn khoăn

Mới đây, UBND TP.Hồ Chí Minh đã có tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM, thay thế Nghị quyết 54 với nhiều nội dung đáng chú ý liên quan về tài chính, ngân sách.

Trong đó, UBND TP. Hồ Chí Minh đề xuất bổ sung quyết định thu thuế bổ sung đối với bất động sản thứ 2 trở lên.

Kể từ khi đề xuất này được đưa ra, nhiều chuyên gia bày tỏ đồng tình, tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc trong khâu thực hiện.

Thực tế, việc đánh thuế bất động sản thứ 2 trở lên cũng từng được ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh (HoREA) đề xuất như một giải pháp đặc trị sốt đất và bình ổn giá nhà.

Theo đó, nguyên tắc là người sở hữu nhà đất dùng để ở thì chịu mức thuế thấp nhất. Người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở, hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh, thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu. Nếu thị trường bất động sản bị đầu cơ, có thể áp dụng thuế suất rất cao để triệt tiêu ý chí đầu cơ.

“Sắc thuế này sẽ điều chỉnh và định hướng hành vi mua, bán, chuyển nhượng nhà, đất trên thị trường bất động sản hướng đến mục tiêu phát triển lành mạnh, ổn định, vừa đáp ứng đúng nhu cầu thực (mua nhà để ở) của người tiêu dùng, vừa đáp ứng nhu cầu đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư thứ cấp (mua nhà đất để đầu tư, cho thuê), vừa vẫn giải quyết được nhu cầu cất giữ tài sản bằng nhà, đất của người dân”, ông Châu cho biết.

Cần phải xây dựng lộ trình cụ thể về thời gian thực hiện, có thể là trong thời gian 2 - 3 năm tới ở các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ... Đặc biệt, vấn đề về cơ sở dữ liệu để quản lý đối tượng phải đóng thuế cũng cần được xây dựng một cách khoa học, từ đó mới xác định những người đó sở hữu BĐS thứ 2.

Theo ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc nghiên cứu & phát triển Tập đoàn DKRA, cho rằng, muốn làm việc này cần có sự đồng bộ về dữ liệu quản lý đất đai. Cần tham khảo mô hình ở Mỹ hay Trung Quốc quy định mỗi cá nhân được sở hữu bao nhiêu diện tích. Nếu vượt diện tích đó sẽ đánh thuế như thế nào cho hợp lý. Ban đầu có thể đánh thuế ở khu vực trung tâm trước vì những người mua bất động sản ở đó là người có điều kiện. Nên áp dụng biểu thuế lũy tiến từ căn thứ 2 trở lên. Ví dụ căn thứ 2 đánh thuế thêm 2%, căn thứ 3 lên 5%, căn thứ 4 lên 10% chẳng hạn.

Nhiều băn khoăn với đánh thuế bất động sản thứ hai - Ảnh 2
 

Ông Thắng cũng lưu ý thêm “ Ở Mỹ dù đánh thuế nhưng cũng có nhiều người sở hữu nhiều nhà để cho thuê. Do đó, đánh thuế làm sao phù hợp để hạn chế đầu cơ, để bất động sản không bỏ hoang, đưa vào khai thác, nhưng không quá cao để tránh bóp nghẹt thị trường. Bởi thị trường bất động sản cũng là một thị trường hàng hóa, nếu can thiệp quá thô bạo sẽ tác động đến hàng chục ngành nghề khác”.

Liệu có đúng lúc?

Mặc dù ủng hồ đề xuất đánh thuế bất động sản thứ 2 của UBND TP. HCM nhưng ông Trần Minh Hoàng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Môi giới bất động sản VN, cho rằng nếu áp dụng phải có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho người mua căn nhà đầu tiên mới công bằng. Bên cạnh đó, theo ông Hoàng, áp dụng ở thời điểm này là chưa phù hợp khi thị trường bất động sản đang đóng băng. Đánh thuế sẽ tạo tâm lý hoang mang, thị trường đã khó càng khó hơn.

“Chưa chắc đánh thuế giá bất động sản sẽ giảm đi nên cần cân nhắc mức thuế. Tại nhiều nước, căn nhà thứ 2 trở đi có mức thuế cao hơn một chút để tránh tích trữ, tránh để tiền quá nhiều vào bất động sản. Vì vậy đã đánh thuế thì áp dụng trên cả nước chứ không riêng gì TP.HCM”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc đánh thuế bất động sản thứ 2 rất bất ổn ở chỗ, có gia đình chỉ có một căn nhà diện tích 500 m2 tại trung tâm TP.HCM không tính thuế, trong khi một gia đình có căn nhà 30 m2 và họ có căn nhà thứ hai cho thuê khoảng 30 m2 thì bị đánh thuế.

Do đó, ông Thịnh cho rằng nên xem xét đánh thuế với những người sử dụng vượt hạn mức sẽ hợp lý hơn là đánh thuế bất động sản thứ hai. Như vậy, nếu người dân sử dụng trong hạn mức nào đó sẽ tính thuế thấp, vượt hạn mức sẽ bị tính thuế cao và nếu vượt hạn mức càng nhiều sẽ có mức thuế cao hơn tương ứng, tức là sẽ đánh lũy tiến.

Tiền của nhà đầu tư TP. HCM sẽ “chảy” sang nơi khác?

Việc đánh thuế bất động sản thứ hai thực sự đang nhận những ý kiến trái chiều. Một trong số đó nhắc đến việc dòng tiền của nhà đầu tư sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng nếu đề xuất trên được đưa vào thực tiễn.

Ông Đỗ Hoàng Dương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BĐS Gia Gia Phú, cho rằng việc thu thuế người có nhiều nhà đất nên áp dụng chung, thống nhất cả nước chứ không chỉ thí điểm một địa phương.

Nếu chỉ thí điểm ở TP.HCM thì TP sẽ chịu nhiều ảnh hưởng, làm giảm sức hấp dẫn đầu tư bất động sản ở đây. Nhà đầu tư sẽ dịch chuyển ra những địa phương không thu loại thuế này để đầu tư, các chủ đầu tư sẽ càng khó phát triển dự án vì thanh khoản kém.

Đồng quan điểm, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Việt An Hòa, cho rằng đề xuất đánh thuế của TP.HCM trong bối cảnh hiện nay chưa hợp lý. Nếu áp dụng thu thuế bất động sản cần phải thực hiện đồng bộ tại nhiều tỉnh thành, không nên thí điểm riêng TP.HCM.

Lý giải về việc không tình với đề xuất của UBND TP. HCM, ông Quang cho biết, nếu TP.HCM thí điểm đánh thuế bất động sản thứ 2 trong giai đoạn này có thể làm ảnh hưởng đến thị trường của trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.

“Nếu TP.HCM thí điểm đánh thuế bất động sản thứ 2, hạn chế thêm nhu cầu của người dân thì các nhà đầu tư sẽ có khả năng chuyển dịch dòng vốn sang các tỉnh khác”, ông Quang nói.

Theo một nhà đầu tư bất động sản phía Nam cũng cho rằng cần nghiên cứu kỹ hơn về mô hình thí điểm này. Việc đánh thuế có thể sẽ làm người mua cân nhắc hơn, đồng thời sẽ tạo nên nghịch lý trên thị trường, khi giá nhà giảm người ít tiền sẽ lo sợ và suy nghĩ liệu giá còn giảm nữa không và không dám xuống tiền, trong khi người có tiền thì đây lại cơ hội dành cho họ. Như vậy, đi ngược lại với mục đích ban đầu là nhằm giảm giá nhà để người dân ít tiền có thể mua được nhà và hạn chế tình trạng đầu cơ.

An Nhiên

Theo Kinh doanh và Phát triển